
Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV ĐBQH tỉnh Quảng Ninh cho ý kiến vào các dự thảo luật, nghị quyết quan trọng
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, ngày 21/5, Quốc hội thảo luận ở tổ về: Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Luật Công đoàn, Luật Thanh niên và Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội; dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thay thế Nghị quyết số 35/2021/QH15 ngày 13/11/2021 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng.
Đóng góp ý kiến vào dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội, đại biểu Ngô Hoàng Ngân, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, ĐBQH tỉnh Quảng Ninh, cho biết dự thảo Nghị quyết có nêu: Nghị quyết này áp dụng đối với các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân liên quan đến phát triển, quản lý, sử dụng sở hữu nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp và nhà ở cho lực lượng vũ trang. Đại biểu đề nghị cần bổ sung thêm đối tượng là các doanh nghiệp có sử dụng nhiều lao động nhưng không nằm trong khu công nghiệp.

Đại biểu lý giải, hiện nay, nhiều doanh nghiệp sử dụng đông đảo lao động, nhưng lại không nằm trong khu công nghiệp. Mặt khác, do đặc thù phải tuyển lao động ở địa bàn các tỉnh xa, do vậy lực lượng này rất cần quan tâm đến vấn đề nhà lưu trú và nhà xã hội. Đại biểu lấy ví dụ như với ngành công nghiệp than, các mỏ than của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam nằm ở Quảng Ninh; mỗi một công ty cũng có khoảng 5.000 đến 6.000 lao động và được tuyển từ các địa phương trong toàn quốc về để thực hiện nhiệm vụ sản xuất kinh doanh, nhưng vấn đề liên quan đến cơ chế về xây dựng nhà ở xã hội và nhà lưu trú chưa được đưa vào dự thảo nghị quyết cũng như là Luật Nhà ở. Điều này gây khó khăn trong việc đảm bảo đời sống người lao động của ngành.
Đối với vấn đề mua nhà ở xã hội, theo đại biểu dự thảo nghị quyết đã đặt ra các tiêu chí, thế nhưng tiêu chí liên quan đến ngành nghề chưa được đặt ra. Trong đó, một số ngành nghề với đặc thù lao động nặng nhọc, độc hại rất cần phải quan tâm đến nơi ở để ổn định trong sản xuất.

Đồng quan điểm với đại biểu Ngô Hoàng Ngân, đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh, đề nghị nhà ở lưu trú công nhân không chỉ dừng ở trong khu công nghiệp mà cần mở rộng phạm vi này để đảm bảo cho các đối tượng trong quy định đều được thụ hưởng chính sách. Bên cạnh đó cũng nên khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất có điều kiện về quỹ đất xây dựng nhà ở lưu trú công nhân.
Tại Điều 7 về thủ tục đầu tư nhà ở xã hội, theo đó, việc sử dụng những thiết kế mẫu có sẵn, thống nhất về công tác phòng cháy, chữa cháy, các hệ thống hạ tầng xung quanh, tuy nhiên cũng cần phải đảm bảo tính tương đồng để rút ngắn thời gian quy trình từ mẫu, thiết kế đến hạ tầng... Đối với điều 9 về điều kiện nhà ở và hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở, đại biểu đề nghị bổ sung điều khoản quy định về các quy trình hoặc giao cho cơ quan trình lập, thẩm định, đăng ký về quy mô nhà ở xã hội cho các đối tượng, đảm bảo công khai, minh bạch và áp dụng số hóa càng rõ ràng càng tốt.
Đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Luật Công đoàn, Luật Thanh niên và Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở đại biểu đề nghị tại Điều 6, Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cần đảm bảo đồng bộ theo nội dung của Hiến pháp sửa đổi. Trong đó, đặc biệt lưu tâm đến các điều khoản liên quan đến đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt được thành lập theo quyết định của Quốc hội. Về quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam sẽ quyết định thành lập tổ chức Công đoàn ở đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt khi Quốc hội quyết định thành lập, đại biểu đề nghị quy định Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh chủ trì lựa chọn, giới thiệu người đủ điều kiện, tiêu chuẩn để HĐND bầu làm hội thẩm nhân dân.
Đối với Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở cần phải có quy định cụ thể về tổ dân, khu phố cũng phải công khai, minh bạch những nội dung hoạt động của tổ dân, khu phố, ví dụ như các khoản thu chi ở tổ dân khu phố, đặc biệt các công trình dự án nhân dân đóng góp làm chủ thể.
Ý kiến ()