
Đã khấm khá nhưng còn khó khăn
Quảng Ninh có tới 4 thành phố và 2 thị xã, là tỉnh có số thu ngân sách hằng năm thuộc tốp đầu của cả nước, song chỉ có 4/14 địa phương (là 4 thành phố) tự cân đối được ngân sách. Trong số 2 thị xã và 8 huyện chưa tự cân đối được ngân sách thì có tới 7 huyện (Ba Chẽ, Bình Liêu, Hải Hà, Đầm Hà, Hoành Bồ, Tiên Yên, Vân Đồn) còn có 22 xã, 11 thôn thuộc diện đặc biệt khó khăn.
Nếu chỉ tính số thu ngân sách và tự cân đối được ngân sách, có thể nói Quảng Ninh là tỉnh khấm khá, nhưng nếu tính số địa phương của tỉnh chưa tự cân đối được ngân sách, số các xã, thôn thuộc diện đặc biệt khó khăn thì Quảng Ninh vẫn có thể coi là tỉnh khó khăn.
Như vậy, Quảng Ninh muốn tập trung đẩy mạnh phát triển đột phá thì phải quyết tâm sớm đưa các xã, thôn ra khỏi diện đặc biệt khó khăn, và việc này còn nhằm “thu hẹp khoảng cách giàu nghèo giữa các vùng, miền” trong tỉnh.
Để hoàn thành mục tiêu Chương trình 135 giai đoạn 2017-2020 theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, tại Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 3-12-2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã chỉ đạo thực hiện hiệu quả đưa các xã, thôn ra khỏi diện đặc biệt khó khăn “với phương châm không làm thay, làm hộ gắn với trách nhiệm của bí thư cấp uỷ”.
Từ chỉ đạo trên, HĐND tỉnh đã thông qua nghị quyết bố trí nguồn vốn và UBND tỉnh đã ban hành quyết định về việc phê duyệt Đề án: “Nhiệm vụ và giải pháp đưa các xã, thôn ra khỏi diện đặc biệt khó khăn, hoàn thành mục tiêu Chương trình 135 giai đoạn 2017-2020”. Mục tiêu của đề án là đến hết năm 2020, đưa 22 xã và 11 thôn đặc biệt khó khăn khu vực I, II trên địa bàn tỉnh ra khỏi diện đặc biệt khó khăn.
Theo quyết định của UBND tỉnh, tổng kinh phí để thực hiện đề án trên 1.342 tỷ đồng, bao gồm ngân sách Trung ương, ngân sách tỉnh, ngân sách huyện, xã, vốn tín dụng, vốn doanh nghiệp đầu tư, vốn xã hội hoá, vốn lồng ghép khác. Như vậy, đi đôi với tập trung đầu tư các công trình động lực, trọng điểm, tỉnh Quảng Ninh tập trung nguồn lực quan tâm công tác an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới.
Để triển khai hiệu quả đề án, cùng gắn với “trách nhiệm của bí thư cấp uỷ” theo chỉ đạo của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh đã phân công trách nhiệm Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng các sở, ban, ngành chỉ đạo, theo dõi thực hiện đề án cụ thể đối với từng huyện.
Trong chỉ đạo thực hiện đề án trên, UBND tỉnh có chỉ đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố không có xã, thôn đặc biệt khó khăn cần tích cực huy động nguồn lực hỗ trợ các xã, thôn đặc biệt khó khăn trên.
Cùng với công tác chỉ đạo thực hiện, UBND tỉnh đã triển khai phong trào thi đua “Phấn đấu đưa các xã, thôn ra khỏi diện đặc biệt khó khăn, hoàn thành mục tiêu Chương trình 135 giai đoạn 2017-2020”. Đối tượng thực hiện phong trào thi đua không chỉ là cán bộ và nhân dân 22 xã, 11 thôn đặc biệt khó khăn mà còn là tất cả các tổ chức, cá nhân tham gia đóng góp công sức chỉ đạo, giúp đỡ, ủng hộ vào nhiệm vụ đưa các xã, thôn ra khỏi diện đặc biệt khó khăn.
Nguyên Đan
Ý kiến ()