
Để trẻ em luôn có những mùa hè vui
Kỳ nghỉ hè là thời gian nghỉ ngơi, vui chơi của các lứa tuổi học sinh. Sau một năm học tập căng thẳng, vất vả, các em có cơ hội được nghỉ ngơi, vui chơi và tham gia vào các hoạt động ngoại khoá mà mình yêu thích. Tuy nhiên, làm thế nào để trẻ em có một kỳ nghỉ hè vui vẻ, bổ ích lại tránh được những tai nạn thương tích đáng tiếc xảy ra là điều băn khoăn, lo lắng của nhiều bậc phụ huynh.
Theo số liệu thống kê, năm 2019 trên địa bàn toàn tỉnh có trên 314.000 học sinh. Trong đó, cấp mầm non là 88.002 em; tiểu học là 116.167 em; cấp Trung học cơ sở là 72.417 em; cấp Trung học phổ thông là 37.559 em. Và đó cũng là con số học sinh nghỉ hè tại các địa phương. Mùa hè đến, dạo qua các trang mạng xã hội, diễn đàn dành cho cha mẹ xuất hiện nhiều câu chuyện dở khóc, dở cười và nhiều kinh nghiệm “ứng phó” với kỳ nghỉ hè của các con. Phần lớn những ý kiến đều tỏ ra lo lắng: “Kỳ nghỉ hè dài, nếu không quản lý tốt, con sẽ sa vào những trò chơi vô bổ như điện tử, chơi bời lêu lổng, thậm chí là vướng vào các tệ nạn xã hội…”.
Để đảm bảo cho trẻ em có những sân chơi vui vẻ, an toàn và bổ ích, theo sự chỉ đạo của UBND tỉnh, các cấp, ngành, đoàn thể đã tập trung các nguồn lực và sáng tạo nhiều cách làm mới, hiệu quả. Thực tế cho thấy, việc thiếu sân chơi không chỉ hạn chế khả năng vận động để giúp trẻ phát triển toàn diện, mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ như: Tai nạn giao thông, đuối nước khi trẻ em đi tắm suối, ao, hồ và những bãi tắm tự phát hoặc tiếp cận với các trò chơi điện tử vô bổ, độc hại... Tạo sân chơi bổ ích cho trẻ là đòi hỏi cấp thiết, đặt ra với toàn xã hội. Vì vậy, địa phương nào thực sự quan tâm tới nhu cầu chính đáng của trẻ, nơi đó trẻ em được hưởng lợi.
Để giải quyết tình trạng thiếu sân chơi, những năm gần đây tại Quảng Ninh đã có sự vào cuộc mạnh mẽ của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương cũng như của cả cộng đồng. Tỉnh đã quy hoạch lại mạng lưới sân chơi cho trẻ em từ thành thị đến nông thôn và huy động nhiều nguồn lực đầu tư, góp phần tạo ra môi trường lành mạnh, hữu ích cho trẻ em vui chơi, phát triển. Các thiết chế văn hóa, trường học, thư viện tại các địa phương cũng được huy động tối đa để thiếu nhi trên địa bàn sinh hoạt hè. Đến nay các địa phương, nhất là các địa bàn miền núi như Bình Liêu, Ba Chẽ, Tiên Yên đã tổ chức được nhiều lớp năng khiếu như: Bơi, bóng đá, hát then - đàn tính... thu hút đông đảo trẻ em tham gia. Các địa phương còn chú trọng mời các nghệ nhân tham gia giảng dạy tại các lớp học các làn điệu truyền thống dân tộc. Qua đó, góp phần giáo dục cho thanh, thiếu nhi lòng yêu quê hương, đất nước, nâng cao ý thức gìn giữ, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc mình. Chuyên đề phòng chống xâm hại trẻ em cũng đã được các Chi đoàn lồng ghép vào nội dung, chủ đề sinh hoạt hè tại các phường, xã.
Bằng sự nỗ lực và nhiều cách làm sáng tạo, những năm gần đây, trẻ em trên địa bàn tỉnh dù ở thành thị hay vùng cao, miền núi vẫn có những sân chơi, với nhiều hoạt động vui chơi bổ ích trong dịp nghỉ hè.
Thanh Phong
Ý kiến ()