Chuyển đổi vị trí công tác nhằm phòng ngừa tham nhũng
Điều 8 của Dự thảo Nghị định này đã quy định 22 lĩnh vực ngành, nghề và các vị trí công tác phải định kỳ chuyển đổi. Trong đó có các lĩnh vực liên quan trực tiếp đến quyền lợi của người dân như: Hoạt động quản lý và cấp phát các loại: giấy đăng ký, giấy chứng nhận, giấy phép; quản lý xây dựng cơ bản, giải tỏa, áp giá đền bù trong giải phóng mặt bằng và quản lý dự án; Hoạt động quản lý thị trường, kiểm lâm; Cảnh sát giao thông, cảnh sát tư pháp, cảnh sát quản lý trại giam, cảnh sát hộ khẩu, cảnh sát điều tra, cảnh sát kinh tế, cảnh sát khu vực, cảnh sát trật tự hành chính, cảnh sát làm công tác hậu cần, an ninh kinh tế, an ninh điều tra, an ninh chính trị - văn hóa, quản lý xuất nhập cảnh trong Công an nhân dân; Công tác kiểm sát các hoạt động tư pháp, hoạt động công tố của viện kiểm sát nhân dân, viện kiểm sát quân sự các cấp, hoạt động xét xử của tòa án nhân dân, tòa án quân sự các cấp; Hoạt động quản lý điều hành công tác kế hoạch và đầu tư trong các cơ quan nhà nước và trong các doanh nghiệp nhà nước; Quản lý việc bán, khoán, cho thuê đất, tài sản trên đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng nhà, đất; Thanh tra xây dựng; Quản lý đăng kiểm các loại phương tiện vận tải; Quản lý cấp phát đăng ký các loại phương tiện, bằng lái xe; Quản lý cấp phát các loại văn bằng, chứng chỉ; Công tác tổ chức, cán bộ.
Góp ý với Dự thảo Nghị định này, Giáo sư Nguyễn Lân Dũng đã nhất trí về cơ bản và “tâm đắc nhất với Điều 8 là điều quy định các lĩnh vực ngành, nghề và các vị trí công tác phải định kỳ chuyển đổi”. Giáo sư cho biết, ngày xưa ông cha ta đã có luật Hồi tỵ. Luật này được xuất hiện từ thời Lê Thánh Tông và được hoàn thiện vào thời Minh Mạng.
Luật Hồi tỵ quy định: Quan lại không được lấy vợ, kết làm thông gia với người ở nơi mình cai quản. Không đưa quan lại về quê hương bản quán trị nhậm; Quan lại không được tậu đất, vườn ruộng, nhà tại nơi cai quản. Về sau còn bổ sung thêm: Các dịch lại ở các nha môn, các bộ ở Kinh đô và các tỉnh là bố con, anh em ruột, anh em con chú con bác với nhau thì phải tách ra, đổi bổ đi nơi khác. Các quan lại không được làm quan ở nơi cư trú (nơi ở một thời gian lâu), ở quê vợ, quê mẹ mình; thậm chí cả nơi học tập lúc nhỏ hoặc lúc trẻ tuổi. Đến năm 1836 Luật lại được bổ sung thêm: Các quan đầu tỉnh như Tổng đốc, Tuần phủ, Bố chánh, án sát, Lãnh binh, Đốc học đều không được cử những người cùng chung một quê. Trong từng Bộ, Nha, Sở, Cục không được bố trí những người có quan hệ cha – con, anh – em, thông gia, thầy – trò, họ hàng thân thiết… Năm 1886, vua Đồng Khánh bổ sung thêm: Trong cùng một bộ hay cùng một tỉnh, đều là người quê quán cùng một hạt, hoặc là nơi có bốn người cùng làm việc mà đến ba người là quê quán cùng một hạt, thì cũng cho hồi tỵ.
Dự thảo Nghị định về định kỳ chuyển đổi vị trí công tác sẽ triệt tiêu cơ hội tham nhũng do những mối quan hệ, điều kiện công việc tạo nên.
Ý kiến ()