
Chúng tôi là người lính Tiểu đoàn 406 anh hùng
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, hàng vạn người con Quảng Ninh đã lên đường tòng quân "Xẻ dọc Trường sơn đi cứu nước". Trong đoàn quân ấy có Tiểu đoàn 406 Đặc công - Kon Tum D406, gồm gần 600 cán bộ, chiến sĩ người Quảng Ninh đã được bổ sung, anh dũng bán trụ chiến đấu 8 năm từ 1967-1975 lập nên nhiều chiến công vang dội. Tiểu đoàn và nhiều cá nhân được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (LLVTND). Báo Quảng Ninh trích giới thiệu hồi ký của CCB Phạm Hồng Thái, người tham gia hàng trăm trận đánh của đơn vị tại mặt trận Tây Nguyên.
Chấp hành chỉ thị của Bộ Quốc phòng, tháng 7/1967, Bộ Tư lệnh Hải quân kiêm Quân khu Đông Bắc khẩn trương điều động cán bộ thành lập Trung đoàn 127 đứng chân trên dãy Yên Tử. Tiểu đoàn 9 là đơn vị đầu tiên thuộc Trung đoàn được thành lập cùng ngày với Trung đoàn (ngày 29/7).
Tiểu đoàn 9 đảm nhận trọng trách là đơn vị chủ công đột phá và đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ dẫn đầu các phong trào xứng đáng với sự tin yêu của Trung đoàn, Bộ Tư lệnh Quân khu của ngành Than cũng như của nhân dân các dân tộc tỉnh Quảng Ninh. Ngày 18/1/1968, Tiểu đoàn làm lễ xuất quân, nhận cờ giải phóng, mang phiên hiệu Đoàn 341, bắt đầu hành quân vào chiến trường với quân số 622 cán bộ, chiến sĩ. Sau hơn 3 tháng hành quân khẩn trương, theo đường mòn Hồ Chí Minh, Tây Trường Sơn, đơn vị đã vào đến vị trí tập kết tại ngã ba Đông Dương với 100% quân số. Từ đây quân số của đơn vị được Bộ Tư lệnh mặt trận Tây Nguyên tiếp nhận điều động bổ sung cho các đơn vị như: Tiểu đoàn 406 đặc công, Trung đoàn 66 và một số đơn vị kỹ thuật khác, trong đó chủ yếu là bổ sung cho Tiểu đoàn 406.

Tiểu đoàn 406 đặc công Kon Tum mặt trận Tây Nguyên được thành lập cùng với thời gian thành lập binh chủng đặc công 19/3/1967. Đơn vị được giao nhiệm vụ đánh địch trên địa bàn Kon Tum - Bắc Tây Nguyên. Đơn vị tiền thân của đơn vị là D9 E127 Quân khu Đông Bắc, gồm toàn bộ là con em Vùng mỏ bất khuất cùng quê hương Bạch Đằng Giang lịch sử. Năm 1967 chúng tôi cầm súng ra đi hẹn với quê hương ngày chiến thắng trở về. Trải qua 8 năm đánh Mỹ (1968-1975) cho đến ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam đã có 516 đồng chí D9 E127 cùng 180 người con Vùng mỏ của D406 đã chiến đấu và hy sinh làm rực rỡ thêm truyền thống miền đất bên dòng sông Bạch Đằng anh hùng.
Từ khi thành lập đến khi hoàn thành nhiệm vụ giải phóng đất nước, D406 đặc công Kon Tum đã đánh trên 100 trận lớn nhỏ chủ yếu là tập kích, loại khỏi vòng chiến hơn 6.000 tên, trong đó tiêu diệt hơn 2.500 tên (có hơn 500 Mỹ và 1 trung đội lính Pắc Chung Hy) đánh thiệt hại nặng 4 tiểu đoàn, 15 đại đội, hàng chục trung đội, phá hủy 53 máy bay, hơn 100 xe quân sự; đánh phá hủy nhiều lô cốt căn cứ của địch. Đơn vị 406 đã hy sinh 312 đồng chí, mất tích 96 đồng chí trong đợt tổng tấn công nổi dậy Tết Mậu Thân 1968. Không kể các trận đánh trong Tết Mậu Thân 1968, trận đánh tiêu diệt căn cứ Lôi Hổ, trại huấn luyện biệt kích của Mỹ-Ngụy tháng 4/1970 là một chiến thắng vang dội của cán bộ, chiến sĩ tiểu đoàn lúc bấy giờ.

Căn cứ huấn luyện biệt kích Lôi Hổ, mà địch gọi là căn cứ B15, chuyên huấn luyện biệt kích, thám báo tung ra vùng giải phóng, các tuyến đường, cánh rừng trên rừng Trường Sơn để thu thập tin tức. Tiền thân của căn cứ này là tiểu đoàn Commando của Pháp đóng tại huyện Tiên Yên, Quảng Ninh trước đây. Năm 1954, miền Bắc hoàn toàn được giải phóng tiểu đoàn này chuyển vào Nam theo địch. Căn cứ Lôi Hổ cách thị xã Kon Tum gần 4km về hướng Tây Nam, là nơi đóng quân, huấn luyện của tiểu đoàn biệt kích thường xuyên có trên 500 tên, được bảo vệ bởi 20 lớp rào thép gai và mìn hỗn hợp, nhiều lô cốt bảo vệ xung quanh. Bọn địch luôn huênh hoang coi đây là căn cứ bất khả xâm phạm.
Bộ Tổng tham mưu giao nhiệm vụ tiêu diệt căn cứ Lôi Hổ cho Tiểu đoàn đặc công 406. Đơn vị nhận lệnh và bắt tay vào chuẩn bị chiến trường. Hơn 2 tháng lặn lội trinh sát nhưng không vào được căn cứ, tổ trinh sát do đồng chí Hụt (tức Thông) quê ở Quang Hanh, Cẩm Phả, kết hợp với đội biệt động trừ khử ác ôn H5 của Thị đội Kon Tum làm công tác vận động được 1 cơ sở người Quảng Nam - Quảng Ngãi, hằng ngày nhận cung cấp rau quả thực phẩm cho căn cứ. Cơ sở chỉ dám nói bâng quơ “Ra bờ sông mà tìm”. Tổ trinh sát tiến hành tìm ở bờ sông Đăk Bla phát hiện 1 cửa cống ngầm đã bị gai mắc cỡ phủ kín. Các đồng chí đã tiền nhập vào trong, thấy cửa lên ở trong căn cứ nằm trong kho vật dụng nhà bếp. Đây là cửa mở duy nhất có thể tập kích được địch.
Sau khi trinh sát, đơn vị lên kế hoạch tác chiến, báo cáo với Đảng ủy Ban Chỉ huy đơn vị để phê duyệt, xin nhận nhiệm vụ tiêu diệt căn cứ Lôi Hổ lên Đoàn 260, Bộ Tư lệnh B3, Bộ Tổng tham mưu; đồng thời chọn 15 đồng chí được chia làm 3 tổ. Và tất cả đều là con em Vùng mỏ Quảng Ninh, lên sa bàn, lập thực địa và ngày đêm luyện tập chờ ngày chiến đấu, mỗi tổ, mỗi người được giao nhiệm vụ cụ thể tiêu diệt từng mục tiêu. Tổ 1 có 4 đồng chí do đồng chí Nguyễn Xuân Việt người ở Cao Xanh làm tổ trưởng có nhiệm vụ tiêu diệt khu thông tin, Ban Chỉ huy hỗn hợp Mỹ - Ngụy và làm pháo lệnh cho trận đánh. Tổ 2 gồm 6 đồng chí do đồng chí Chu Văn Mật làm tổ trưởng, có nhiệm vụ diệt 2 xe tăng ngay từ đầu. Đánh chiếm bãi đậu xe, sau đó đánh vào kho tàng và đánh địch chi viện tại chỗ. Tổ 3 có 5 đồng chí do đồng chí Quế làm tổ trưởng có nhiệm vụ đánh vào 4 dãy nhà lính. Trực tiếp chỉ huy trận đánh là đồng chí Lê Văn Tán, Đại đội trưởng. Chỉ huy chung là đồng chí Nguyễn Văn Mão, Tỉnh đội phó Tỉnh Đội Kon Tum.
Kế hoạch tác chiến được cấp trên phê duyệt, đồng thời với đó cấp trên giao cho các đơn vị bạn đánh vào căn cứ xung quanh để chia lửa và bảo vệ các đồng chí tham gia đánh căn cứ Lôi Hổ. Trước giờ xuất kích đơn vị làm lễ và trao khăn quàng quyết tử cho từng đồng chí.
Đêm 31/3 rạng sáng ngày 1/4/1970 đơn vị tiền nhập theo con đường cống ngầm vào căn cứ. Trong quá trình tiếp cận mục tiêu, cán bộ, chiến sĩ trong đội phải khắc phục các cọc sắt mà địch mới đóng chặn cửa ngầm. Đúng 2 giờ 30 rạng ngày 1/4/1970, khối bộc phá do đồng chí Nguyễn Xuân Việt phát nổ vào ban chỉ huy hỗn hợp Mỹ - Ngụy, hàng loạt thủ pháo đánh dồn dập vào các dãy nhà lính. Các kho vũ khí, quân trang, quân dụng, khu để máy bay và xe bọc thép, bọn địch bất ngờ không kịp phản ứng. Tất cả các mục tiêu địch bị tấn công hàng loạt và bị tiêu diệt hoàn toàn. Các căn cứ 40-41, sân bay Kon Tum, các đồn bốt xung quanh cũng bị đơn vị bạn tấn công, thị xã Kon Tum sáng rực lửa đạn.
Trong vòng 30 phút ta đã tiêu diệt hoàn toàn ban chỉ huy hỗn hợp Mỹ - Ngụy, diệt hơn 500 tên lính trong đó có 5 cố vấn quân sự Mỹ cùng 1 trung đội lính Pắc Chung Hy, phá hủy 1 máy bay lên thẳng, 12 xe GMC, 2 xe bọc thép, 2 khu kho, san bằng toàn bộ căn cứ. Toàn đơn vị rút ra an toàn, ta bị thương nhẹ một đồng chí. Trên đường rút quân ra ta còn bắt được 2 tên lính Bảo An, sau khi giải thích chính sách của mặt trận giải phóng ta đã phóng thích tại chỗ. Căn cứ Lôi Hổ chỉ có 7 tên lính sống sót chạy về được tới thị xã Kon Tum.

Tổng kết trận đánh toàn thắng cả đơn vị được thưởng Huân chương Chiến công giải phóng hạng Nhì, mỗi cá nhân được thưởng 1 Huân chương Chiến công giải phóng hạng Ba, đồng chí Nguyễn Xuân Việt, tổ trưởng tổ 1, đã được đề bạt lên đại đội trưởng C209, là cánh chim đầu đàn của tiểu đoàn, là chiến sĩ thi đua của mặt trận Tây Nguyên, sau này hy sinh được truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Đây là một trong những trận đánh tiêu biểu của tiểu đoàn mà những người tham gia chủ yếu là con em trong tỉnh Quảng Ninh và được Bộ Tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam gửi thư khen.
Trải qua 7 năm (từ 1968 đến 1975), Tiểu đoàn đặc công 406 với nòng cốt là chiến sĩ Vùng than đã trực tiếp chiến đấu cho đến thắng lợi cuối cùng trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Dù ở bất cứ cương vị nào, cán bộ, chiến sĩ của Tiểu đoàn 9 năm xưa cũng có tư tưởng kiên định vững vàng, sẵn sàng chiến đấu, vượt qua mọi khó khăn thử thách, trưởng thành về mọi mặt, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp giải phóng Tây Nguyên, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Phần lớn trong số đó đều là đảng viên, trong đó có nhiều đồng chí nhanh chóng trưởng thành trở thành cán bộ chỉ huy từ cấp phân đội cho đến tiểu đoàn.
Nhiều anh em được tặng danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ, chiến sĩ thi đua từ cấp cơ sở đến cấp mặt trận, quân khu, quân đoàn, được Nhà nước tặng thưởng nhiều huân huy chương chiến công các hạng. Trong đó có những tấm gương liên tục đạt thành tích xuất sắc trong chiến đấu và đã hy sinh anh dũng và được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân như đồng chí Nguyễn Xuân Việt, nguyên công nhân mỏ Hà Lầm.
Số cán bộ, chiến sĩ hy sinh ở chiến trường là rất lớn (vào khoảng 2/3 quân số). Hầu hết số anh em trở về đều mang thương tật, bị nhiễm chất độc da cam hoặc mắc bệnh hiểm nghèo. Đó là minh chứng cho sự cống hiến hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc của hơn 600 cán bộ, công nhân, con em nhân dân Vùng mỏ trong đội hình chủ lực tập trung đầu tiên của tỉnh Quảng Ninh chi viện cho chiến trường miền Nam.
Sau ngày đất nước thống nhất, số lượng cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 9 trở lại Quảng Ninh và các tỉnh lân cận cư trú, công tác còn lại được khoảng 130 người. Thể theo nguyện vọng của anh em, ngày 30/7/1995, cuộc gặp đầu tiên sau 28 năm nhập ngũ, đã được tổ chức tại huyện Yên Hưng (nay là TX Quảng Yên). Tại đây, anh em đã quyết định thành lập Ban Liên lạc Tiểu đoàn 9 và đã chọn ngày nhập ngũ 27/7 là ngày truyền thống của đơn vị.
Ý kiến ()