Đề án 112: Bài học quá đắt!
Việc quản lý hành chính nhà nước là việc lớn. Với nước ta, nó còn gắn liền với việc cải cách hành chính - một đề án cũng đã được triển khai từ nhiều năm nay nhưng kết quả rõ ràng vẫn chưa có. Vậy thì trong khi việc quản lý hành chính, từ Trung ương tới các địa phương, chưa được quy chuẩn hóa, chưa đưa được vào quy trình vận hành đồng bộ, mà lại triển khai ngay "đề án tin học" - toan lấy một công cụ, dù là công cụ hiện đại, để "trùm lên" mục đích: quản lý hành chính - thì khác nào "đặt cày trước trâu" trong khi đã "mắc cày vào trâu". Như thế, cái cày sẽ "kéo" con trâu, hay ngược lại, cả hai sẽ quấn bùng nhùng vào nhau, sẽ níu nhau. Và kết cục như thế nào thì ai cũng đã rõ.
Chính Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhận xét một cách bức xúc: nhiều năm làm việc ở trụ sở chính phủ, từ khi có Đề án 112 tới nay không thấy mang lại tiện ích, ứng dụng nào cho công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành của chính phủ. Ở ngay tại trụ sở chính phủ mà "đề án tin học quản lý…" cũng không mang lại bất cứ tiện ích nào, thì làm sao nó mang lại hiệu quả quản lý hành chính, điều hành bộ máy hành chính ở các địa phương vốn còn xa lạ với công nghệ thông tin (CNTT). Vì thế, nhiều địa phương đã hồ hởi đón nhận triển khai Đề án 112 bằng việc "mua máy", cứ mặc sức mua sắm các trang thiết bị CNTT trong khi hoàn toàn chưa biết cách sử dụng chúng, chứ chưa nói đến dùng chúng trong một "mạng điều hành dùng chung". Và cứ thế, tiền của Nhà nước mặc sức trôi sông đổ biển (thực chất là "chảy" khá "chuẩn" vào túi một số người).
Tưởng tượng một đề án mơ hồ: thiết kế một mạng internet Việt Nam, cứ ngỡ như chuyện trên trời, thế mà vẫn nhắm mắt triển khai được, đủ biết ở đây việc lợi dụng cái “mác CNTT" để làm những việc mà ngay con người cũng chưa hiểu nổi, chứ đừng nói đến máy móc, đừng nói đến "sự tương thích" của máy móc, đã mang lại những hậu quả khó lường như thế nào! Thực ra, cải cách quản lý hành chính phải bắt đầu từ chính những con người làm hành chính các cấp, bắt đầu từ những công chức, những "công bộc của dân" trước, chứ không thể bắt đầu từ CNTT trước. CNTT chỉ có thể đến sau, là công cụ hữu hiệu trong tay những người biết sử dụng chúng cho những công việc cụ thể, những công việc khi chưa có CNTT vẫn có thể xử lý được, nhưng với tốc độ chậm, với sự tiện ích thấp.
Chỉ cần nhìn vào một địa phương nhỏ như tỉnh tôi, thì điều đáng buồn là số công chức biết sử dụng công cụ internet là không nhiều, nếu không muốn nói là ít. Với những lãnh đạo từ cấp sở ban ngành trở lên, những người biết "lên mạng" còn thưa vắng hơn nữa. Không thể chỉ qua vài ba lớp tập huấn sơ sài, tuy tốn rất nhiều tiền ngân sách (nằm trong Đề án 112) là có thể trang bị tốt kỹ năng cơ bản về vi tính, về CNTT, dù chỉ ở mức nhập môn, cho tất cả các công chức nằm trong diện "phủ sóng" của Đề án 112. Thực tế đã chứng minh rất rõ điều này: nhiều người đã qua những lớp tập huấn, đã được cấp bằng hẳn hoi, vẫn không "xài" được máy tính, vẫn tù mù trước "thế giới mạng" mênh mông và bí ẩn. Thậm chí, họ không biết gửi một thư điện tử, vậy làm sao sử dụng được "phần mềm dùng chung" của Đề án 112, nghe thì có vẻ cao siêu nhưng thực tế thì không hoạt động được. Có con bò lù lù ra đó còn không cưỡi được, làm sao phi được "ngựa thần"? Nhất là khi "ngựa thần" ấy đầu không tương thích với chân, chỉ là một sản phẩm chắp vá kỳ dị.
Dù đã tiêu tốn hơn 3.000 tỉ đồng, dù "bài học CNTT... ngược" này là quá đắt, thì ở một phía nào đó, nó vẫn có tác dụng cảnh báo, tác dụng của một kiểu đề án mang tính phản diện. Khi trò chuyện với tôi, một giáo sư am tường CNTT đã cười cười mà rằng: "Với cái "112" này, thì chắc phải kêu tới "113" (cảnh sát cơ động) giải quyết thôi!".
Ý kiến ()