Chống khai thác hải sản bất hợp pháp, quyết tâm gỡ thẻ vàng
Nhằm gỡ thẻ vàng cho ngành Thuỷ sản, từ ngày 1/9/2023, Quảng Ninh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương liên quan thực hiện đợt cao điểm ra quân xử lý tàu cá khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) trên vùng biển của tỉnh. Đây là động thái quyết liệt, nghiêm khắc của Quảng Ninh nhằm cùng các địa phương có biển trên cả nước gỡ thẻ vàng cho ngành thủy sản Việt Nam.
Thực hiện đợt cao điểm kiểm tra các quy định về IUU, các lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh đã liên tiếp phát hiện, xử lý nhiều trường hợp tàu khai thác thuỷ sản vi phạm. Đơn cử như trong lúc tuần tra, kiểm soát tại khu vực vùng biển thuộc địa phận xã Cái Chiên, huyện Hải Hà, Đoàn Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các lực lượng chức năng huyện Hải Hà phát hiện, bắt giữ 4 tàu cá đang khai thác thủy, hải sản trái phép trên vùng biển huyện Hải Hà, gồm: HP-2477-TS do Trần Văn Ngũ, sinh năm 1984, trú tại phường Hòa Nghĩa, quận Dương Kinh, TP Hải Phòng, điều khiển; HP-1069-TS do Bùi Quốc Sự, sinh năm 1983, trú tại phường Hải Thành, quận Dương Kinh, TP Hải Phòng, làm chủ; HP-1140-TS do Bùi Đình Trung, sinh năm 1994, trú tại phường Bàng La, quận Đồ Sơn, TP Hải Phòng, làm chủ; HP-3695-TS do Hoàng Văn Lâm, sinh năm 1984, trú tại xã An Lư, huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng, làm chủ. Các tàu cá này sử dụng ngư cụ cào để khai thác thủy sản trái phép trên biển. Các lực lượng chức năng xử phạt các chủ phương tiện theo quy định với tổng số tiền 130 triệu đồng và thu giữ 4 chiếc cào sắt và hơn 4 tấn sò nhám để thả về môi trường tự nhiên.
Tiếp đó, Đồn Biên phòng Cửa khẩu cảng Vạn Gia cũng bắt giữ 4 tàu khai thác thủy sản trái phép, đánh bắt sai vùng, gồm: QN-0349TS do Vũ Văn Cảnh, SN 1972, điều khiển; QN-10005TS do Nguyễn Văn Bình, SN 1979, điều khiển; QN-00017 do Vũ Văn Hiệu, SN 1993, điều khiển; QN-90560 TS do Dương Văn Thường, SN 1991, điều khiển. Cả 4 phương tiện đều thuộc phường Phong Cốc, TX Quảng Yên. Đồn Biên phòng Cửa khẩu cảng Vạn Gia đã lập biên bản xử lý vụ việc theo quy định của pháp luật.
Thực hiện cao điểm tăng cường công tác quản lý khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) trên địa bàn tỉnh, từ đầu tháng 9 đến nay, Hải đội 2 Biên phòng đã tiến hành kiểm tra, phát hiện, xử lý 19 vụ/20 phương tiện/49 đối tượng vi phạm các quy định của pháp luật trong hoạt động khai thác thuỷ sản; xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền 52 triệu đồng và tịch thu nhiều tang vật. Không chỉ tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử phạt, lực lượng biên phòng Hải đội 2 còn đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn, phổ biến cho các chủ phương tiện tàu cá, ngư dân về các quy định của pháp luật trong quản lý tàu cá; quy định về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản; quy định về chống đánh bắt hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định; quy định về cấm sử dụng điện, nghề cấm, ngư cụ cấm, vùng cấm khai thác thuỷ sản...
Nhằm quyết tâm cùng cả nước gỡ thẻ vàng thuỷ sản, UBND tỉnh Quảng Ninh đã chỉ đạo 9 địa phương có biển đẩy nhanh việc đăng ký, đăng kiểm, cấp giấy phép khai thác của toàn bộ tàu cá theo quy định; xử lý nghiêm các chủ tàu cá khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định. Các địa phương có biển nắm bắt sát diễn biến khai thác thuỷ sản, người đứng đầu địa phương chịu trách nhiệm khi để xảy ra vi phạm về IUU. Từ ngày 1/9, các sở, ban, ngành, địa phương liên quan đã tổ chức ra quân xử lý vi phạm IUU. Ngư dân, chủ phương tiện không chấp hành nghiêm việc đăng ký, đăng kiểm, khai báo theo quy định thì sản phẩm thủy sản khai thác được coi là bất hợp pháp, sẽ tịch thu phương tiện, sản phẩm theo đúng quy định...
Thực hiện đợt cao điểm xử lý tàu cá khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), việc đăng ký, đăng kiểm tàu cá, cấp giấy phép khai thác thuỷ sản... ở các địa phương có chuyển biến tích cực. Chủ các phương tiện tàu, thuyền đã chủ động tìm hiểu các quy định về IUU để không vi phạm khi khai thác thuỷ sản.
Dự kiến tháng 10/2023, Đoàn Thanh tra của Ủy ban châu Âu EC sẽ tiến hành đánh giá lần thứ 4 về thực hiện các biện pháp chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) của Việt Nam. Đây là cuộc kiểm tra quyết định thủy sản Việt Nam có gỡ được thẻ vàng sau 6 năm bị cảnh báo. Trường hợp bị áp thẻ đỏ, thiệt hại xuất khẩu riêng sang EU có thể lên tới 518 triệu USD mỗi năm. Về lâu dài, nếu thẻ đỏ kéo dài từ 2-3 năm, toàn bộ ngành sẽ bị ảnh hưởng. Cụ thể, ngành khai thác và chế biến hải sản khai thác sẽ giảm ít nhất 30% so với công suất hiện tại. Không chỉ mất thị phần, nếu bị áp thẻ đỏ còn ảnh hưởng đến hoạt động của 60 nhà máy đang tham gia xuất khẩu vào thị trường EU cũng như những ngư dân làm ăn chân chính, đồng thời ảnh hưởng đến nỗ lực xây dựng nghề cá hiện đại của quốc gia.
Có thể thấy, nếu không gỡ được thẻ vàng thì thiệt hại cho ngành thuỷ sản Việt Nam là rất lớn. Chính vì vậy rất cần sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa, quyết tâm hơn nữa đến từ các bộ, ban, sở, ngành, địa phương liên quan, cùng sự chung tay, góp sức thực hiện nghiêm các quy định IUU của các chủ tàu, ngư dân, qua đó sớm gỡ thẻ vàng để ngành thuỷ sản phát triển bền vững, đóng góp tăng trưởng cho phát triển kinh tế - xã hội.
Ý kiến ()