
Động lực phát triển mới trong liên kết Quảng Ninh - Hải Phòng
Quảng Ninh - Hải Phòng, 2 địa phương giáp ranh với nhiều điểm tương đồng trong phát triển, được xác định là 2 động lực kinh tế quan trọng của khu vực phía Bắc.
Nếu như trước đây ưu thế kết nối phát triển của Quảng Ninh - Hải Phòng là cảng biển, là khai thác du lịch từ giá trị của Vịnh Hạ Long, Vịnh Lan Hạ thì nay không gian phát triển chung của 2 địa phương là chuỗi cung ứng dịch vụ logistic.
Đó là lợi thế cạnh tranh mới của Cảng hàng không quốc tế Cát Bi - Cảng Hải Phòng - Cảng Lạch Huyện - Cảng Cái Lân - Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn sẽ giúp 2 cực tăng trưởng kinh tế của khu vực phía Bắc và cả nước bứt phá trong thời gian tới.
Lợi thế về cảng biển không còn là địa phương nào khai thác địa phương đó mà là từ sự kết nối của tuyến cao tốc Hải Phòng - Hạ Long - Vân Đồn (tương lai là cao tốc Vân Đồn - Móng Cái) sẽ vận chuyển hàng hóa đường bộ đến cửa khẩu quốc tế Móng Cái, cửa khẩu Bắc Phong Sinh, Hoành Mô, trong đó Hải Phòng là cảng đích của các hãng tàu biển cập cảng làm thủ tục hải quan, kiểm định quốc tế, các doanh nghiệp vận tải đường bộ nhận container vận tải qua Quảng Ninh đi Móng Cái, Bình Liêu, Hải Hà...
Cảng Cái Lân, cảng Hải Phòng, 2 lợi thế cạnh tranh đặc biệt của vùng Đông Bắc được 2 tỉnh, thành phố khai thác hiệu quả từ phối hợp xử lý thủ tục hành chính cho các doanh nghiệp đảm bảo nhanh gọn, thông thoáng và xây dựng Quy chế phối hợp liên quan đến giải quyết thủ tục hải quan, kiểm định, kiểm hóa hàng nhập, hàng xuất thông qua cảng, góp phần kết nối khu vực tam giác phát triển Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh.
Câu chuyện “ông chằng bà chuộc” trong giải quyết các vấn đề liên quan đến phát triển du lịch giữa 2 địa phương trước đây thì nay sẽ được giải quyết từ liên kết trong quản lý nhà nước, phát triển sản phẩm, quảng bá xúc tiến đến phát triển nguồn nhân lực, bảo vệ môi trường tự nhiên và môi trường kinh doanh. Xây dựng Cát Bà, Đồ Sơn (Hải Phòng) và Hạ Long (Quảng Ninh) trở thành trung tâm du lịch quốc tế.
Xây dựng Quy chế phối hợp quản lý nhà nước đối với hoạt động vận chuyển khách du lịch trên khu vực Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) và Vịnh Lan Hạ (Hải Phòng) tạo ra hành lang pháp lý thống nhất, đồng bộ trong giải quyết các vấn đề chung có liên quan. Phối hợp lập hồ sơ “Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà” trình cấp có thẩm quyền và Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO) công nhận “Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà” là Di sản thế giới.
Hạ tầng giao thông kết nối giữa 2 địa phương tiếp tục được cải thiện từ việc trong năm 2020-2021 dùng ngân sách tỉnh, thành phố để triển khai đầu tư dự án cải tạo nâng cấp Quốc lộ 10 đoạn từ Nút giao với Quốc lộ 18A (tỉnh Quảng Ninh) đến Cầu vượt Quán Toan (TP Hải Phòng) với quy mô 4 làn xe, theo nguyên tắc đoạn tuyến đi qua địa phương nào thì địa phương đó thực hiện. Đầu tư xây dựng cầu Lại Xuân (do TP Hải Phòng thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư và làm chủ đầu tư dự án), xây dựng cầu Bến Rừng (TP Hải Phòng nghiên cứu lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi riêng phần cầu, xin ý kiến các cấp có thẩm quyền nếu cần thiết), phấn đấu khởi công trong năm 2020 theo nguyên tắc: Phần kinh phí xây dựng cầu mỗi bên thực hiện một nửa; đường dẫn thuộc bên nào thì bên đó đầu tư.
Chủ động tạo ra “lợi thế động” để đẩy mạnh phát triển, nâng cao sức cạnh tranh toàn vùng, mối liên kết Quảng Ninh - Hải Phòng trong tầm nhìn mới đã được xác định với giá trị cốt lõi tạo lập là động lực cho phát triển vùng, hạt nhân trong cạnh tranh quốc tế.
Ngọc Lan
Ý kiến ()