
Chia sẻ yêu thương với người khiếm thính
Gần 10 năm đi vào hoạt động, CLB Người Điếc Quảng Ninh đã trở thành mái nhà chung của hơn 80 người khuyết tật (NKT) nghe, nói trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, mở ra tương lai cho nhiều mảnh đời bất hạnh bằng việc trao cơ hội cho họ bước chân vào thị trường lao động.
Tỉnh Quảng Ninh hiện có khoảng 22.000 NKT. Dù chưa có cuộc điều tra xã hội cụ thể, tuy nhiên thực tế tỉ lệ NKT trong độ tuổi lao động có việc làm hiện vẫn còn rất thấp. Không chỉ rơi vào tình trạng thất nghiệp, nhiều NKT còn trở thành nạn nhân của bạo lực gia đình, bị cô lập, bị coi là gánh nặng...
Xuất phát từ thực tiễn đó, ngày 29/5/2016, CLB Người Điếc Quảng Ninh được Trung tâm Công tác xã hội tỉnh thành lập, với mục tiêu chung là tạo điều kiện để người điếc hỗ trợ nhau trong học tập, làm việc và cuộc sống; phấn đấu vươn lên trở thành những công dân có ích cho gia đình và xã hội; đồng thời thúc đẩy việc thực hiện Luật Người Khuyết tật Việt Nam và Công ước Quốc tế về Quyền của Người khuyết tật nhằm góp phần xây dựng một xã hội hòa nhập, không rào cản vì quyền của người điếc.
Hàng quý, CLB tổ chức những buổi tập huấn nâng cao kiến thức và kỹ năng tạo dựng việc làm cho NKT. Nội dung tập huấn bao gồm các kỹ năng thiết thực giúp người khuyết tật nghe nói có thể tạo dựng việc làm, như: Xây dựng hồ sơ xin việc, tìm kiếm thông tin tuyển dụng; ứng dụng công nghệ trong tìm kiếm và duy trì việc làm; phương pháp tiếp cận và sử dụng dịch vụ việc làm. Ngoài ra, lớp học còn lồng ghép các kiến thức chung về dịch vụ xã hội, hướng dẫn kỹ năng tiếp cận và sử dụng các dịch vụ hỗ trợ khác khi có nhu cầu.

Theo chị Đỗ Thị Lệ, Trưởng phòng Truyền thông và Phát triển Cộng đồng, Trung tâm Công tác xã hội tỉnh, Chủ nhiệm CLB Người Điếc Quảng Ninh, các đợt tập huấn không chỉ trang bị kiến thức về thị trường lao động và khả năng sử dụng ngôn ngữ ký hiệu, mà còn tạo sân chơi kết nối cho người điếc – nhóm đối tượng thường gặp rào cản giao tiếp. "Nhiều bạn trước đây không thể viết thành câu hoàn chỉnh, nhưng sau khi tham gia, khả năng ngôn ngữ ký hiệu và viết tiến bộ rõ rệt, giúp các em tự tin hơn khi tiếp cận dịch vụ việc làm", chị Lệ nhấn mạnh.
Anh Trần Đình Lợi, Phó Chủ nhiệm CLB Người Điếc Quảng Ninh, đồng thời cũng là một người khuyết tật nghe nói. Sinh ra với khiếm khuyết song không vì thế mà anh ngừng nỗ lực vươn lên trong cuộc sống. Năm 2015, anh bắt đầu xin học nghề cắt tóc nhưng sau khoảng 8 tháng thì nghỉ vì gặp khó khăn trong giao tiếp. Năm 2016, anh được nhận vào tiệm cắt tóc có người hướng dẫn cũng là người điếc. Nhờ vậy, anh học nghề trong vòng một năm và hoàn thành khóa học. Năm 2017, anh chính thức mở tiệm tóc riêng mang tên Hair Salon Trần Lợi và làm chủ cùng vợ cho đến nay.
“Khách biết tôi là người điếc nên tôi dùng điện thoại để giao tiếp. Tôi gõ nội dung trao đổi và cho khách xem mẫu ảnh kiểu tóc trên điện thoại. Nhờ đó, khách hiểu rõ yêu cầu và lựa chọn kiểu tóc dễ dàng. Thu nhập của tôi dao động khoảng 6 đến 9 triệu đồng mỗi tháng, tùy thuộc vào lượng khách hàng ít hay nhiều”, anh Lợi cho biết.
Mặc dù đạt được một số kết quả nhất định, song việc dạy nghề, tạo việc làm cho NKT câm điếc trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh nhìn chung vẫn còn hạn chế. Số lượng cơ sở đào tạo ít, trong khi nhiều doanh nghiệp vẫn e dè tuyển dụng do định kiến. Bản thân người khuyết tật thường gặp khó khăn về tài chính và khả năng tiếp cận các cơ hội việc làm do tự ti, thiếu kỹ năng... Nhiều trường hợp đã có việc làm tại doanh nghiệp song lại được đào tạo nghề theo hình thức truyền thống, chưa có các phương tiện giao tiếp phù hợp thông qua ngôn ngữ ký hiệu hoặc người phiên dịch. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến hiệu quả đào tạo mà còn làm giảm sự tự tin, gây tâm lý chán nản, một số trường hợp thậm chí dẫn đến bỏ dở công việc giữa chừng.
Nhằm giải quyết thách thức về việc làm, năm 2025, Trung tâm dự kiến sẽ triển khai mô hình dạy nghề vẽ ứng dụng trên sản phẩm làng nghề (nón lá, túi vải...) cho 15 - 20 người khuyết tật. Sau đào tạo, học viên sẽ được kết nối với cửa hàng lưu niệm, hợp tác xã để tiêu thụ sản phẩm. "Chúng tôi muốn tạo chuỗi cung ứng bền vững, giúp các bạn có thu nhập và khẳng định mình không phải 'gánh nặng'”, chị Lệ chia sẻ thêm. Đồng thời, Trung tâm sẽ ứng dụng công nghệ số để xây dựng nền tảng kết nối việc làm trực tuyến, giúp người điếc ở vùng xa hơn như Móng Cái, Hải Hà,... dễ dàng tiếp cận cơ hội.
Để xóa bỏ những rào cản giúp người khuyết tật tìm được công việc phù hợp, thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh đã có nhiều nỗ lực trong việc hoàn thiện hệ thống chính sách hỗ trợ người khuyết tật theo hướng linh hoạt, thực tế hơn. Bên cạnh đó, sự phối hợp giữa các ngành, các tổ chức xã hội và doanh nghiệp cũng ngày càng được tăng cường, từng bước góp phần xây dựng một môi trường làm việc nhân văn, lành mạnh, phù hợp với khả năng và nhu cầu đa dạng của người khuyết tật.
Ý kiến ()