
Chống gian lận thi cử
Những ngày này, cả xã hội đang cùng hướng về Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11. Đây là dịp để các thế hệ học trò thể hiện sự tri ân với lớp lớp thầy cô giáo, thể hiện truyền thống “Tôn sư, trọng đạo” của dân tộc ta. Và đây cũng là dịp để ngành Giáo dục nhìn lại chặng đường đã đi, qua đó phát huy những gì tốt đẹp; rút kinh nghiệm, sửa chữa những hạn chế, thiếu sót còn mắc phải.
Hẳn chúng ta chưa quên vụ lùm xùm trong Kỳ thi THPT quốc gia 2018. Câu chuyện buồn xảy ra ở Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình… khiến không ít thế hệ giáo viên tâm huyết với nghề, học sinh, phụ huynh đau lòng. Năm học 2018-2019 đã đi được gần nửa chặng đường. Và để chuẩn bị tốt cho Kỳ thi THPT quốc gia 2019, “bịt” những lỗ còn hổng trong thi cử, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang gấp rút bàn thảo để đưa ra những giải pháp hữu hiệu, “liều thuốc” đặc trị cho vấn đề này.
Một trong những giải pháp đó là Bộ sẽ điều chỉnh, rút kinh nghiệm tại các khâu công tác tổ chức thi, chú trọng khâu chấm thi theo hướng tăng cường các biện pháp phòng, chống gian lận thi cử. Đặc biệt, đối với công tác chấm thi trắc nghiệm, Bộ dự kiến sẽ tổ chức chấm tập trung, các phòng chấm cũng như tủ chứa đề thi và bài thi sẽ được đặt camera giám sát 24/24 giờ. Phần mềm chấm thi trắc nghiệm được sửa đổi, nâng cấp theo hướng phân quyền cụ thể và mã hóa dữ liệu để tránh người dùng can thiệp. Như vậy, cán bộ xử lý bài thi không thể biết được mối liên hệ giữa thông tin cá nhân thí sinh với nội dung trả lời trắc nghiệm là đánh phách điện tử phiếu trả lời trắc nghiệm. Đối với công tác coi thi, các tỉnh tiếp tục tổ chức một hội đồng thi do sở giáo dục và đào tạo chủ trì, điều động cán bộ giảng viên trường đại học - cao đẳng tham gia phối hợp theo nguyên tắc các trường địa phương nào thì không tham gia phối hợp tại địa phương đó.
Riêng về đề thi, Bộ sẽ tiếp tục bổ sung, hoàn thiện, nâng cao chất lượng ngân hàng câu hỏi thi làm cơ sở để xây dựng đề thi đáp ứng tốt hơn mục đích, yêu cầu của kỳ thi THPT quốc gia, đảm bảo tính phân hóa hợp lý để đánh giá học lực của học sinh. Nội dung đề thi sẽ nằm chủ yếu trong chương trình THPT, đặc biệt là lớp 12 để đảm bảo phù hợp với năng lực học sinh, có độ phân hóa phù hợp; quy trình xây dựng đề thi chính thức sẽ được chú trọng cải tiến khâu phản biện và thẩm định để đảm bảo đề thi phù hợp với yêu cầu kỳ thi THPT quốc gia cả về độ khó và độ cân bằng giữa các mã đề.
Với những thay đổi trên, nhiều người cho rằng việc ứng dụng công nghệ vào khâu coi thi như lắp camera giám sát là phương pháp lý tưởng để chống gian lận. Tuy nhiên, Bộ cũng nên chú ý đến các yếu tố như tiêu chí lựa chọn, sử dụng cán bộ phục vụ kỳ thi, bởi yếu tố con người sẽ quyết định phần lớn sự thành công của kỳ thi.
Tổ chức tốt các kỳ thi nói chung, kỳ thi THPT quốc gia nói riêng là mong muốn của toàn xã hội. Và đó cũng là một trong những việc làm thiết thực nhất để tri ân những công lao, cống hiến của các thầy cô giáo.
Thái Bình
Ý kiến ()