Coi trọng chất lượng đội ngũ cán bộ
Những năm gần đây KT-XH của Quảng Ninh ngày càng phát triển; công tác cải cách hành chính có nhiều điểm sáng, nhất là chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp được cải thiện rõ rệt; tỷ lệ hài lòng của người dân, tổ chức doanh nghiệp khi làm việc với chính quyền địa phương luôn đạt trên 99%. Đạt được kết quả đó, cùng với tập trung đầu tư cơ sở vật chất, tỉnh đã quyết liệt trong chỉ đạo cải cách công vụ, nâng cao chất lượng đội ngũ CBCCVC…
Từ năm 2017, các sở, ngành, địa phương đã rà soát, sửa đổi quy chế làm việc, bổ sung vào quy chế các quy định về thái độ, trách nhiệm, văn hóa, giao tiếp ứng xử nơi công sở. Đặc biệt là thực hiện nghiêm các chủ trương về trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu, không uống rượu, bia buổi trưa trong ngày làm việc; tăng cường trách nhiệm, ý thức chấp hành giờ làm việc, văn hóa giao tiếp ứng xử, thái độ phục vụ, chất lượng giải quyết TTHC đối với tổ chức và công dân.
Các ngành, địa phương đều công khai số điện thoại đường dây nóng tiếp nhận thông tin phản ánh những trường hợp vi phạm quy định về đạo đức công vụ, kỷ luật, kỷ cương hành chính; kiểm tra đột xuất, thường xuyên việc chấp hành quy chế, lề lối làm việc của CBCCVC; triển khai định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đối với CBCCVC các phòng, ban chuyên môn, đơn vị sự nghiệp, nhất là đối với những vị trí nhạy cảm, dễ phát sinh tiêu cực...
Từ đầu năm 2024 đến nay, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã có nhiều chỉ đạo tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, đạo đức công vụ và văn hóa công sở, nâng cao trách nhiệm trong xử lý công việc, hiệu lực, hiệu quả trong công tác chỉ đạo, điều hành. Trong đó, yêu cầu cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan, đơn vị, LLVT từ tỉnh đến cơ sở tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt đầy đủ, sâu rộng và tổ chức thực hiện nghiêm túc các chủ trương, quy định, pháp luật của Đảng, Nhà nước, của tỉnh về tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, xây dựng và thực hiện đạo đức công vụ, văn hóa công sở.
Đồng thời, có giải pháp nâng cao năng lực, hiệu quả, quản lý nhà nước trên các lĩnh vực, nhất là các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực; tăng cường kiểm tra, thanh tra việc thực thi đạo đức, văn hóa công vụ của đội ngũ CBCCVC, nhất là lĩnh vực liên quan đến quyền lợi hợp pháp, chính đáng của nhân dân. Tỉnh cũng kịp thời xử lý nghiêm đối với những hành vi vi phạm, các biểu hiện tham nhũng, tiêu cực, nhũng nhiễu, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, vi phạm pháp luật.
Điển hình như TP Hạ Long, xác định chất lượng đội ngũ CBCCVC đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của thành phố và của tỉnh, nhất là trong bối cảnh có nhiều tác động tiêu cực từ kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế hiện nay, Ban Thường vụ Thành ủy đã chú trọng xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng CBCCVC với nhiều loại hình phù hợp. Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị triển khai những nội dung của kế hoạch, đề án, từng bước nâng cao chất lượng đội ngũ CBCCVC từ thành phố đến cơ sở có phẩm chất, năng lực và bản lĩnh chính trị vững vàng, thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.
Theo đó, thành phố thường xuyên rà soát, cơ cấu lại đội ngũ, tinh giản biên chế và tăng cường bố trí kiêm nhiệm, nhất thể hóa chức danh người đứng đầu. Các cấp ủy, chính quyền luôn quan tâm cơ cấu, sắp xếp lại đội ngũ cán bộ theo vị trí việc làm, khung năng lực, đảm bảo đúng người, đúng việc, giảm số lượng, nâng cao chất lượng, hợp lý về cơ cấu, đảm bảo bộ máy tinh gọn, khắc phục sự cồng kềnh, chồng chéo, hoạt động kém hiệu quả.
Ngoài sắp xếp vị trí việc làm phù hợp, các cơ quan, đơn vị của thành phố còn coi trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng CBCCVC đáp ứng yêu cầu công việc. Cụ thể, thành phố đã xây dựng kế hoạch, thực hiện tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ gắn với quy hoạch cán bộ và vị trí việc làm. Thực hiện giới thiệu ứng cử bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện, khắc phục triệt để tình trạng nợ tiêu chuẩn CBCCVC và giới thiệu ứng cử cán bộ có trình độ vào các vị trí; rà soát kỹ đối tượng, nội dung bồi dưỡng, bảo đảm việc đào tạo, bồi dưỡng thiết thực, hiệu quả.
Theo đánh giá chung của Tỉnh ủy về công tác xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp của tỉnh từ đầu nhiệm kỳ 2020-2025 đến nay, đội ngũ cán bộ từ tỉnh đến cơ sở đảm bảo về số lượng, chất lượng được nâng lên đáng kể, phục vụ tốt các yêu cầu, nhiệm vụ của địa phương, đơn vị và sự phát triển của tỉnh trong từng giai đoạn. Tuyệt đại đa số cán bộ giữ được bản lĩnh chính trị, trung thành với sự nghiệp đổi mới của Đảng, kiên định với mục tiêu, lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, gắn bó với nhân dân, nêu cao tinh thần phục vụ nhân dân…
Công tác cán bộ của tỉnh ngày càng chặt chẽ, bám sát các quy định, quy chế, nghị quyết của Đảng về công tác cán bộ. Trong đó, công tác đánh giá cán bộ có nhiều đổi mới góp phần phục vụ tốt cho yêu cầu bố trí, sử dụng cán bộ. Công tác quy hoạch cán bộ từng bước đi vào nền nếp, tạo được nguồn cán bộ, cơ bản khắc phục được tình trạng bị động trong bổ nhiệm cán bộ, chú trọng về tiêu chuẩn chức danh, số lượng cán bộ trẻ, tỷ lệ nữ… Công tác đào tạo, bồi dưỡng và cập nhật kiến thức cho cán bộ được quan tâm thực hiện thường xuyên. Việc bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ đảm bảo đúng quy trình, nguyên tắc, dân chủ, công khai… Tỉnh ủy đã bổ sung, hoàn thiện các quy định, quy chế về công tác cán bộ; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với tăng cường kiểm tra, giám sát và siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong công tác đề bạt, bổ nhiệm cán bộ.
Quy trình công tác cán bộ tiếp tục được đổi mới, bảo đảm dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch, công bằng, chặt chẽ hơn; đã làm rõ được trách nhiệm của cán bộ, tập thể lãnh đạo của cơ quan tham mưu, đề xuất; trách nhiệm của cán bộ, cơ quan thẩm định, thành viên cấp ủy, cán bộ lãnh đạo và người đứng đầu trong công tác cán bộ. Trong đó, đã sửa đổi, bổ sung, xây dựng các quy chế, quy định về công tác cán bộ (về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; quy định về điều động, luân chuyển cán bộ; quy định về bổ nhiệm, bổ nhiệm lại cán bộ…) nhằm cụ thể hóa các chỉ đạo của Trung ương theo hướng đồng bộ, kế thừa, kết nối giữa các khâu, tăng cường công khai, minh bạch trong công tác cán bộ.
Các quy định, quy chế đã ban hành đảm bảo được vai trò lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của cấp uỷ đảng về công tác cán bộ, đồng thời từng bước tăng cường phân cấp, uỷ quyền, mở rộng dân chủ, đề cao trách nhiệm của các tổ chức và cá nhân người đứng đầu trong công tác cán bộ.
Nhờ quan tâm đổi mới, triển khai đồng bộ các giải pháp, chất lượng đội ngũ CBCCVC của tỉnh ngày càng được nâng cao, nhiều cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược của tỉnh đã mạnh dạn đổi mới tư duy, nâng cao tầm nhìn, không né tránh những vấn đề mới, khó, phức tạp; mạnh dạn đề xuất những vấn đề chưa có tiền lệ để tập trung nghiên cứu, thực hiện; kiên trì, quyết liệt trong chỉ đạo và thực hiện các nhiệm vụ, đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Ý kiến ()