
Chú trọng giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh
Có thể thấy rõ, những năm qua, mặc dù có nhiều nỗ lực, nhưng mất cân bằng giới tính khi sinh (MCBGTKS) ở Quảng Ninh vẫn tồn tại. Điều đó đòi hỏi các cấp, các ngành cần tiếp tục quan tâm đến vấn đề này.
Quảng Ninh cũng đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo về kiểm soát, giảm thiểu MCBGTKS, trong đó có Kế hoạch số 156/KH-UBND ngày 27/8/2020 của UBND tỉnh Quảng Ninh về việc thực hiện Chương trình Điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng đến năm 2030 của tỉnh Quảng Ninh; Đề án dân số và phát triển tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2024-2025, định hướng đến năm 2030; Kế hoạch số 245/KH-UBND ngày 10/10/2022 của UBND tỉnh về việc hành động thực hiện Đề án kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh giai đoạn 2022-2025 tỉnh Quảng Ninh…

Cùng với đó, các ngành, địa phương cũng đẩy mạnh truyền thông chuyển đổi hành vi về dân số - KHHGĐ; tuyên truyền phổ biến chủ trương, luật pháp, chính sách của Đảng, Nhà nước, những định hướng công tác dân số và phát triển trong thời gian tới nhằm giảm thiểu tình trạng MCBGTKS; tổ chức nói chuyện chuyên đề cung cấp chính sách dân số; tổ chức tuyên truyền để giảm thiểu MCBGTKS, phổ biến pháp luật về việc nghiêm cấm các hành vi lựa chọn giới tính thai nhi dưới mọi hình thức, Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Hôn nhân gia đình; tăng cường truyền thông về bình đẳng giới, nêu cao vai trò, vị thế của phụ nữ và trẻ em gái trong xã hội…
Năm 2024, các ngành, địa phương đã tổ chức hội nghị truyền thông tại cộng đồng dân cư được 249 cuộc với 4.160 lượt người tham gia. Các sở, ngành, đoàn thể, địa phương còn tổ chức hàng chục hội nghị, buổi tập huấn về bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực gia đình, giảm thiểu MCBGTKS… Tăng cường giáo dục về kỹ năng sống hiệu quả, giáo dục giới tính toàn diện chú trọng bình đẳng giới để trẻ em gái được an toàn và phát triển đầy đủ thể chất và trí tuệ…

Không chỉ có vậy, các ngành, địa phương còn tăng cường tuyên truyền và đảm bảo việc cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình cho phụ nữ, trẻ em gái. Chi cục DS-KHHGĐ phối hợp với Trường Cao đẳng Y tế Quảng Ninh phổ biến nội dung các quy định về nghiêm cấm lựa chọn giới tính khi sinh vào giảng tại 6 lớp cho các sinh viên trước khi ra trường với thời lượng 10 tiết học; tổ chức ký cam kết không thực hiện cung cấp dịch vụ lựa chọn giới tính thai nhi dưới mọi hình thức đối với sinh viên ra trường...
Đặc biệt, 171 xã, phường, thị trấn duy trì 177 câu lạc bộ “Giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh”. Qua đó, năm 2024, các CLB đã tổ chức 708 buổi sinh hoạt với gần 20.000 lượt người tham dự. Nội dung tập trung vào phân tích nguyên nhân, thực trạng của MCBGT, bình đẳng giới… Toàn tỉnh cũng tiếp tục duy trì sinh hoạt các câu lạc bộ tiền hôn nhân tại 171 xã, phường, thị trấn; qua đó tổ chức 708 buổi sinh hoạt CLB với các nội dung về chăm sóc sức khoẻ tiền hôn nhân, giảm thiểu MCBGTKS cho 28.320 người tham dự.
Các địa phương còn tích cực triển khai Dự án “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” trên địa bàn tỉnh năm 2024. Trong năm, các cấp Hội Liên hiệp phụ nữ đã thành lập mới 119 tổ truyền thông tại cộng đồng, tổ truyền thông cộng đồng; thành lập mới 44 câu lạc bộ. 100% phụ nữ thuộc 12 thôn đặc biệt khó khăn và 24 thôn mới hoàn thành Chương trình 135 được truyền thông, bồi dưỡng, tập huấn về xóa bỏ định kiến giới và khuôn mẫu giới, phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới…
Mặc dù vậy, tỷ số giới tính khi sinh năm 2024 trên địa bàn tỉnh vẫn là 115,29 bé trai/100 bé gái, trong khi kế hoạch đặt ra là 113,02 bé trai/100 bé gái.

Bởi vậy, năm 2025 này, Ban chỉ đạo Dân số và phát triển tỉnh yêu cầu các địa phương, các ngành tiếp tục triển khai Kế hoạch số 245/KH-UBND ngày 10/10/2022 của UBND tỉnh về hành động thực hiện Đề án kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh giai đoạn 2022-2025 tỉnh Quảng Ninh; tiếp tục duy trì các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi về kiểm soát MCBGTKS; lồng ghép nội dung kiểm soát MCBGTKS vào hoạt động của các ban, ngành, đoàn thể; thực hiện phổ biến, giáo dục và nâng cao hiệu lực thực thi những quy định của pháp luật về nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi.
Bên cạnh đó, ngành Giáo dục cần phối hợp với các ngành, địa phương đưa nội dung kiểm soát MCBGTKS vào cho học sinh trong các nhà trường; tổ chức các hoạt động tư vấn, hướng dẫn tập trung về nội dung MCBGTKS qua hoạt động ngoại khóa dưới hình thức sân khấu hóa, giao lưu cho giáo viên, học sinh tại các trường trung học phổ thông, trung học cơ sở trên địa bàn tỉnh.
Đặc biệt, các cấp, các ngành cần tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý các hành vi vi phạm liên quan đến việc lựa chọn giới tính khi sinh. Tuyên truyền cộng đồng dân cư và các đơn vị chức năng có liên quan thực thi nghiêm các quy định của pháp luật về kiểm soát MCBGTKS. Có như vậy, toàn tỉnh mới có thể đạt chỉ tiêu theo kế hoạch thực hiện công tác dân số trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh năm 2025: 111 bé trai/100 bé gái và dần đưa tỷ số giới tính khi sinh xuống dưới 110 bé trai/100 bé gái.
Ý kiến ()