Đẩy mạnh công tác phòng chống Viêm gan vi rút
Viêm gan vi rút là bệnh truyền nhiễm dễ gây biến chứng xơ gan, ung thư biểu mô tế bào gan. Theo cảnh báo của WHO, nguyên nhân tử vong có liên quan đến viêm gan vi rút đứng hàng thứ 3 trong số các nguyên nhân do bệnh truyền nhiễm gây ra. Bởi vậy, công tác phòng, chống viêm gan vi rút đang được ngành Y tế triển khai mạnh.
Từng có người thân mất vì ung thư biểu mô tế bào gan do biến chứng của viêm gan B, chị B.T.L, thị trấn Tiên Yên, huyện Tiên Yên đã có ý thức bảo vệ sức khỏe cho con gái mới sinh bằng cách thực hiện cho con tiêm phòng đầy đủ vắc xin viêm gan B sơ sinh. Chị cho biết: Tôi sẽ cố gắng đảm bảo cho các thành viên trong gia đình khám sức định kỳ, tiêm phòng viêm gan B để bảo vệ sức khỏe.
Cũng giống tình hình chung trong cả nước, tỷ lệ người bị viêm gan vi rút ở Quảng Ninh khá cao. Để nâng cao ý thức cho người dân, ngành Y tế đã đẩy mạnh công tác phối hợp và đa dạng các hình thức thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống viêm gan vi rút; lồng ghép việc tuyên truyền vào các chương trình tuyên truyền phòng, chống ung thư gan, phòng chống HIV/AIDS, các bệnh lây truyền qua đường tình dục...
Ngành cũng xây dựng các thông điệp truyền thông dễ hiểu và có hiệu quả về các biện pháp dự phòng, đặc biệt về lợi ích của việc tiêm phòng viêm gan B cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, chương trình rửa tay và vệ sinh ATTP, các yếu tố nguy cơ của nhiễm vi rút viêm gan, các thông điệp về dự phòng lây nhiễm, xét nghiệm sớm và điều trị kịp thời để ngăn ngừa biến chứng.
Đồng thời, Sở Y tế phối hợp cùng Sở GD&ĐT tổ chức truyền thông, cung cấp các khuyến cáo, thông điệp nhằm nâng cao nhận thức của giáo viên, phụ huynh và học sinh về các bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa, trong đó có viêm gan vi rút. Thường xuyên phối hợp kiểm tra giám sát, đánh giá các điều kiện vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân, cung cấp nước sạch và xà phòng trong trường học.
6 tháng đầu năm 2024, toàn ngành đã tổ chức được 2.037 buổi tọa đàm, nói chuyện sức khỏe, 2.340 buổi lượt, 409.810 lượt tư vấn sức khỏe cá nhân; trong đó có nhiều buổi tuyên truyền về phòng, chống viêm gan vi rút. Truyền thông gián tiếp trên báo truyền thống, báo điện tử, website, truyền thanh, truyền hình với số lượt đăng tin, bài trên website 3.176 lượt, số lượt phát thanh 27.539 lượt, số lượt truyền hình 120 lượt... Việc truyền thông khuyến khích người dân chủ động tiêm phòng dịch vụ vắc xin viêm gan A tại các cơ sở tiêm chủng đủ điều kiện trên địa bàn tỉnh cũng được tăng cường. Tỷ lệ tiêm vắc xin VGB sơ sinh trong 6 tháng đầu năm 2024 đạt 43,6%.
Tại các bệnh viện, trung tâm y tế, các trạm y tế trên địa bàn đều duy trì thực hiện tốt các biện pháp vệ sinh phòng bệnh, quản lý chất thải y tế, kiểm soát nhiễm khuẩn, hạn chế phát tán mầm bệnh vi rút viêm gan ra ngoài môi trường. Việc tư vấn về phòng, chống bệnh viêm gan vi rút cho người dân, đặc biệt cho phụ nữ có thai, người hiến máu, các đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh các bệnh lây truyền qua đường tình dục, tiêm chích ma túy... được chú trọng. Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, tỷ lệ phụ nữ mang thai được xét nghiệm Viêm gan B trong giai đoạn 2021-2023 trên địa bàn tỉnh tương đối cao, đạt trung bình trên 70%. 6 tháng đầu năm 2024, tỷ lệ này là 53,8%.
Đồng thời, ngành y tế hiện đang tập trung kiện toàn hệ thống giám sát, quản lý, theo dõi bệnh nhân viêm gan vi rút và điều trị bệnh này; thực hiện báo cáo trực tuyến trên phần mềm thông tư 54 - Hệ thống quản lý, giám sát bệnh truyền nhiễm của Bộ Y tế. Còn tại các bệnh viện, cơ sở y tế có khám chữa bệnh đều tích cực các biện pháp đều trị cho bệnh nhân viêm gan vi rút.
Tuy nhiên, để bảo vệ sức khỏe cho chính bản thân và gia đình, người dân cần vào cuộc tích cực trong phòng, chống viêm gan vi rút; thực hiện khám sức khỏe định kỳ để sớm phát hiện và điều trị bệnh kịp thời; từ đó tiến tới loại trừ để viêm gan vi rút không còn là mối đe dọa đối với sức khỏe cộng đồng.
Ý kiến ()