Chìa khóa cho sự phát triển
Văn hoá doanh nghiệp được hiểu là những giá trị niềm tin, hình thức mà mọi người trong doanh nghiệp cùng công nhận và suy nghĩ, nói và hành động như một thói quen, giống như đời sống tinh thần và tính cách của một con người và là phần quyết định đến sự thành bại lâu dài của doanh nghiệp.
Những tầm nhìn của văn hoá doanh nghiệp gồm: Tầm nhìn, sứ mệnh, giá trị cốt lõi, triết lý kinh doanh, biểu hiện qua hai yếu tố hữu hình (khẩu hiệu, quy định, đồng phục, nghi thức, các hoạt động…) và vô hình (thái độ, phong cách, thói quen, nếp nghĩ của những con người trong tổ chức).
Tại sao phải xây dựng văn hoá doanh nghiệp? Có ý kiến cho rằng là bởi vì văn hoá doanh nghiệp là yếu tố chi phối hầu hết mọi kết quả của doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp không có văn hoá doanh nghiệp rõ ràng thì giống như con người không có định hướng mục tiêu cuộc đời và không biết đi về đâu. Các công ty lớn mạnh đều có nền văn hoá doanh nghiệp vững chắc. Tuổi đời của một doanh nghiệp có nền văn hoá doanh nghiệp vững chắc lớn hơn rất nhiều lần tuổi đời của người lãnh đạo doanh nghiệp đó.
Các chuyên gia đã nghiên cứu, chỉ ra 5 lợi ích quan trọng của văn hoá doanh nghiệp mang lại cho các doanh nghiệp đó là tuyển dụng, nhân viên trung thành, tinh thần làm việc và động lực của nhân viên, giảm xung đột doanh nghiệp, hiệu suất làm việc.
Cụ thể, người lao động, các tài năng sẽ muốn làm việc cho các công ty có danh tiếng tốt, coi nơi làm việc của họ là nhà thay vì bước đệm. Văn hoá doanh nghiệp phù hợp sẽ giúp nhân viên cảm giác mình làm công việc ý nghĩa, thúc đẩy ý thức về lòng trung thành của nhân viên. Văn hoá doanh nghiệp giúp nhân viên thấy rõ mục tiêu, định hướng và bản chất công việc mình làm, tạo ra các mối quan hệ tốt đẹp giữa các nhân viên và một môi trường làm việc thoải mái, lành mạnh. Khi thu nhập đạt đến một mức nào đó, người ta sẵn sàng đánh đổi chọn mức thu nhập thấp hơn để được làm việc ở một môi trường thoải mái, được đồng nghiệp tôn trọng hơn. Văn hoá tích cực sẽ giúp giảm đáng kể căng thẳng tại nơi làm việc, là chất keo gắn kết các thành viên của doanh nghiệp. Nó giúp các thành viên thống nhất về cách hiểu vấn đề, đánh giá, lựa chọn và định hướng hành động. Các công ty có văn hoá doanh nghiệp mạnh có xu hướng nhìn thấy nhân viên ít căng thẳng và áp lực hơn, điều này giúp củng cố cả sức khoẻ và hiệu suất làm việc của nhân viên.
Cốt lõi của văn hoá chính là giá trị của doanh nghiệp. Nhận thức được ý nghĩa ấy, những năm qua, các doanh nghiệp của Quảng Ninh đã có nhiều hơn đến việc xây dựng hình ảnh văn hoá doanh nghiệp của đơn vị mình. Có thể nhận diện rõ nhất là quy trình ở các đơn vị ngành Than, từ vào ca sản xuất đến chăm lo đời sống thợ mỏ. Khẩu hiệu của toàn ngành là “Kỷ luật và đồng tâm” tiếp tục là phương châm hành động. Toàn bộ quá trình thợ mỏ từ giao ban, điều lệnh vào ca đến bữa ăn, tắm giặt, sinh hoạt văn hoá tinh thần đã được xây dựng thành một nét văn hoá rất riêng, chỉ có ở ngành Than.
Không chỉ ngành Than, nhiều doanh nghiệp như Tổ hợp gốm Đất Việt, nhất là doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch đã coi việc xây dựng văn hoá doanh nghiệp mang tính sống còn của mình. Từ trang phục, nụ cười, thái độ nhân viên phục vụ, chất lượng dịch vụ, không khí làm việc... mang tính sống còn của doanh nghiệp. Trong môi trường mạng xã hội như hiện nay, chỉ một hành vi ứng xử thiếu văn hoá, bán hàng không đúng giá đều có thể ảnh hưởng trực tiếp tới không chỉ hình ảnh mà còn hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp.
Như trên đã nói, văn hoá doanh nghiệp là một phạm trù rộng, thậm chí có nhiều nội dung mới mẻ nhưng nó là điều cần thiết và không thể thiếu với mỗi doanh nghiệp kể từ khi khởi nghiệp. Đó là cẩm nang và cũng là cốt lõi để mỗi doanh nghiệp trên hành trình vươn tới thành công của mình.
Ý kiến ()