Tăng trưởng xanh trong bối cảnh biến đổi khí hậu
Chiến lược tăng trưởng xanh của Quảng Ninh là đúng hướng và phù hợp với xu thế chung của cả nước, khu vực và toàn cầu. Tuy nhiên theo nhiều chuyên gia, sau cơn bão số 3 (bão Yagi), tỉnh cần có nhìn nhận lại và có sự đánh giá đầy đủ hơn về chuyển đổi mô hình tăng trưởng xanh để có những định hướng mới cho phát triển bền vững hơn, hạn chế tối đa những rủi ro của thiên nhiên đến phát triển kinh tế - xã hội.
Với quyết tâm đổi mới và chuyển đổi mô hình tăng trưởng, giai đoạn 2012-2020, việc thực hiện chuyển đổi xanh của tỉnh tập trung chủ yếu vào giải quyết vấn đề môi trường theo nguyên tắc “không đánh đổi kinh tế với ô nhiễm, suy thoái môi trường”. Nhờ đó, nhiều chỉ tiêu môi trường của tỉnh đều đạt hoặc vượt kế hoạch đề ra như: 100% khu công nghiệp đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung, có hệ thống quan trắc tự động; tỷ lệ thu gom xử lý chất thải rắn sinh hoạt đạt 98%; tỉnh đã ban hành bộ Quy chuẩn kỹ thuật địa phương của tỉnh về môi trường, Quy chuẩn kỹ thuật địa phương về sử dụng vật liệu phao nổi trong nuôi trồng thủy sản.
Trong giai đoạn 2020-2025, để phù hợp với bối cảnh mới nhất là sau đại dịch Covid-19, tỉnh đã có những sự điều chỉnh so với giai đoạn trước theo hướng ưu tiên phát triển hạ tầng đồng bộ, thu hút lao động chất lượng cao…, xây dựng văn minh sinh thái. Đáng chú ý, tỉnh đã xác định dựa vào ba trụ cột chính đó là thiên nhiên, con người và văn hóa để thực hiện nhằm đạt được các mục tiêu phát triển bền vững.
Triển khai thực hiện Quyết định số 882/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 22/7/2022 về việc phê duyệt Kế hoạch hành động thực hiện chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, ngày 6/5/2024, tỉnh cũng đã ban hành Quyết định số 1318/QĐ-UBND về việc phê duyệt kế hoạch hành động tăng trưởng xanh tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2023-2030. Nội dung của kế hoạch hành động tăng trưởng xanh của tỉnh gồm có 18 chủ đề, 62 nhóm nhiệm vụ hoạt động và 35 nhiệm vụ cụ thể. Các nhiệm vụ chủ yếu tập trung nâng cao hiệu suất, hiệu quả sử dụng năng lượng, giảm mức tiêu hao năng lượng trong hoạt động sản xuất, vận tải, thương mại và công nghiệp; đẩy mạnh khai thác, tăng tỷ trọng các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới trong sản xuất; phát triển nông nghiệp hiện đại, nông nghiệp sạch, hữu cơ bền vững. Đồng thời, thúc đẩy đô thị hóa theo hướng đô thị thông minh, bền vững, bảo đảm quá trình chuyển đổi xanh theo nguyên tắc bình đẳng, bao trùm để nâng cao năng lực chống chịu trong toàn bộ nền kinh tế.
Theo PGS.TS. Nguyễn Thế Chinh, nguyên Viện trưởng, Viện Chiến lược Chính sách tài nguyên và môi trường (Bộ TN&MT), kế hoạch hành động tăng trưởng xanh của tỉnh giai đoạn 2023-2030 đã bám sát chiến lược quốc gia và phù hợp với thực tế của tỉnh. Tuy nhiên, thực tiễn đã chứng minh cho thấy thiên tai và biến đổi khí hậu (BĐKH) là rủi ro rất lớn cho thực hiện chuyển đổi xanh, những nỗ lực của thực hiện chuyển đổi xanh có thể bị tàn phá sau một đợt thiên tai giống như cơn bão số 3 vừa qua tại Quảng Ninh. Chính vì vậy, thách thức do thiên tai và BĐKH cần phải được xem là vấn đề trọng tâm trong quá trình thực hiện chuyển đổi xanh của tỉnh. Trong quá trình triển khai các nhiệm vụ, chương trình, dự án, Quảng Ninh cần tính tới những rủi ro này, cụ thể giảm dần những hoạt động kinh tế có tính chất nhỏ lẻ, hướng đến sản xuất quy mô lớn, bài bản chống chịu được rủi ro và cần có sự tham gia bảo hiểm trong quá trình triển khai thực hiện. Đặc biệt là cần học hỏi kinh nghiệm của các nước thường xuyên phải đối mặt với BĐKH. Chẳng hạn như trong nuôi trồng thủy sản, Quảng Ninh hoàn toàn có thể học hỏi kinh nghiệm của Na Uy, về kinh tế tuần hoàn đối với chất thải sinh hoạt có thể học hỏi và chuyển giao công nghệ của Thụy Điển, Hàn Quốc, Trung Quốc…, trong phát triển năng lượng gió ngoài khơi có thể học hỏi kinh nghiệm và chuyển giao công nghệ của Đan Mạch, Đức.
Liên quan đến chiến lược để phát triển đô thị xanh, TS Hà Huy Ngọc, Viện Kinh tế Việt Nam cho biết: Tốc độ đô thị hóa gia tăng đã làm cho các đô thị của tỉnh dễ tổn thương, gia tăng nguy cơ ngập lụt, sạt lở bãi thải trước những diễn biến khó lường của BĐKH. Điển hình, như TP Hạ Long, qua các đợt bão lịch sử 2015, 2020, 2024 đã để lại những hậu quả nghiêm trọng. Do đó, Hạ Long cần tiên phong trong chuyển đổi không gian nâu sang không gian xanh. Thành phố cần từng bước dừng hoặc chuyển đổi các nhà máy nhiệt điện, xi măng, dăm gỗ. KCN Cái Lân cần chuyển thành khu vực phức hợp dịch vụ đô thị và chuyển các khai trường mỏ lộ thiên thành công viên cây xanh, khu du lịch. Đồng thời kiểm soát tốt hơn hành lang ven biển, có sự kết nối giữa các dự án riêng lẻ để tạo ra không gian đô thị liền mạch, hài hòa. Trong phát triển du lịch xanh, cần kiểm soát tốt hơn nguồn ô nhiễm từ các hoạt động đổ thải về Vịnh Hạ Long và ô nhiễm không khí từ nguồn khói bụi của các nhà máy.
Từ những góc nhìn của các chuyên gia cho thấy, để triển khai thực hiện chuyển đổi xanh ở mức độ toàn diện, đầy đủ hơn và đáp ứng yêu cầu đặt ra, tỉnh cần nắm bắt cơ hội mới và vượt qua những thách thức, nhận diện rõ hơn nguy cơ từ BĐKH để triển khai trong thực tiễn có hiệu quả, nhất đối với kế hoạch hành động tăng trưởng xanh tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2023-2030.
Ý kiến ()