
Đạo đức nhà giáo
Thời gian qua, ở một số địa phương trong nước đã xảy ra liên tiếp vụ việc giáo viên vi phạm đạo đức nhà giáo, có hành vi bạo hành thể chất, tinh thần học sinh, làm ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh nhà giáo, gây bức xúc trong ngành và dư luận xã hội.
Có thể kể đến là một giáo viên ở Quảng Bình phạt học sinh 231 cái tát khiến em này phải nhập viện. Tại Hà Nội xảy ra vụ cô giáo phạt bằng cách yêu cầu một học sinh khác tát bạn 50 cái. Ở Long An thì giáo viên đánh học sinh lớp 1 bầm tím. Trước đó là tại Hải Phòng, cô giáo phạt học sinh bằng cách cho uống nước giẻ lau bảng… Hay những câu chuyện lùm xùm về việc dạy thêm, học thêm luôn diễn ra trong các năm học khiến phụ huynh, học sinh bức xúc, đau lòng.
Vẫn biết những sự việc kể trên chỉ là hy hữu, thiểu số, thế nhưng nó mang đến một mối lo và nỗi đau tinh thần rất lớn. Trong thực tế cuộc sống có rất nhiều, rất nhiều thầy, cô giáo luôn hết lòng, đau đáu vì học sinh, vì thế hệ tương lai của đất nước.
Và để không còn xảy ra những vụ việc đau lòng như thời gian qua, Bộ GD&ĐT vừa yêu cầu các sở GD&ĐT chỉ đạo cơ sở giáo dục tổ chức quán triệt cho toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên, người lao động về Chỉ thị số 1737/CT-BGDĐT ngày 7/5/2018 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT về việc tăng cường quản lý, nâng cao đạo đức nhà giáo; Quyết định số 16/2008/QĐ-BGDĐT ngày 16/4/2008 của Bộ GD&ĐT ban hành quy định về đạo đức nhà giáo…
Các đơn vị giáo dục phải nhận thức sâu sắc những vụ việc giáo viên vi phạm đạo đức vừa qua là bài học đối với ngành để mỗi giáo viên, mỗi nhà trường nghiêm túc rút kinh nghiệm, từ đó có ý thức, trách nhiệm thực hiện tốt các quy định về đạo đức nhà giáo. Thành lập đoàn công tác, kiểm tra các cơ sở giáo dục về việc triển khai thực hiện Chỉ thị 1737/CT-BGDĐT, quy định liên quan đến đạo đức nhà giáo. Đồng thời, tăng cường các biện pháp quản lý, huy động lực lượng tham gia giám sát việc thực hiện các quy định về đạo đức nhà giáo, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng bạo hành thể chất, tinh thần học sinh; phải có biện pháp để thường xuyên nắm bắt thông tin tại các cơ sở giáo dục để chủ động xử lý, giải quyết ngay khi sự việc xảy ra.
Ngoài ra, các sở GD&ĐT phải tăng cường phối hợp với cơ sở đào tạo tổ chức tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho giáo viên; tăng cường kỹ năng ứng xử, giải quyết các tình huống sư phạm trong bối cảnh hiện nay; hỗ trợ tư vấn tâm lý cho nhà giáo, người học.
Có thể nói, việc để xảy ra những vụ việc nêu trên và Bộ phải ban hành văn bản về nâng cao đạo đức nhà giáo là nỗi đau của ngành Giáo dục. Bởi nghề giáo là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý. Trong sự nghiệp “trồng người”, các thầy, cô giáo, cán bộ quản lý giáo dục đóng vai trò quan trọng, đặc biệt, là hình mẫu của sự tận tâm, tận lực truyền tri thức, nhân cách sống đẹp cho các thế hệ học trò. Chính vì vậy, việc luôn không ngừng tu dưỡng đạo đức, rèn luyện lối sống để trở thành tấm gương sáng cho học sinh noi theo của mỗi giáo viên là vô cùng quan trọng, thường xuyên và cần thiết. Hãy để truyền thống “tôn sư, trọng đạo” luôn mãi sáng và những “chuyến đò tri thức” luôn cập bến bờ yêu thương.
Thái Bình
Ý kiến ()