
Đẩy nhanh tiến độ xây dựng cửa khẩu thông minh
Cửa khẩu thông minh Móng Cái (Việt Nam) - Đông Hưng (Trung Quốc) đang trong giai đoạn khởi động với nhiều bước tiến quan trọng. Phóng viên Trung tâm Truyền thông tỉnh đã phỏng vấn ông Hồ Quang Huy, Chủ tịch UBND TP Móng Cái, Thường trực Ban Chỉ đạo xây dựng cửa khẩu thông minh tại TP Móng Cái về nội dung này.
![]() - Xây dựng cửa khẩu thông minh có vai trò, ý nghĩa rất quan trọng trong bối cảnh hội nhập kinh tế, thương mại và chuyển đổi số hiện nay, xin ông cho biết rõ hơn về nội dung này? + Xây dựng cửa khẩu thông minh đang là xu thế, xu hướng tất yếu của các cảng khẩu, cửa khẩu trên thế giới với nội dung quan trọng là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo (AI) trong việc thực hiện các thủ tục thông quan, cung cấp dịch vụ logistics, XNK, XNC, kiểm tra, kiểm hoá hàng hoá tại các cảng khẩu, cửa khẩu. Tại Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo triển khai xây dựng cửa khẩu thông minh ở Lạng Sơn tại cuộc làm việc với tỉnh Lạng Sơn vào tháng 10/2024 và chỉ đạo mở rộng, nhân rộng ra các cặp cửa khẩu khác, trong đó có cặp cửa khẩu Móng Cái (Việt Nam) - Đông Hưng (Trung Quốc). Xây dựng cửa khẩu thông minh phù hợp với xu hướng chuyển đổi số quốc gia. Đây là một phần trong lộ trình xây dựng chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Góp phần cải cách TTHC và xây dựng môi trường kinh doanh thông thoáng. Tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước giúp các cơ quan như hải quan, biên phòng, kiểm dịch… phối hợp hiệu quả hơn thông qua hệ thống dữ liệu liên thông. Giảm thiểu thủ tục giấy tờ, nâng cao tính minh bạch và chính xác trong xử lý thông tin. Thúc đẩy thương mại và logistics, rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa, giảm chi phí vận chuyển và tồn kho. Tăng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp XNK và nền kinh tế địa phương. An ninh, an toàn quốc gia khi áp dụng công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo... giúp kiểm soát chặt chẽ người và hàng hóa qua lại biên giới. Phòng chống hiệu quả các hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển hàng cấm. Đặc biệt, xây dựng cửa khẩu thông minh góp phần hiện đại hóa hạ tầng biên giới với việc kết hợp giữa công nghệ số và quy hoạch hạ tầng; đồng thời đẩy mạnh thu hút đầu tư và tạo động lực phát triển vùng biên giới. |
- Việc triển khai xây dựng cửa khẩu thông minh tại Móng Cái đã được tỉnh triển khai như thế nào, thưa ông?
+ Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng cửa khẩu thông minh, tỉnh Quảng Ninh đã triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, trong đó đã tổ chức đi khảo sát, học tập kinh nghiệm xây dựng đề án thí điểm cửa khẩu thông minh tại các tỉnh Lạng Sơn, Lào Cai. Ngày 12/4/2025, Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Ninh (Việt Nam) và Bí thư Khu uỷ Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc) đã ký kết các thoả thuận khung, kế hoạch hành động, trong đó có việc triển khai thí điểm xây dựng cửa khẩu thông minh Móng Cái (Việt Nam) - Đông Hưng (Trung Quốc).
Theo đó, hai bên thống nhất cùng thực hiện “Quy hoạch đồng bộ, xây dựng đồng bộ, vận hành đồng bộ” thúc đẩy xây dựng cửa khẩu thông minh đối với luồng dành cho khách du lịch tại Cửa khẩu quốc tế Móng Cái (Việt Nam) - Đông Hưng (Trung Quốc) khu vực cầu Bắc Luân I và luồng dành cho vận tải, vận chuyển hàng hóa tại Cửa khẩu quốc tế Móng Cái (Việt Nam) - Đông Hưng (Trung Quốc) khu vực cầu Bắc Luân II, nâng cao toàn diện hiệu quả và hiệu suất thông quan của cửa khẩu thông minh.
Hai bên sẽ sử dụng cơ sở vật chất, thiết bị tiên tiến và công nghệ số thế hệ mới, vận dụng sự tiến bộ đột phá của trí tuệ nhân tạo, xây dựng kênh vận chuyển hành khách thông minh, kênh vận chuyển hàng hóa thông minh và hệ thống quản lý vận hành số. Đồng thời, nâng cấp, cải tạo đồng bộ các kênh vận chuyển hàng hóa, phương tiện vận tải và người XNC hiện có thành kênh thông quan thông minh; xây dựng kênh vận chuyển hàng hóa chuyên dụng mới bằng xe tự hành AGV (xe chuyên chở hàng hóa tự động) qua biên giới, thực hiện thông quan hàng hóa thông minh 24/7 tại cửa khẩu.
Cùng nhau nghiên cứu về tiêu chuẩn lựa chọn địa điểm và xây dựng các kênh vận chuyển hàng hóa chuyên dụng bằng xe vận chuyển hàng hóa tự động không người lái, lựa chọn thông số quy phạm kỹ thuật và phương thức cùng điều phối của xe vận chuyển hàng hóa chuyên dụng không người lái qua biên giới. Nghiên cứu thực hiện mô hình chia sẻ thông tin, trao đổi dữ liệu thông suốt giữa các cơ quan chức năng tại cửa khẩu hai bên (đầu mối là Chi cục Hải quan Khu vực VIII (Việt Nam) và Hải quan Nam Ninh (Trung Quốc) cùng các cơ quan chức năng có thẩm quyền tương ứng của mỗi bên), đảm bảo an ninh, an toàn thông tin, phù hợp với các thoả thuận song phương và quy định của pháp luật mỗi bên.
Hai bên cũng thống nhất thời gian triển khai xây dựng là 2 năm. Trong đó, hoàn thành, vận hành luồng vận chuyển hành khách hiện đại thông minh vào năm 2025; nâng cấp, cải tạo hoàn thành xây dựng luồng vận chuyển hàng hóa bằng xe vận tải chuyên dụng tự động không người lái qua biên giới vào năm 2026.
Thống nhất thành lập Tổ công tác thúc đẩy việc triển khai thực hiện Thoả thuận khung do 1 Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh và 1 Phó Chủ tịch Chính quyền nhân dân Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây chủ trì. Phía Quảng Ninh giao UBND TP Móng Cái và phía Quảng Tây giao Chính quyền nhân dân TP Đông Hưng làm đầu mối trao đổi, cơ quan quản lý cửa khẩu cấp tỉnh hai bên sẽ chịu trách nhiệm điều phối chung, có sự tham gia của tất cả các sở, ngành, cơ quan, đơn vị liên quan để nghiên cứu và đàm phán các vấn đề chính, thông qua hình thức linh hoạt (hội nghị chuyên đề, khảo sát, nghiên cứu chung...).
Các cơ quan chức năng quản lý cửa khẩu hai bên chủ động kết nối, thiết lập cơ chế trao đổi, luân phiên tổ chức gặp mặt, thông báo tiến độ, thoả thuận giải quyết các nội dung quan trọng, đề xuất nội dung thúc đẩy hợp tác (theo nhu cầu thực tế). Hai bên cùng quan tâm, chỉ đạo TP Móng Cái (Việt Nam) và TP Đông Hưng (Trung Quốc) xây dựng cơ chế thực hiện công việc ở cấp địa phương.
Trước đó, ngày 11/3, TP Móng Cái (Việt Nam) và TP Đông Hưng (Trung Quốc) đã ký kết Bản ghi nhớ về cơ chế hợp tác nghiên cứu xây dựng cửa khẩu thông minh, tạo tiền đề thúc đẩy triển khai cặp cửa khẩu quốc tế Móng Cái (Việt Nam) - Đông Hưng (Trung Quốc) trở thành mô hình hiện đại, tiên tiến.

- Ông có thể cho biết tiến độ việc triển khai xây dựng cửa khẩu thông minh đến thời điểm này ra sao?
+ UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 970/QĐ-UBND thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng cửa khẩu thông minh tại TP Móng Cái do đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng ban. Ban Chỉ đạo xây dựng cửa khẩu thông minh tại TP Móng Cái có nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện, thống nhất các nội dung thuộc thẩm quyền cấp tỉnh để triển khai xây dựng cửa khẩu thông minh tại TP Móng Cái. Chỉ đạo giải quyết kịp thời các kiến nghị, đề xuất, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện nhiệm vụ xây dựng cửa khẩu thông minh tại TP Móng Cái; đôn đốc, kiểm tra, giám sát các ngành và các địa phương, đơn vị về tiến độ thực hiện các nhiệm vụ được giao.
Đồng thời, phối hợp với các bộ, ngành Trung ương chỉ đạo triển khai thực hiện nhiệm vụ; báo cáo, đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan Trung ương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện. UBND TP Móng Cái là Cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo.
Hiện việc xây dựng cửa khẩu thông minh Móng Cái (Việt Nam) - Đông Hưng (Trung Quốc) đang trong giai đoạn chuẩn bị và thiết kế chi tiết, với việc hợp tác chặt chẽ giữa hai bên để đảm bảo tiến độ và hiệu quả triển khai. Đến nay, tiến độ xây dựng cửa khẩu thông minh đang được hai bên tích cực triển khai theo hướng hiện đại hóa, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho XNK hàng hóa và lưu thông hành khách.
TP Móng Cái (Việt Nam) đã hoàn thiện nhiều hạng mục hạ tầng tại khu vực cửa khẩu Bắc Luân I, Bắc Luân II và đang triển khai thử nghiệm một số ứng dụng công nghệ như kiểm soát tự động, hệ thống quét mã QR, nhận diện khuôn mặt cho người qua lại; đẩy mạnh số hóa thủ tục hải quan, kết nối hệ thống dữ liệu để liên thông nhanh chóng giữa các cơ quan quản lý.
TP Đông Hưng (Trung Quốc) đã cơ bản hoàn thành các hạng mục chính trong dự án cửa khẩu thông minh, bao gồm làn kiểm soát tự động cho người và phương tiện, hệ thống AI nhận diện biển số xe và khuôn mặt; đưa vào thử nghiệm mô hình “một cửa một điểm dừng” tại cửa khẩu Đông Hưng để giảm thời gian thông quan.
Hai bên đang trong giai đoạn kết nối kỹ thuật, đồng bộ hóa quy trình để đưa vào vận hành thử nghiệm trong nửa cuối năm 2025 và sẽ chính thức vận hành mô hình cửa khẩu thông minh song phương với các tính năng như: Kiểm soát an ninh thông minh, xử lý thủ tục điện tử, hệ thống giám sát giao thông tích hợp.
Dự kiến ngày 29/4, TP Móng Cái và TP Đông Hưng tiếp tục tổ chức khảo sát hạ tầng khu vực cửa khẩu, hội đàm và sẽ có báo cáo sơ bộ để triển khai cửa khẩu thông minh. Hai bên đã hoàn thiện đề cương đề án, lấy ý kiến các sở, ngành và đang hoàn thiện dự thảo lần 1 để xin ý kiến các bộ, ban ngành Trung ương triển khai xây dựng cửa khẩu thông minh. Việc xây dựng cửa khẩu thông minh Móng Cái (Việt Nam) - Đông Hưng (Trung Quốc) không chỉ nhằm nâng cao hiệu suất thông quan, mà còn góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế và giao lưu văn hoá giữa hai quốc gia.
- Xin cảm ơn ông!
Ý kiến ()