Tập trung phát triển thuỷ sản ở những vùng nuôi biển trọng điểm
Theo kịch bản tăng trưởng của ngành nông nghiệp tỉnh năm 2024, sản lượng thuỷ sản phấn đấu đạt và vượt 187.000 tấn. Tuy nhiên, cơn bão số 3 (Yagi) đổ bộ vào Quảng Ninh đầu tháng 9 vừa qua đã làm thiệt hại trên 43.000 tấn hải sản nuôi, trong đó có trên 21.000 tấn thuỷ sản tính trong kỳ thu hoạch. Trước thực trạng này, ngành nông nghiệp nói chung, lĩnh vực sản xuất thuỷ sản nói riêng đã và đang được khẩn trương triển khai những biện pháp sản xuất hiệu quả nhất để bù đắp thiếu hụt do thiên tai gây ra, nhằm đáp ứng kịch bản tăng trưởng như đã đề ra.
Xác định chạy đua với thời gian để tái sản xuất, kể từ trung tuần tháng 9 đến nay, với nhiều nỗ lực và bằng nhiều giải pháp, ngư dân các vùng trọng điểm NTTS trên biển của Quảng Ninh đã tập trung bảo toàn và phát triển sản lượng thuỷ sản còn lại sau bão, đồng thời huy động mọi nguồn lực để đầu tư, tiếp tục thả giống, gây dựng vụ nuôi mới.
Trong cái nắng hanh hao đầu tháng 11, trên bến thuyền Tiền Phong (TX Quảng Yên) nhóm thợ của anh Trần Văn Hải khẩn trương chằng buộc, kết nối tre tươi thành bè nuôi hàu, hà giao cho HTX NTTS Bính Quý (xã Liên Vị, TX Quảng Yên) kịp thời đưa ra biển tái vụ sản xuất. Mỗi ngày, tại bến thuyền này, hàng chục chiếc bè tre như vậy được các đội thợ hoàn thành, đáp ứng nhu cầu NTTS của ngư dân Quảng Yên.
Vùng NTTS trên biển Quảng Yên bị bão số 3 tàn phá nặng nề. Tỷ lệ thiệt hại lên đến trên 80%. Để nhanh chóng khắc phục hậu quả cơn bão, chính quyền thị xã đã tiến hành giao mặt nước cho 420 hộ dân. Khối đơn vị ngân hàng cũng khoanh nợ, giãn nợ cho gần 600 hộ, đồng thời cho vay mới đối với gần 50 hộ. Những chủ hộ NTTS trên biển của Quảng Yên trên hết dựa vào sức mình, huy động nguồn lực từ gia đình, bạn bè, khẩn trương đóng mới bè mảng, mua giống, thả giống, đặt niềm tin vào vụ mùa mới.
HTX NTTS Bính Quý là một trong những đơn vị bị thiệt hại rất nặng bởi bão số 3, bao gồm hơn 100 tỷ đồng đầu tư hạ tầng nuôi và sản lượng hàu, hà đã đến kỳ thu hoạch. Đây vốn là tài sản của cả trăm xã viên HTX. Tự bảo nhau làm lại, thành viên nòng cốt của HTX cùng bàn bạc và nhất trí tiếp tục huy động vốn, công sức để thả lứa giống mới. Hiện nay HTX NTTS Bính Quý đã đầu tư hoàn thiện hơn 20 bè nuôi mới với trị giá đầu tư trên 5 tỷ đồng; kịp thời ương dưỡng hàng vạn dây giống hàu ở những vùng nước phù hợp, nhằm sẵn sàng treo thả khi con giống đã ổn định, chính thức đi vào sản xuất trong vài ngày tới.
Tính đến ngày 10/11, toàn TX Quảng Yên đã có gần 200 hộ NTTS thả giống mới, hoặc chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện để thả giống mới.
Cùng với Quảng Yên, vùng NTTS trên biển của huyện Vân Đồn những ngày qua diễn ra rất sôi động hoạt động gia cố, đóng mới nhà bè, ô lồng bè, đóng lọc, thả giống... của cả ngàn hộ dân NTTS trên địa bàn. Vân Đồn là trọng điểm NTTS trên biển lớn nhất tỉnh, không khí khẩn trương sản xuất thể hiện ở từng hộ nuôi trồng, ở chính quyền cấp xã, cấp huyện mang đến niềm tin cho lĩnh vực sản xuất thuỷ sản toàn tỉnh.
Hiện 100% các xã có biển của Vân Đồn đều đã tiến hành rà soát và giao mặt nước biển cho người dân NTTS. Vân Đồn cũng là địa phương giao mặt nước biển sớm nhất tỉnh, kịp thời đáp ứng về mặt bằng, diện tích cho người dân sản xuất theo đúng quy hoạch. Tính đến ngày 8/10, toàn huyện đã giao trên 7.700ha mặt nước cho gần 1.200 hộ sản xuất, cũng vì thế mà người dân NTTS Vân Đồn phấn khởi vì được tiếp sức.
Ông Đỗ Văn Vẻ (xã Hạ Long) cho biết: Cả chục ha nuôi hàu của tôi ở vùng biển Ngàn Te thuộc xã Hạ Long bị thiệt hại do bão. Nhưng tôi không mãi buồn đau được khi những hộ sản xuất lân cận đều khẩn trương tái sản xuất. Tôi đã cùng các con quyết định đầu tư mới, tìm thợ, tìm phương tiện, tìm giống để thả lại xuống biển nhằm có thể dự thu vào giữa năm sau.
Theo báo cáo của UBND huyện Vân Đồn, tính đến ngày 8/11 đã có gần 400 hộ NTTS hoàn thành khôi phục giàn bè nuôi hàu và tiến hành thả giống mới trở lại, trong đó có hơn 100 HTX và gần 300 hộ dân, tổng diện tích nuôi thả mới là gần 1.000ha.
Đánh giá mới đây của Sở NN&PTNT cho thấy, tốc độ tái sản xuất NTTS trên biển toàn tỉnh từ tháng 10 đến nay rất khả quan. Ở những vùng bị ảnh hưởng nặng nề của bão, nhiều hộ dân đã nhanh chóng vượt khó, tiến hành thả giống tập trung, có hộ đầu tư lớn, bài bản, đồng bộ. Ở những vùng ít bị ảnh hưởng của bão đều duy trì sản xuất ổn định, bảo toàn số lượng thuỷ sản đang có, đồng thời mở rộng đầu tư sản xuất. Các địa phương có biển đã triển khai chính sách hỗ trợ, khuyến khích người dân sản xuất khá hiệu quả. Việc tổ chức giao mặt nước biển giúp các hộ nuôi yên tâm sản xuất lâu dài bền vững, trong khi đó địa phương quản lý đúng quy hoạch và chiến lược phát triển, khắc phục được những tồn tại trong NTTS trên biển trước đây.
Cùng với đó, các đơn vị chức năng, các mạnh thường quân cũng đã có sự hỗ trợ người dân bị thiệt hại do bão về tiền, phương tiện, thiết bị sản xuất, từ đó tiếp thêm sức mạnh, lòng quyết tâm cho ngư dân bám biển, người NTTS trên biển tiếp tục đầu tư cho biển và kỳ vọng vào những vụ sản xuất thắng lợi ở phía trước.
Ý kiến ()