Những miền quê đáng sống
Những miền quê nơi vùng Đông Bắc địa đầu Tổ quốc đang trải qua một cuộc "lột xác" kỳ diệu nhờ chương trình xây dựng NTM và Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 17/5/2021 của Tỉnh ủy. Đường làng, ngõ xóm được mở rộng, nhựa hóa, bê tông hóa sạch đẹp, điện cao áp chiếu sáng, mô hình camera an ninh góp phần giữ làng quê yên bình, đời sống nhân dân được cải thiện, đủ đầy, giàu có hơn... Những miền quê Quảng Ninh giờ đây không chỉ đẹp về cảnh sắc, mà còn ấm no, thịnh vượng, là nơi lý tưởng để người dân xây dựng cuộc sống an lành, hạnh phúc.
Nông thôn “thay áo” mới
Một ngày của nông dân Dương Thị Lụa (xã NTM kiểu mẫu Dực Yên, huyện Đầm Hà) bắt đầu bằng việc kiểm tra khu nhà trồng nấm và tưới ẩm cho các phôi nấm. Năm 2024 gia đình bà Lụa xây thêm một khu nhà để mở rộng diện tích trồng nấm, mộc nhĩ lên gần 10.000 phôi. Bà Lụa cho biết: "Nấm phát triển khoảng 1 tuần sẽ được thu hoạch, mỗi ngày tôi hái và xuất bán ra thị trường khoảng 1 tạ nấm, thu về 5-6 triệu đồng. Gia đình tôi còn duy trì nuôi hơn 1 vạn con gà mỗi năm. Thu nhập từ trồng nấm và nuôi gà gần 1 tỷ đồng/năm.
Những mô hình kinh tế gia đình cho thu nhập hàng trăm triệu đồng đến hàng tỷ đồng ngày càng nhiều ở khắp các vùng nông thôn Quảng Ninh. Đặc biệt, khi chương trình xây dựng NTM được triển khai, dưới sự đồng hành, trợ lực của chính quyền, nhiều nông hộ đã mạnh dạn phát triển những cây, con có thế mạnh, kết hợp chăn nuôi, trồng trọt theo hướng hữu cơ, an toàn, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Hộ ông Trịnh Kim Bảo (thôn Thống Nhất, xã Hải Lạng, huyện Tiên Yên) hiện có trang trại chăn nuôi gà Tiên Yên quy mô khoảng 1,5 vạn con mỗi năm. Khi chủ trương của huyện về xây dựng thương hiệu gà Tiên Yên thảo dược được triển khai, ông tiên phong tham gia. Dưới sự hướng dẫn của xã, huyện, ông tìm mua các nguyên liệu như lá quế, vụn hoa hồi, đinh hương, sa nhân về nghiền nhỏ, pha trộn với ngô, cám để làm thức ăn cho gà. Hơn 1 năm triển khai, các lứa gà của gia đình ông xuất bán đều được thương lái và người tiêu dùng phản hồi tốt về chất lượng. Mỗi năm trừ chi phí, ông Bảo thu về khoảng 500-600 triệu đồng. Dưới sự hướng dẫn của xã, ông Bảo tham gia CLB nuôi gà Tiên Yên thảo dược xã Hải Lạng để chia sẻ với nhau những kinh nghiệm về phát triển thương hiệu, đầu ra cho sản phẩm gà Tiên Yên. Ông Bảo nói: "Gà Tiên Yên đã có thương hiệu, lại được nuôi thảo dược cho thịt thơm hơn, ngon hơn. Gia đình tôi đang tiếp tục mở rộng quy mô chăn nuôi. Đầu ra thì yên tâm, ngoài sự chủ động từ gia đình, chính quyền địa phương thường xuyên quan tâm kết nối với các đơn vị tiêu thụ".
Sự trù phú từ mỗi trang trại, cánh đồng mang lại cuộc sống sung túc hơn cho người dân nông thôn Quảng Ninh. Song song với khơi dậy tinh thần tự lực, vượt khó làm giàu của người dân, các ngành, các cấp tập trung thay đổi diện mạo các vùng nông thôn, miền núi thông qua đầu tư hạ tầng giao thông, điện, nước, viễn thông…
Cuối tháng 7/2024 tuyến đường tỉnh 342 dài 20km nối TP Hạ Long - huyện Ba Chẽ (Quảng Ninh) với huyện Đình Lập (Lạng Sơn) hoàn thành. Công trình có tổng mức đầu tư hơn 800 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách tỉnh. Tuyến đường đã trở thành động lực mới cho khu vực vùng cao của tỉnh, góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu thúc đẩy liên kết vùng, từng bước kéo gần khoảng cách chênh lệch vùng miền, hướng đến mục tiêu phân bổ nguồn lực đồng đều tất cả các khu vực… Anh Lý Tài Ngân (thôn Khe Phương, xã Kỳ Thượng, TP Hạ Long) phấn khởi nói: "Có thêm tuyến đường mới, người dân chúng tôi đi lại thuận tiện hơn, mở ra nhiều cơ hội giao thương phát triển kinh tế cho bà con. Chúng tôi kinh doanh du lịch cũng kỳ vọng tuyến đường sẽ mang thêm nhiều du khách tỉnh ngoài đến Kỳ Thượng".
Đáng chú ý, dựa trên nền tảng hạ tầng kỹ thuật viễn thông được đầu tư đồng bộ, nhiều vùng đồng bào DTTS đã ứng dụng thành công CNTT, mạng Internet trong đời sống và sản xuất, trở thành những “công dân số” thực thụ. Qua đó người dân nắm bắt nhanh thông tin, chỉ đạo của huyện, của tỉnh, học được nhiều kiến thức có thể sử dụng trong cuộc sống hằng ngày. Nhiều ứng dụng CNTT được đẩy mạnh với việc cài đặt ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử, sử dụng nền tảng tư vấn khám chữa bệnh từ xa; ứng dụng bảo hiểm xã hội số (VssID); tuyên truyền tăng sự tương tác của chính quyền với cộng đồng dân cư qua các nhóm mạng xã hội facebook, zalo.
Anh Hoàng Văn Sằn (xã Hoành Mô, huyện Bình Liêu) là một trong những “công dân số” tiên phong của địa phương sử dụng công nghệ, internet vào làm du lịch. Nhờ tiếp cận, bắt nhịp vào dòng chảy chuyển đổi số trong thời đại 4.0, Homestay Hoàng Sằn hiện trở thành từ khóa tìm kiếm “hót” trên các diễn đàn du lịch, công cụ tìm kiếm của Google, Facebook, Zalo… của nhiều du khách khi đến Bình Liêu. Anh Sằn phấn khởi nói: "Hạ tầng viễn thông đến tận thôn, bản, người dân chúng tôi được hướng dẫn về chuyển đổi số, biết cách khai thác thông tin, áp dụng mạng xã hội để quảng bá, giới thiệu những cái hay, cái đẹp của đồng bào đến mọi miền. Công nghệ cũng mở đường cho du khách đến với đồng bào, mang lại thu nhập và giao lưu văn hóa".
Từ nguồn lực đầu tư của tỉnh qua chương trình xây dựng NTM và Nghị quyết số 06-NQ/TU của Tỉnh ủy "Về phát triển bền vững kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”, đã có hàng trăm công trình hạ tầng nông thôn được đầu tư, đưa vào khai thác, sử dụng, tạo sức bật cho khu vực nông thôn, miền núi. Người dân nông thôn phát huy sức mạnh nội lực, tranh thủ sự đầu tư của Nhà nước để vươn lên làm giàu; chung tay xây dựng những miền quê ngày càng trù phú, khang trang.
Nguồn lực lớn từ nhân dân
Tiên Yên là một trong 2 huyện đầu tiên của cả nước đạt chuẩn NTM nâng cao theo Bộ tiêu chí giai đoạn 2021-2025. Từ nền tảng đó, Đảng bộ huyện đang tập trung triển khai nhiều giải pháp, phấn đấu đạt đô thị loại III, trở thành trung tâm văn hóa giàu bản sắc các dân tộc vùng Đông Bắc, đáp ứng lộ trình tái lập TX Tiên Yên trước năm 2027. Những chủ trương, giải pháp mang theo quyết tâm lớn của các cấp ủy, chính quyền được đông đảo nhân dân tích cực hưởng ứng tham gia. Nổi bật nhiều hộ dân đã chủ động chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang các ngành nghề kinh doanh dịch vụ và tiểu thủ công nghiệp; nhiều công ty, doanh nghiệp, HTX liên kết sản xuất được thành lập, mạnh dạn ứng dụng công nghệ, dây chuyền sản xuất hiện đại để nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường.
Từ những giải pháp căn cơ của huyện đã tạo làn gió mới, không khí mới, tinh thần trong xây dựng NTM. Trong đó điểm nhấn là thu nhập bình quân khu vực nông thôn của huyện đạt gần 74 triệu đồng/người, cao gấp 5,4 lần so với thời điểm bắt tay xây dựng NTM năm 2010. Huyện cũng không còn hộ nghèo theo tiêu chí của trung ương. Đời sống kinh tế khấm khá, người dân càng có điều kiện thuận lợi để tham gia xây dựng đời sống văn hóa mới, cảnh quan môi trường sạch đẹp, đóng góp kinh phí, hiến đất nâng cấp cơ sở hạ tầng phục vụ dân sinh.
Thành quả ngọt ngào từ xây dựng NTM không chỉ nằm ở những giá trị hiện hữu như điện, đường, trường, trạm, cảnh quan môi trường, thu nhập nâng cao..., mà còn là sự thay đổi rõ rệt trong suy nghĩ, nhận thức của người dân vùng nông thôn. Thay vì trông chờ thụ động, hời hợt trong thi đua, hoặc né tránh trách nhiệm công việc chung, giờ đây đại bộ phận người dân đã thực sự hiểu và phát huy tốt vai trò chủ thể của mình. Ở nhiều địa phương cho thấy phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” trong xây dựng NTM đã đi vào hiện thực sinh động, rõ nét trong nhiều mô hình, công trình, phần việc cụ thể. Tinh thần chủ động và sáng tạo của cộng đồng địa phương được cổ vũ mạnh mẽ, góp phần giúp những miền quê xa xôi nhất cũng có được thành tựu đổi mới và tiến bộ đáng kể về mọi mặt.
Nội lực của nhân dân chính là yếu tố quyết định cho chương trình xây dựng NTM. Từ năm 2011 đến nay, nhân dân, cộng đồng trên địa bàn tỉnh đã đóng góp gần 18.000 tỷ đồng, chiếm 8,1% tổng kinh phí xây dựng NTM của tỉnh giai đoạn này. Người dân không những tự vươn lên làm chủ trong xây dựng NTM, thoát nghèo bền vững, mà còn hăng hái tham gia đóng góp tiền của, công sức, trí tuệ để xây dựng, kiến thiết quê hương; sử dụng chính bàn tay, khối óc, sức mạnh đoàn kết cộng đồng, cùng với lợi thế của KHCN hiện đại, chuyển đổi số toàn diện... để vươn lên làm giàu chính đáng. Nỗ lực từ mỗi cá nhân đã tổng hòa vào bức tranh NTM toàn tỉnh. Sau gần 14 năm nỗ lực, Quảng Ninh đang được trung ương xét, công nhận tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.
Sự tham gia sôi nổi, trách nhiệm của đông đảo người dân cũng đang cho thấy những chuyển biến tích cực trong giai đoạn mới. Đó là gắn xây dựng NTM với công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa giàu bản sắc Quảng Ninh. Nhìn từ cách làm của huyện Ba Chẽ, phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa có sự phát triển, đổi mới liên tục nhiều năm qua. Những mô hình, điển hình tiêu biểu về xây dựng đời sống văn hóa cơ sở không ngừng được nhân rộng, được cộng đồng các dân tộc đón nhận tích cực. Tiêu biểu như tại xã Đồn Đạc, CLB Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Dao Thanh Phán duy trì hoạt động, ngày càng lớn mạnh trong hơn 4 năm qua. Các thành viên đã trở thành sợi dây kết nối truyền thống - hiện đại, giúp khôi phục nghi lễ múa rùa, nhảy lửa của tổ tiên và gìn giữ những cuốn sách chữ Nôm Dao, là ghi chép nguyên gốc về phong tục, tín ngưỡng địa phương.
Nếu như trước đây, tốc độ phát triển đô thị hóa nông thôn được đẩy nhanh, khiến nhiều người vui mừng xen lẫn lo ngại khi cảm thấy hồn quê dường như dần dần bị đánh mất; thì giờ đây yếu tố văn hóa và đời sống tinh thần đã được quan tâm, chú trọng nhiều hơn. Cụ thể như việc các tuyến đường hoa, vườn hoa, vườn cây xanh công cộng được xây dựng nhiều hơn trong các khu dân cư; các thiết chế văn hóa cơ sở được khai thác tối đa công năng, là nơi hội họp, sinh hoạt, vui chơi, tổ chức sự kiện... giúp cho đời sống tinh thần cộng đồng dân cư càng thêm phong phú.
Mỗi cư dân vùng nông thôn là chủ thể trực tiếp tham gia vào quá trình xây dựng NTM, cũng là chủ thể thụ hưởng thành quả từ chương trình này mang lại. Hòa trong niềm vui đón năm mới 2025 với những vận hội mới, càng tự hào khi thấy hình ảnh những miền quê ấm no, trù phú tiếp tục được nối dài trên dải đất Quảng Ninh đầy tiềm năng trong kỷ nguyên mới.
Ý kiến ()