Cựu chiến binh góp sức giáo dục truyền thống
Đi qua những năm tháng gian khổ nơi chiến trường, trở về với đời thường, những cựu chiến binh nhận thức sâu sắc giá trị của độc lập, tự do, của hòa bình. Tự hào với quá khứ hào hùng, mong muốn thế hệ trẻ hôm nay tiếp tục kế thừa và phát huy những thành quả cách mạng của thế hệ cha ông, những cán bộ, hội viên Cựu chiến binh trong toàn tỉnh đang nỗ lực góp sức mình khơi dậy mạch nguồn truyền thống, bồi đắp lý tưởng sống cho thế hệ trẻ.
Trải qua những năm tháng chiến tranh ác liệt, trở về với cuộc sống đời thường, cựu chiến binh Lê Long Triệu (phường Hồng Hải, TP Hạ Long) vẫn giữ trong mình nhiệt huyết, tinh thần trách nhiệm của thế hệ đi trước, góp sức trong công tác giáo dục lý tưởng cho thế hệ trẻ. Nhiều năm nay, vào những ngày lễ, người lính đặc công cao tuổi đều tham gia nói chuyện về truyền thống cách mạng cho các em học sinh tại các trường học trên địa bàn. Ngoài ra, vào những ngày cuối tuần, ông cũng dành thời gian để gặp gỡ các em học sinh tại gia đình, kể cho các em nghe về những chiến công, trận đánh hào hùng của quân và dân ta trên chiến trường khói lửa Tây Nam Bộ nơi ông từng anh dũng chiến đấu, những câu chuyện ý nghĩa về Chủ tịch Hồ Chí Minh, dạy các em về đạo đức lối sống, an toàn giao thông, giáo dục pháp luật, phòng chống tệ nạn xã hội...
Ông Triệu tâm sự: Đã nhiều năm tham gia nói chuyện truyền thống cách mạng với thế hệ trẻ, tôi cảm thấy rất tự hào là một người lính và sẵn sàng kết nối giữa thế hệ người cầm súng trong kháng chiến với các thế hệ học sinh. Qua việc làm của mình, chỉ mong các cháu hiểu thêm về lịch sử của dân tộc, có ý chí phấn đấu và khát vọng cống hiến nhiều hơn cho xã hội, nhất là có ý thức trách nhiệm hơn trong học tập, lao động, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Tham dự buổi Tọa đàm "Quân đội Nhân dân Việt Nam - 80 năm vững bước niềm tin" trong khuôn khổ Lễ kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân do TP Hạ Long và các lực lượng vũ trang trên địa bàn vừa tổ chức vào trung tuần tháng 12, tôi đã phần nào cảm nhận được niềm tin mãnh liệt vào lý tưởng cách mạng, vào sự nghiệp giải phóng dân tộc luôn cháy bỏng của những người cựu chiến binh.
Thật khó có thể diễn tả hết cảm giác xúc động của những người có mặt tại buổi tọa đàm khi nghĩ về những trận chiến khốc liệt, về những anh hùng đã ngã xuống. Những hy sinh, cùng những giọt mồ hôi và máu đã hòa vào dòng lịch sử của dân tộc, kiến thiết nên nền hòa bình, độc lập mà chúng ta đang hưởng thụ hôm nay. Và cũng chính từ những hy sinh ấy, thế hệ của ngày hôm nay hiểu rõ hơn bao giờ hết giá trị của hòa bình, của tự do, và tầm quan trọng của việc gìn giữ những thành quả mà các lớp cha anh đi trước đã để lại.
Em Trần Thanh Thảo, học sinh trường THPT Ngô Quyền xúc động: Qua buổi tọa đàm, được lắng nghe câu chuyện của các bác cựu chiến binh, em thật sự không cầm được nước mắt. Được sống trong hòa bình, hạnh phúc của ngày hôm nay, em thấy mình phải cố gắng thật nhiều hơn nữa trong học tập và rèn luyện để xứng đáng với các thế hệ cha anh đã chiến đấu, hy sinh vì độc lập tự do cho Tổ quốc.
Để công tác giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ đạt hiệu quả cao, hàng năm, Hội CCB tỉnh và tổ chức Đoàn thường xuyên triển khai các chương trình, kế hoạch phối hợp hoạt động thực hiện chương trình “Tăng cường bồi dưỡng lý tưởng cách mạng, đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp, xung kích xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” và Nghị quyết số 25-NQ/TW của BCH Trung ương Đảng khoá X về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá” thông qua các hoạt động nói chuyện truyền thống và phối hợp tổ chức các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”… Đặc biệt, nhân dịp các ngày lễ lớn của đất nước như: Giải phóng miền Nam 30/4, Ngày Chiến thắng trận đầu 5/8, Ngày Quốc khánh 2/9,… và các sự kiện của quê hương, các cấp Hội đã phối hợp với Đoàn Thanh niên, các nhà trường tổ chức kể chuyện truyền thống, giao lưu giữa các CCB với học sinh. Tại đây, các CCB kể lại những câu chuyện chiến đấu nơi chiến trường, tình đồng chí, đồng đội… thu hút được thiếu nhi ở nhiều lứa tuổi tham gia.
Theo Đại tá Đàm Huy Đắc, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Quảng Ninh, với mong muốn thế hệ trẻ hôm nay tiếp tục kế thừa và phát huy những thành quả cách mạng của cha ông đi trước, cán bộ, hội viên cựu chiến binh trong toàn tỉnh đã tích cực đổi mới hình thức, nội dung tuyên truyền. Qua đó, khơi dậy lòng yêu nước, tự hào dân tộc và ý thức trách nhiệm của mỗi thanh, thiếu niên trong học tập, lao động, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.
Trong những năm qua, các cấp Hội CCB đã phối hợp tổ chức trên hàng trăm buổi tuyên truyền về lịch sử, truyền thống cách mạng của Đảng, của dân tộc, của Quân đội nhân dân Việt Nam và tuyên truyền Luật Nghĩa vụ quân sự cho trên 90.000 lượt người, chủ yếu là đoàn viên, thanh niên ở cơ sở, sinh viên, học sinh tại các trường đào tạo, dạy nghề, giáo dục phổ thông; phối hợp tổ chức thành công các diễn đàn “Thanh niên với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, “Tiếp bước dưới cờ Đảng”, “Tuổi trẻ tiếp bước các thế hệ anh hùng”… các hoạt động hưởng ứng “Năm Thanh niên”, “Tháng Thanh niên”; tổ chức nhiều buổi chiếu phim về thân thế và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh; các hội thi kể chuyện về những tấm gương điển hình trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Cùng với đó, hàng năm, nhân dịp tết và kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7, Hội CCB và Đoàn Thanh niên còn phối hợp tổ chức thăm, tặng quà các đối tượng chính sách và lễ “Thắp nến tri ân” ở 100% nghĩa trang liệt sĩ trên địa bàn tỉnh.
Riêng trong năm 2024, hội CCB các cấp phối hợp với Đoàn Thanh niên, Ban Chỉ huy Quân sự cùng cấp, duy trì hoạt động phối hợp, tổ chức 1.270 buổi nói chuyện giáo dục truyền thống cách mạng cho 94.622 học sinh và thanh niên, nhân dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước; tham mưu, phối hợp tặng quà cho 1.950 thanh niên nhập ngũ; Phối hợp với cơ quan quân sự địa phương hướng nghiệp cho 822 học sinh thi tuyển vào các trường quân đội; tặng quà khuyến học cho con, cháu CCB vượt khó học giỏi… Thông qua những hoạt động này đã góp phần tích cực vào việc giáo dục, nâng cao nhận thức, tình cảm và bồi đắp lòng yêu quê hương, đất nước, niềm tự hào về truyền thống cách mạng của Đảng, dân tộc; tiếp tục động viên, khơi dậy ý chí nghị lực vươn lên trong học tập, công tác và lao động sản xuất đối với thanh, thiếu niên trong sự nghiệp cách mạng hiện nay.
Với những hoạt động thiết thực, hiệu quả, công tác giáo dục truyền thống cách mạng của Hội CCB các cấp thời gian qua, đã tạo động lực, nâng cao tinh thần yêu nước, yêu quê hương, niềm tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ. Từ đó, góp phần bồi dưỡng, hình thành nên một thế hệ giàu lòng yêu nước, có lý tưởng cách mạng, có lối sống đẹp, có bản lĩnh văn hóa con người Việt Nam; động viên đoàn viên, thanh, thiếu niên phấn đấu vươn lên lập thân, lập nghiệp, củng cố thêm sức mạnh, niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, Bác Hồ kính yêu.
Ý kiến ()