Chung tay chống “ô nhiễm trắng”
Ô nhiễm môi trường nói chung, ô nhiễm do rác thải nhựa – “ô nhiễm trắng” nói riêng đang hiện hữu, tác động tiêu cực đến môi trường tự nhiên, môi trường sống. Nhận thức rõ được những tác hại vô cùng lớn từ “ô nhiễm trắng”, những năm qua, nhiều phong trào bảo vệ môi trường được triển khai rộng rãi, nhất là mô hình “Nói không với rác thải nhựa” được nhiều doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị, người dân hưởng ứng nhiệt tình trên toàn quốc nói chung, Quảng Ninh nói riêng.
Có lẽ chưa bao giờ vấn đề môi trường và rác thải nhựa được đề cập nhiều như thời gian gần đây. Rác thải nhựa đã trở thành một vấn đề gây nhức nhối toàn cầu và ở mỗi quốc gia, đặc biệt là những quốc gia đang phát triển như Việt Nam. Sự tồn tại của rác thải nhựa trong môi trường đã và đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường đất, nước và sức khỏe con người. Hiểm họa này xuất phát từ chính những thói quen sinh hoạt hàng ngày của con người là dùng quá nhiều bao bì nilông và các vật dụng bằng nhựa.
Theo ước tính và số liệu thống kê chưa đầy đủ của Bộ Tài nguyên và Môi trường, rác thải nhựa chiếm tỷ trọng khoảng 5 - 10% trong rác thải sinh hoạt. Ở Việt Nam, tính trung bình mỗi năm thải ra khoảng 1,8 triệu tấn rác nhựa, trong đó có khoảng hơn 30 tỷ túi nylon. Trung bình, mỗi hộ gia đình tại Việt Nam sử dụng khoảng một kg túi nylon mỗi tháng. Hơn 80% số đó đều bị thải bỏ sau khi dùng một lần và được vứt ra môi trường tự nhiên. Minh chứng rõ nét nhất là mỗi lần đi chợ của một gia đình cũng mang về cả chục chiếc túi nilon đựng các đồ thực phẩm và toàn bộ số đó được thải ra môi trường.
Rác thải nhựa không được xử lý đúng cách đã và đang ảnh hưởng trực tiếp đến không khí, môi trường đất, ao hồ, sông suối, biển, đại dương... Ô nhiễm trắng đang xảy ra ở khắp nơi từ thành thị đến nông thôn, từ đất liền đến biển đảo, bởi việc xả rác nhựa ra môi trường của con người.
Có một thực tế mà không phải ai cũng biết, đó là khi chôn lấp, rác thải nhựa sẽ làm cho đất không giữ được nước, dinh dưỡng và ngăn cản quá trình khí oxy đi qua đất, gây tác động xấu đến sự sinh trưởng của cây trồng. Hơn nữa, nó có thể làm ô nhiễm nguồn nước, gây ra cái chết của các vi sinh vật có lợi cho cây ở dưới lòng đất.
Để phân hủy được rác thải nhựa có thể kéo dài rất lâu từ hàng trăm đến hàng nghìn năm. Chính vì thế, khi tích tụ quá nhiều hoặc nằm rải rác trên các bề mặt nước, đất sẽ gây ra hiện tượng ô nhiễm trắng ảnh hưởng rất lớn đến hàng nghìn sinh vật sống. Trong đó, bao gồm các loài động vật, vi sinh vật và cả con người.
Có thể thấy, tác hại của rác thải nhựa vô cùng nghiêm trọng, ảnh hưởng sâu rộng môi trường sống, môi trường tự nhiên của chúng ta. Để giảm thiểu tối đa tác hại của rác thải nhựa, thời gian qua, cả hệ thống chính trị, các cấp, ngành, địa phương đã tích cực vào cuộc tuyên truyền, vận động để người dân hạn chế sử dụng túi nilông, rác thải nhựa.
Nhiều phong trào bảo vệ môi trường được triển khai rộng rãi, nhất là mô hình “Nói không với rác thải nhựa”. Như trong năm học 2023-2024 này, ngành Giáo dục và Đào tạo TP Hạ Long đã chỉ đạo các trường mầm non thực hiện chuyên đề “Nói không với rác thải nhựa”. Ngay khi ngành Giáo dục phát động, nhiều trường học đã tích cực hưởng ứng, ngoài sự vào cuộc của cán bộ, giáo viên, nhân viên các nhà trường còn có sự tham gia tích cực của các bậc phụ huynh, học sinh. Từ ý nghĩa của phong trào “Nói không với rác thải nhựa” và bảo vệ môi trường, việc hạn chế sử dụng túi nilông, đồ nhựa, hộp nhựa, ống hút nhựa… đã được các thầy cô, phụ huynh, học sinh tích cực thực hiện, qua đó tạo sự lan toả rộng khắp những hành động đẹp.
Cùng chung tay hành động chống rác thải nhựa ngay hôm nay là chúng ta đang bảo vệ thiên nhiên, phục hồi hệ sinh thái, bảo vệ môi trường sống cho thế hệ hiện tại và tương lai. Vì một môi trường phát triển xanh, bền vững, nơi hạn chế sử dụng đồ nhựa và rác thải nhựa được xử lý, tái chế sử dụng nhiều lần, tất cả bắt đầu từ những hành động nhỏ của mỗi người, ngay tại mỗi gia đình của chúng ta ngày hôm nay.
Ý kiến ()