Cơ hội tạo việc làm, tăng thu nhập cho lao động nông thôn
Ngày 11/8, tại huyện Bình Liêu, cấp ủy các huyện Bình Liêu, Đầm Hà, Ba Chẽ phối hợp với Đảng ủy Trường CĐ Than - Khoáng sản Việt Nam đã tổ chức hội nghị sơ kết thực hiện Quy chế phối hợp đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động của các địa phương.
Thực hiện Quy chế phối hợp về đào tạo nghề và giải quyết việc làm giai đoạn 2020-2023, các huyện Bình Liêu, Đầm Hà, Ba Chẽ và Trường CĐ Than - Khoáng sản Việt Nam đã phối hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tư vấn, giáo dục, định hướng cho lao động nông thôn, thanh niên các dân tộc thiểu số, người lao động thấy được lợi ích và hiệu quả của việc học nghề và làm việc tại Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV). Do vậy, từ năm 2020 đến 31/7/2022 đã có gần 600 lao động của các huyện Bình Liêu, Đầm Hà, Ba Chẽ tham gia các khóa đào tạo nghề mỏ và được tuyển dụng vào làm việc tại các đơn vị trực thuộc TKV, với mức thu nhập cao từ 800 ngàn đến 1 triệu đồng/ngày công. Đây có thể nói là mức thu nhập cao đối với mặt bằng chung hiện nay, nhất là ở địa bàn miền núi, nông thôn.
Không chỉ vậy, công nhân, người lao động ở các khu vực này còn được các doanh nghiệp bố trí phương tiện đưa đón đi và về hằng ngày. Điều này tạo sự thuận lợi, phấn khởi cho người lao động, từ đó yên tâm, gắn bó chặt chẽ với doanh nghiệp. Qua đây cũng góp phần tháo gỡ, giải bài toán thiếu hụt lực lượng lao động trong các doanh nghiệp ngành Than, nhất là ở các đơn vị sản xuất hầm lò, vốn là vấn đề nan giải, khó khăn của các doanh nghiệp ngành Than một vài năm trước đây. Khi đó nhiều doanh nghiệp ngành Than đã phải chủ động tìm đến các tỉnh miền núi xa xôi ở khu vực phía Bắc, hoặc các tỉnh miền Trung để trực tiếp tuyển dụng lao động với các chính sách, chế độ ưu đãi riêng, đặc biệt nhằm bù đắp số lao động thiếu hụt của đơn vị...
Bên cạnh đào tạo các nghề phục vụ cho khai khoáng, sản xuất than, từ năm 2020 đến nay, Trường CĐ Than - Khoáng sản Việt Nam còn đào tạo hơn 2.100 lao động của 3 địa phương nói trên các ngành nghề chủ yếu nằm trong chương trình khuyến khích đào tạo nghề của tỉnh, như: Điện công nghiệp, nghiệp vụ du lịch - dịch vụ. Đây là những ngành nghề, lĩnh vực tỉnh đang rất cần để phục vụ cho việc khai thác, phát huy các tiềm năng, thế mạnh của tỉnh...
Theo đánh giá của lãnh đạo tỉnh, kết quả đạt được trong thực hiện Quy chế phối hợp giữa 3 địa phương với Trường CĐ Than - Khoáng sản Việt Nam trong thời gian qua không chỉ góp phần đáp ứng một phần nhu cầu tuyển dụng lao động của TKV mà còn tạo được việc làm ổn định với mức thu nhập cao cho người lao động. Qua đó thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động khu vực nông thôn và thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững của các địa phương, đặc biệt là tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa điều kiện phát triển kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, góp phần thu hẹp khoảng cách giàu nghèo giữa các vùng miền.
Trên cơ sở những kết quả đã đạt được, các địa phương cần tiếp tục nâng cao hơn nữa hiệu quả trong thực hiện Quy chế phối hợp đã được ký kết, nhất là trong công tác tuyên truyền, vận động để người dân các địa phương thấy được lợi ích khi tham gia các lớp đào tạo nghề và vào làm việc tại các doanh nghiệp ngành Than, cũng như các lĩnh vực sản xuất công nghiệp khác trên địa bàn tỉnh. TKV cũng chỉ đạo các đơn vị thành viên cải thiện hơn nữa điều kiện làm việc, sự đi lại đối với lao động các địa phương miền Đông của tỉnh. Cùng với đó quan tâm hỗ trợ các địa phương trong đầu tư các thiết chế văn hóa - thể thao tại các khu dân cư và thực hiện các chính sách an sinh xã hội trên địa bàn...
Có thể nói, với việc thực hiện hiệu quả Quy chế phối hợp về đào tạo nghề và giải quyết việc làm giữa một số địa phương khu vực miền Đông của tỉnh với Trường CĐ Than - Khoáng sản Việt Nam đã cùng lúc đạt được nhiều mục tiêu, kỳ vọng. Cụ thể là đã tạo cơ hội thuận lợi để nhiều lao động nông thôn ở các địa bàn khó khăn, vùng sâu, vùng xa có công ăn việc làm ổn định, với mức thu nhập cao. Cùng với đó là thực hiện được mục tiêu giảm nghèo bền vững ở nhiều vùng nông thôn trên địa bàn tỉnh, nhất là ở các địa bàn đời sống người dân còn nhiều khó khăn. Bên cạnh đó còn góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động ở khu vực nông thôn theo hướng tích cực, tăng tỷ lệ lao động qua đào tạo. Về phía ngành Than cũng đã giải quyết được bài toán thiếu hụt lao động, nhất là lao động hầm lò, hạn chế phải đi xa để tuyển dụng, các doanh nghiệp cũng yên tâm vì người lao động gắn bó lâu dài với đơn vị...
Ý kiến ()