Chủ động ứng phó với cơn bão số 2
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, vào hồi 10 giờ ngày 10/8, vị trí tâm bão số 2 (tên quốc tế là MULAN) ở vào khoảng 20,1 độ Vĩ Bắc; 110 độ Kinh Đông, trên khu vực phía Đông Bắc đảo Hải Nam (Trung Quốc), cách đảo Bạch Long Vĩ khoảng 350km về phía Đông Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9 (62-88km/giờ), giật cấp 11. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 130km tính từ tâm bão.
Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-20km. Đến 22 giờ ngày 10/8, vị trí tâm bão ở khoảng 20,7 độ Vĩ Bắc; 108 độ Kinh Đông, trên khu vực phía Bắc Vịnh Bắc Bộ, cách Móng Cái (Quảng Ninh) khoảng 130km về phía Đông Nam, sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8...
Như vậy, nhiều khả năng bão số 2 sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh từ Quảng Ninh đến Nam Định...
Trước diễn biến rất nhanh của cơn bão, để chủ động phòng chống, giảm đến mức thấp nhất thiệt hại do cơn bão gây ra, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Xuân Ký đã yêu cầu các ngành, địa phương dừng tất cả các cuộc họp không cần thiết để tập trung triển khai các biện pháp phòng chống bão theo các chỉ đạo của Trung ương và của Tỉnh ủy, UBND tỉnh. Tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, tập trung cao nhất cho công tác phòng chống cơn bão số 2, gắn với trách nhiệm của người đứng đầu.
Đặc biệt, đối với các địa phương ven biển là Hạ Long, Vân Đồn, Cẩm Phả, Hải Hà, Đầm Hà, Tiên Yên, Móng Cái, Cô Tô yêu cầu bằng mọi biện pháp thông tin cho chủ phương tiện, ngư dân, người có hoạt động sản xuất trên biển về diễn biến của bão, hỗ trợ nhân dân về nơi tránh trú bão an toàn.
Đối với ngành Than và các địa phương có hoạt động khai thác khoáng sản phải đặc biệt tập trung chỉ đạo triển khai ngay các biện pháp đảm bảo tuyệt đối an toàn bãi thải mỏ, nhất là các bãi thải có độ cao lớn, nằm gần khu vực dân cư, thực hiện di dời người dân đến nơi an toàn; triển khai các biện pháp phòng chống bão đối với các mỏ hầm lò, mỏ lộ thiên.
Đối với các công trường đang thi công các dự án, yêu cầu chủ đầu tư, nhà thầu rà soát, kiển tra không để công nhân, người lao động ở lại các lán trại trên các khu vực đất yếu, gần sông suối.
Đồng thời, các địa phương khẩn trương triển khai các giải pháp ứng phó với hoàn lưu của cơn bão, có thể gây mưa to, kéo dài, tiềm ẩn nguy cơ ngập lụt, sạt lở đất, nhất là các địa phương miền núi, ven biển và khu vực có hoạt động khai thác khoáng sản. Bố trí người trực 24/24 giờ ở những vị trí ngập sâu, nước chảy siết, sạt lở, kiên quyết không cho người, phương tiện qua lại; rà soát, vận động nhân dân tạm di dời xa các vị trí kè chắn đất tự xây dựng không đảm bảo an toàn...
Theo dự báo, khoảng gần sáng ngày 11/8 bão số 2 sẽ đi vào đất liền các tỉnh từ Quảng Ninh đến Nam Định. Trong đêm 10/8 và ngày 11/8, khu vực ven biển Quảng Ninh - Ninh Bình nhiều khả năng có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9. Trên đất liền, từ chiều tối ngày 10/8 đến khoảng ngày 12/8, khu vực Bắc Bộ, Thanh Hóa, Nghệ An có mưa vừa, mưa to và dông, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến từ 100-200mm/đợt, có nơi trên 250mm/đợt. Đề phòng nguy cơ ngập úng ở vùng trũng, thấp, các khu đô thị, lũ quét và sạt lở đất ở vùng núi...
Để chủ động đối phó, phòng chống cơn bão số 2, thực hiện các chỉ đạo của Trung ương và tỉnh, ngay khi có tin khẩn cấp về cơn bão, các ngành, địa phương của tỉnh đã nhanh chóng triển khai nhiều biện pháp để phòng chống nhằm giảm thiểu thiệt hại do cơn bão gây ra. Nhất là các địa phương ven biển đã chủ động các biện pháp ứng phó, như ban hành các văn bản chỉ đạo, thông tin rộng rãi đến người dân, tập trung rà soát các công trình hồ đập, đê, kè, phương tiện, các khu vực có nguy cơ cao bị ảnh hưởng của bão, sẵn sàng các phương án phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn sát với thực tế địa bàn. Đồng thời kêu gọi tàu, thuyền vào nơi tránh trú bão an toàn. Ngành GT-VT cũng đã tạm ngừng cấp phép hoạt động cho các phương tiện du lịch biển, lưu trú qua đêm tại các điểm du lịch trên biển kể từ 12 giờ ngày 10/8/2022, để đảm bảo an toàn cho du khách.
Đặc biệt, các đồng chí lãnh đạo tỉnh cùng lãnh đạo các sở, ngành liên quan cũng đã đi kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng chống cơn bão ở một số địa bàn trọng điểm trên địa bàn tỉnh, nhất là các địa phương có biển. Qua kiểm tra, đã yêu cầu các địa phương, lực lượng chức năng khẩn trương đưa toàn bộ người dân trên các lồng bè nuôi trồng thủy sản lên bờ trước khi cơn bão đổ bộ vào địa bàn để đảm bảo an toàn tính mạng...
Đây là cơn bão có tốc độ di chuyển rất nhanh, diễn biến phức tạp, hoàn lưu có lượng mưa lớn, do vậy các cấp, các ngành và người dân không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác mà cần chủ động, tích cực thực hiện, triển khai các chỉ đạo của cấp trên, ngành chức năng về các giải pháp phòng chống, để giảm đến mức thấp nhất những tác động, ảnh hưởng do cơn bão gây ra...
Ý kiến ()