
Coi trọng văn hoá gia đình
Theo các nhà nghiên cứu trong lĩnh vực văn hoá, trong gia đình Việt truyền thống có ba giá trị, chuẩn mực đạo đức được đề cao, gồm “gia đạo”, “gia phong” và “gia lễ”.
“Gia đạo” là những chuẩn mực, quy tắc đạo đức được gia đình coi trọng như con cháu hiếu thảo với ông bà, cha mẹ, vợ chồng thủy chung, anh chị em đoàn kết. Trong đó, “đạo hiếu” là giá trị được đề cao nhất, là vốn quý của dân tộc được hun đúc gia đình Việt qua nghìn năm lịch sử.
“Gia phong” là thói nhà, tập quán và giáo dục trong một gia tộc. Đó là việc xây dựng gia đình và tái tạo cho các con cháu sau này những chuẩn mực văn hóa đạo đức. Gốc rễ của gia phong nằm ở đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, thể hiện qua lòng hiếu thảo, phụng dưỡng ông bà cha mẹ, thờ cúng tổ tiên…
“Gia lễ” là những nghi lễ, tập tục trong một gia đình, được thể hiện qua cung cách ăn nói, đi đứng, cách ứng xử trở thành truyền thống gia đình mà ông bà, cha mẹ truyền lại cho con cháu.
Các giá trị truyền thống được coi trọng trong gia đình truyền thống đều xuất phát từ chuẩn mực đạo đức, văn hóa. Từ nền tảng đạo đức, các giá trị truyền thống hướng đến những hành động, ứng xử tốt đẹp của các thành viên trong gia đình. Nhờ vậy, gia đình trở thành khối vững chắc, là hạt nhân quan trọng trong xã hội.
Gia đình là tế bào của xã hội. Gia đình tốt thì xã hội tốt. Giá trị truyền thống gia đình là sức mạnh tiềm tàng của dân tộc, là động lực để xây dựng và bảo vệ đất nước. Xác định được tầm quan trọng ấy, từ lâu, Đảng và Nhà nước ta đã hết sức coi trọng việc kế thừa, phát huy các giá trị tốt đẹp của văn hoá gia đình truyền thống trong xây dựng gia đình văn hoá thời đại. Gần đây nhất, tại Nghị định 122/2018/NĐ-CP do Chính phủ ban hành ngày 17/9/2018 “quy định về xét tặng danh hiệu gia đình văn hóa, thôn văn hóa, làng văn hóa, ấp văn hóa, bản văn hóa và tổ dân phố văn hóa” cũng đã đưa các giá trị văn hoá gia đình truyền thống là một trong các nội dung quan trọng để công nhận danh hiệu gia đình văn hoá, đó là “Gia đình hòa thuận, hạnh phúc. Ông, bà, cha, mẹ và các thành viên trong gia đình được quan tâm, chăm sóc, phụng dưỡng. Hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, một vợ một chồng, bình đẳng, hòa thuận, thủy chung”.
Trước khi những văn bản quy phạm pháp luật ra đời, rất nhiều các quy định của làng, xã xưa cũng đã hết sức coi trọng nền tảng đạo đức gia đình, các giá trị văn hoá truyền thống gia đình trong xã hội. Tại lễ hội đình Trà Cổ đến ngày nay còn lưu tục hàng năm, làng chọn ra các cai đám để thi “Ông voi”, tham gia vào các hoạt động chính của lễ hội. Tiêu chí của các cai đám được chọn phải là những người gia đình hoà thuận, sống có hiếu lễ, con cháu thảo hiền, ngoan ngoãn, gia đình hạnh phúc. Tại lễ hội Tiên công xưa có tục ngày khai hội các bô lão tái hiện cảnh đắp đê của cha ông xưa. Các bô lão được chọn, bên cạnh sức khoẻ phải là người có gia đình hoà thuận, hạnh phúc, con cháu phương trưởng. Tương tự, ở lễ hội truyền thống Vân Đồn tưởng niệm chiến thắng quân xâm lược Nguyên của quân dân nhà Trần năm 1288 diễn ra tại xã đảo Quan Lạn (Vân Đồn) hàng năm, những người được chọn là tướng văn (của giáp Đông Nam văn), tướng võ (của giáp Đoài Bắc võ) đều phải đạt được tiêu chí về bản thân, gia đình giống như trên. Không chỉ Quảng Ninh, các lễ hội truyền thống ở nhiều địa phương cũng lưu giữ những chuyện tương tự. Tại lễ hội trò trám ở xã Tứ Xã, huyện Lâm Thao (Phúc Thọ), cặp vợ chồng được làng chọn thể hiện nghi lễ thiêng “linh tinh tình phộc” phải là gia đình hạnh phúc, mạnh khoẻ, hoà thuận, hiếu nghĩa…
Đáng mừng là trước những tác động không nhỏ của cuộc sống mới, hiện đại đến cấu trúc, đạo đức, văn hoá của không ít gia đình nhưng những nét văn hoá truyền thống gia đình được cha ông ta bồi dưỡng, hun đúc từ ngàn năm lịch sử đã và đang được bảo tồn, phát huy giá trị của nó không chỉ ở nhiều nơi ở Quảng Ninh cũng như các địa phương khác.
Đại Dương
Ý kiến ()