Tiếp nối hành trình chinh phục Chỉ số xanh
Năm 2023, ở lần thứ 2 triển khai và công bố bảng xếp hạng Chỉ số xanh cấp tỉnh (PGI), Quảng Ninh đã xuất sắc vươn lên đứng đầu cả nước với tổng điểm của cả 4 chỉ số thành phần là 26 điểm, tăng cao so với năm trước. Thành quả này có được không phải sự ngẫu nhiên, may mắn, mà đến từ nỗ lực bền bỉ không ngừng của tỉnh trên chặng đường chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ “nâu” sang “xanh”, gắn phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường, hướng tới nền kinh tế xanh bền vững. Để tiếp tục duy trì, giữ vững thành quả này một cách bền vững, hiện các đơn vị, địa phương trong toàn tỉnh đang tập trung thực hiện nhiều giải pháp cụ thể, phù hợp.
Thành quả xứng đáng
Chỉ số xanh cấp tỉnh (PGI) được thiết kế nhằm cung cấp thông tin đầu vào từ thực tiễn kinh doanh để hỗ trợ chính quyền các địa phương trong công tác quản trị môi trường, cân bằng giữa các mục tiêu tăng trưởng kinh tế và bền vững môi trường; đo lường chất lượng quản trị môi trường trên cơ sở các văn bản chính sách và quy định pháp luật về môi trường điều chỉnh mối quan hệ giữa chính quyền cấp tỉnh và doanh nghiệp. PGI gồm 4 chỉ số thành phần, được tạo thành từ 46 chỉ tiêu đo lường chất lượng quản trị môi trường, đánh giá lần lượt các hoạt động truyền thống của công tác điều hành cấp tỉnh đến các hoạt động mới nhất và được kỳ vọng nhất trong vấn đề quản trị môi trường. Toàn bộ điểm số PGI được thu thập từ thông tin phản hồi khách quan của hơn 10.600 doanh nghiệp, trong đó có hơn 9.100 doanh nghiệp tư nhân trong nước và gần 1.600 doanh nghiệp FDI đang hoạt động tại Việt Nam.
Năm 2023, PGI của Quảng Ninh cao nhất cả nước với tổng điểm của cả 4 chỉ số thành phần là 26 điểm. Các điểm thành phần gồm: Giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu (7,41 điểm); đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn môi trường tối thiểu (6,18 điểm); vai trò lãnh đạo của chính quyền tỉnh trong thúc đẩy thực hành xanh (6,68 điểm); chính sách và dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp trong bảo vệ môi trường (5,73 điểm). Đáng chú ý, cả 4 chỉ số thành phần đều tăng điểm so với năm 2022.
Kết quả đó có được trước hết là do quyết tâm chính trị cao trong suốt hành trình 1 thập kỷ vừa qua, khi Quảng Ninh luôn kiên định và quyết tâm, quyết liệt chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”; phát triển bền vững cả về kinh tế, xã hội, môi trường và an ninh; chuyển đổi xanh dựa vào 3 trụ cột: Thiên nhiên, con người, văn hóa kết hợp với tận dụng xu thế hòa bình, hợp tác, hội nhập, và cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4… Tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp nhằm phát triển hài hòa, bền vững, bao trùm; lấy người dân là trung tâm, chủ thể, động lực, nguồn lực và là mục tiêu của sự phát triển; tham gia sâu rộng, có hiệu quả vào mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu trên quan điểm không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội và môi trường để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần.
Quảng Ninh xác định mục tiêu đến năm 2030 thực hiện ngăn chặn, đẩy lùi xu hướng gia tăng ô nhiễm môi trường; cải thiện chất lượng môi trường; sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên; chủ động và tích cực ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai; bảo đảm an ninh nguồn nước, an toàn hồ đập; hình thành các điều kiện cơ bản cho nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, ít phát thải.
Hiện thực hóa mục tiêu này, tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt lập Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo hướng không phát triển thêm các nguồn nhiệt điện than, bổ sung vào đó là các nguồn điện gió, điện khí, điện rác, điện mặt trời… Tỉnh đã áp dụng thực hiện nội dung bảo vệ môi trường vào các nhiệm vụ quy hoạch, dự án, chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Trong đó, chú trọng ưu tiên, thu hút các dự án đầu tư công nghệ cao, công nghệ sạch thân thiện với môi trường.
Là một trong những ngành kinh tế trọng điểm của tỉnh, có hoạt động sản xuất kinh doanh gần gũi và tạo ra nhiều tác động trực tiếp tới môi trường, trong những năm qua, ngành than đã tăng cường các giải pháp nhằm gắn sản xuất với bảo vệ môi trường. Trung bình mỗi năm, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam đều dành khoảng 1.000 tỷ đồng cho công tác bảo vệ môi trường. Trong đó, ưu tiên tập trung vào những nội dung có tác động trực tiếp, tích cực tới môi trường tự nhiên, như: Hoàn nguyên các bãi thải mỏ, xây kè, đập chắn bãi thải; đầu tư băng tải kín vận chuyển than, hệ thống phun sương dập bụi để hạn chế phát thải bụi ra môi trường; xây dựng, đầu tư công nghệ cho các trạm xử lý nước thải mỏ; dừng hoạt động sản xuất gần khu dân cư…
Quảng Ninh cũng đã quyết liệt trong việc di dời các cơ sở tiểu thủ công nghiệp gây ô nhiễm môi trường, xúc tiến huy động các nguồn lực đầu tư cho thu gom, xử lý rác thải bằng công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường; khuyến khích tăng cường sử dụng vật liệu thay thế để làm chất đốt trong sản xuất clinker, xi măng. Tỉnh đặt ra lộ trình phấn đấu đến năm 2025 chấm dứt khai thác, đóng cửa toàn bộ mỏ đá làm vật liệu xây dựng thông thường để hoàn nguyên môi trường; ban hành các quy định và triển khai các giải pháp quyết liệt trong quản lý khai thác, bảo vệ, phát triển nguồn lợi thủy sản; thay thế phao xốp bằng vật liệu nổi HDPE. Đồng thời đầu tư lắp đặt 157 trạm quan trắc môi trường tự động để kiểm soát chất lượng môi trường… Qua đó giúp môi trường nước, không khí của Quảng Ninh được cải thiện rõ rệt.
Xác định dịch vụ du lịch là một trong những mũi nhọn phát triển kinh tế, thời gian qua, trên khắp địa bàn tỉnh, nhiều sản phẩm du lịch xanh thân thiện với môi trường đã được phát triển đa dạng, đem lại hiệu quả thiết thực, không những mang đến nhiều trải nghiệm thú vị cho du khách, mà còn góp phần phát huy những giá trị văn hóa, giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững cho địa phương. Để phát triển du lịch biển đảo bền vững, hạn chế các tác động tiêu cực tới môi trường tự nhiên, các địa phương tuyến đảo là Cô Tô, Vân Đồn đã tiên phong thí điểm xây dựng mô hình du lịch “không rác thải nhựa”, khuyến khích du khách giữ gìn cảnh quan và bảo vệ môi trường biển.
Những cách làm của Quảng Ninh đã nhanh chóng tác động đến nhận thức, ý thức trách nhiệm công tác bảo vệ môi trường của người dân, tổ chức, doanh nghiệp, nhà đầu tư, góp phần đảm bảo mục tiêu phát triển kinh tế xanh, bền vững, đưa Quảng Ninh trở thành một địa phương thành công trong chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh" và đi đầu trong thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia. Đây cũng là thông điệp rõ ràng của tỉnh trong việc đồng hành cùng Chính phủ thực hiện mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050; cam kết đẩy mạnh chuyển đổi nền kinh tế, góp phần giải quyết những thách thức lớn toàn cầu về biến đổi khí hậu và vấn đề môi trường hiện nay. Đó cũng là sự lý giải cho vị trí đứng đầu của tỉnh trong bảng xếp hạng PGI năm 2023.
Chinh phục những mục tiêu cao hơn
Trong năm 2024 và cả giai đoạn tiếp theo, công tác bảo vệ môi trường sẽ tiếp tục là nội dung được cấp ủy, chính quyền tỉnh Quảng Ninh đặc biệt quan tâm. Điều này được thể hiện rõ nét nhất trong Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 với các chủ trương, định hướng về công tác bảo vệ môi trường có tính chất chuyên sâu theo giai đoạn được ban hành để chỉ đạo và tổ chức thực hiện. Trong tất cả các nội dung công việc, vấn đề bảo vệ môi trường luôn được tỉnh nhấn mạnh nhằm góp phần vào nâng cao chất lượng môi trường sống của người dân trên địa bàn tỉnh, góp phần thu hút đầu tư, du lịch, phục vụ phát triển bền vững kinh tế - xã hội của tỉnh.
Đối với bảng xếp hạng PGI năm 2024, tỉnh đặt ra mục tiêu tiếp tục duy trì vị trí trong nhóm dẫn đầu cả nước, trong đó phấn đấu cải thiện điểm số từ 26 lên 30 điểm, tăng 4 điểm so với năm 2023. Đối với 4 chỉ số thành phần, tỉnh phấn đấu giữ vững 2 chỉ số là Thúc đẩy thực hành xanh và Chính sách dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp trong bảo vệ môi trường nằm trong top 5; ưu tiên tập trung và cải thiện vượt bậc điểm số và thứ hạng của 2 chỉ số thành phần là Giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu và Đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn môi trường tối thiểu.
Để đạt được mục tiêu đặt ra, tỉnh đã đặt ra một loạt các nhiệm vụ mang tính chiến lược, xuyên suốt, như: Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, bảo vệ môi trường theo phương án bảo vệ môi trường tại Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; xây dựng, hoàn thiện, điều chỉnh, bổ sung các cơ chế chính sách và huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực ưu tiên cho công tác bảo vệ môi trường; thúc đẩy đổi mới sáng tạo; chuyển giao, ứng dụng, phát triển khoa học và công nghệ; nâng cao chất lượng truyền thông, giáo dục nâng cao nhận thức về quản lý, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu…
Trong phát triển kinh tế, đặc biệt là thu hút đầu tư, Quảng Ninh đang hết sức ưu tiên, chú trọng đến việc ứng dụng công nghệ xanh, hạn chế phát triển các ngành phát sinh chất thải lớn, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên và ưu tiên thu hút vốn đầu tư nước ngoài theo hướng bền vững. Cùng với đó, tỉnh đang đẩy mạnh thu hút đầu tư đối với các mô hình kinh tế tuần hoàn, công nghiệp sinh thái, các dự án sử dụng tiết kiệm đất đai, tiêu tốn ít tài nguyên thiên nhiên và ứng dụng nhiều các nguồn năng lượng tái tạo... Ngoài ra, tỉnh cũng chủ động đề ra nhiều giải pháp nhằm quản lý, kiểm soát chặt chẽ các nguồn phát thải, kiểm soát chất lượng môi trường tại các khu vực có nhiều hoạt động kinh tế đa dạng; tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát về môi trường…
Với mỗi nhiệm vụ, tỉnh đều đề ra các giải pháp cụ thể, rõ ràng và quy rõ trách nhiệm thực hiện cho từng sở, ngành, đơn vị chức năng để thực hiện. Quảng Ninh xác định, việc phấn đấu trong công tác bảo vệ môi trường không chỉ là cải thiện điểm số, giữ vững thứ hạng chỉ số PGI, mà phải là yếu tố đặc biệt quan trọng để tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững, nâng cao chất lượng đời sống người dân. Cùng với đó là hiện thực hóa mục tiêu ngăn chặn, đẩy lùi xu hướng gia tăng ô nhiễm môi trường đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030; chủ động và tích cực ứng phó với biến đổi khí hậu, hình thành các điều kiện cơ bản cho nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, ít phát thải, các-bon thấp; góp phần xây dựng Quảng Ninh trở thành tỉnh kiểu mẫu, giàu đẹp, văn minh, hiện đại.
Ý kiến ()