Để KHCN và đổi mới sáng tạo thực sự trở thành đòn bẩy phát triển KT-XH
Luôn coi trọng sức mạnh của khoa học công nghệ (KHCN), nhiều năm qua, tỉnh Quảng Ninh đã dành sự quan tâm đầu tư về nguồn lực, xây dựng thể chế để mở đường cho KHCN phát huy vai trò của mình. Nhiều nghị quyết chuyên đề về KHCN đã được ban hành, gần đây nhất, tháng 4/2023, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 13-NQ/TU “Về phát triển KHCN và đổi mới sáng tạo đến năm 2030".
Nghị quyết số 13-NQ/TU đặt ra mục tiêu: Đến năm 2030 Quảng Ninh thuộc nhóm các địa phương đi đầu cả nước về ứng dụng, chuyển giao KHCN và đổi mới sáng tạo, với tiềm lực, trình độ KHCN và đổi mới sáng tạo đạt mức tiên tiến ở một số lĩnh vực quan trọng; trình độ, năng lực công nghệ, đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp và ở một số ngành, lĩnh vực đạt trình độ khu vực, quốc gia, quốc tế; KHCN và đổi mới sáng tạo phát triển vững chắc, thực sự trở thành động lực tăng trưởng kinh tế, góp phần xây dựng Quảng Ninh trở thành tỉnh kiểu mẫu, giàu đẹp, văn minh, hiện đại…
Đến nay sau gần 2 năm triển khai, một số mục tiêu cụ thể của Nghị quyết đã hoàn thành. Tiêu biểu như tỷ lệ đóng góp của năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng kinh tế đạt trên mức 50%; chỉ số đổi mới sáng tạo cấp tỉnh năm 2023 xếp thứ 6/63 tỉnh, thành phố; có 2 nhãn hiệu của doanh nghiệp trong tỉnh là “Bột mì Cái Lân” và “Gốm, Gạch ngói Đất Việt” đăng ký bảo hộ nhãn hiệu quốc tế; 91,9% sáng chế, giải pháp hữu ích đang được duy trì khai thác thương mại... Một số mục tiêu đạt tỷ lệ cao: Gần 90% nhiệm vụ KHCN được duy trì, ứng dụng vào thực tiễn; 100% dự án đầu tư được thẩm định hoặc có ý kiến về công nghệ theo quy định, không chấp nhận các dự án công nghệ lạc hậu và tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường; khoảng 63% sản phẩm OCOP đã thực hiện đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ...
Bên cạnh những chỉ tiêu cụ thể, việc triển khai Nghị quyết cũng cho thấy sự quyết tâm của các cấp ủy, chính quyền, ban, ngành và cộng đồng doanh nghiệp trong việc gia tăng tiềm lực KHCN, coi việc ứng dụng, phát triển KHCN và đổi mới sáng tạo là sự sống còn của từng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Các sở, ban, ngành, địa phương đã ban hành 19 Chương trình hành động, 26 Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TU. KHCN và đổi mới sáng tạo ngày càng có sự gắn kết với yêu cầu phát triển KT-XH, đảm bảo quốc phòng - an ninh, có sự thống nhất cao từ tỉnh xuống cơ sở; hoạt động KHCN được triển khai có trọng tâm, trọng điểm, sáng tạo, linh hoạt và phù hợp với thực tiễn hơn.
Theo ông Lâm Văn Phong, Trưởng Phòng Quản lý khoa học (Sở KH&CN): Trong năm 2024, Sở đã nhận được 151 nhiệm vụ KHCN, trong đó có trên 30% nhiệm vụ KHCN là được đặt hàng từ các sở, ngành, địa phương của tỉnh. Điều này cho thấy sự biến chuyển tích cực trong nhận thức, tư duy của cấp ủy, chính quyền về vai trò của KHCN. Hiện Sở đang tổng hợp, tham mưu cho UBND tỉnh xem xét, phê duyệt triển khai các nhiệm vụ, tập trung vào những lĩnh vực tỉnh đang quan tâm, có thế mạnh như: phát triển kinh tế biển, công nghiệp chế biến, chế tạo, nông nghiệp xanh, nông nghiệp sạch, chống biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường…
Đặc biệt, việc huy động nguồn lực cho hoạt động KHCN được quan tâm với phương châm lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư. Trong 2 năm vừa qua, tỉnh đã bố trí 410 tỷ đồng từ ngân sách cho hoạt động KHCN. Nhiều địa phương như Cẩm Phả, Ba Chẽ, Bình Liêu, Hải Hà, Tiên Yên, Đông Triều, Uông Bí, Quảng Yên.. đã chủ động dành nguồn lực cho hoạt động KHCN. Nhiều doanh nghiệp lớn như TKV, Tổng Công ty Đông Bắc, Công ty CP Viglacera, Công ty CP Dược - vật tư y tế Quảng Ninh... đã chủ động trích lợi nhuận sau thuế để thành lập Quỹ phát triển KHCN với tổng kinh phí gần 1.000 tỷ đồng.
Nhân lực KHCN tăng lên cả về số lượng và chất lượng với hơn 3.000 người, trong đó có bằng đại học trở lên chiếm hơn 50%. Đáng chú ý, các hoạt động hợp tác với chuyên gia đầu ngành về tư vấn khoa học đẩy mạnh thông qua các hội nghị, hội thảo khoa học. Hạ tầng KHCN cũng từng bước hình thành và phát triển với sự tham gia của 28 doanh nghiệp KHCN; 33 tổ chức KHCN; 2 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; 39 phòng thí nghiệm đạt tiêu chuẩn LAS, VILAS..., góp phần thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ trên địa bàn tỉnh. Hợp tác trong lĩnh vực KHCN tiếp tục được mở rộng, đổi mới hình thức theo hướng hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận với các công nghệ từ các nước phát triển…
Dù vậy, KHCN vẫn còn một số những điểm nghẽn cần phải giải quyết liên quan đến hạ tầng, nhân lực và nguồn lực đầu tư. Thời gian tới, ngành KHCN sẽ bám sát các mục tiêu của Nghị quyết, tham mưu cho tỉnh chỉ đạo các ngành, địa phương triển khai bảo đảm tiến độ, hiệu quả, góp phần nâng cao khả năng tiếp thu, làm chủ, phát triển và chuyển giao công nghệ tiên tiến ứng dụng vào sản xuất, gắn với phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng KT-XH của tỉnh. Bên cạnh đó, ngành cũng đang tham mưu cho tỉnh ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia nhằm tạo sự chuyển mình cho KHCN, phát huy tối đa vai trò của KHCN đưa Quảng Ninh tiếp tục vững bước trên hành trình đổi mới sáng tạo, cùng với đất nước bước vào kỷ nguyên mới.
Ý kiến ()