Cảnh giác với dịch cúm gia cầm
Hiện nay dịch cúm gia cầm đã xảy ra ở một vài xã, phường của tỉnh Bắc Ninh và Nam Định. Đây là những địa phương ở gần và có sự giao thương thường xuyên với Quảng Ninh, nên nguy cơ bị lây nhiễm dịch cúm gia cầm từ các địa phương này là rất lớn...
Theo cơ quan chuyên môn, từ đầu năm 2014 đến nay, tại Trung Quốc đã có hơn 100 ca nhiễm vi rút H7N9, trong đó có 25 ca tử vong. Do vậy, nguy cơ những chủng vi rút có độc lực cao như H7N9, H10N8 xâm nhập vào Việt Nam nói chung, tỉnh Quảng Ninh nói riêng là rất cao, thông qua các hoạt động buôn bán, vận chuyển lậu gia cầm và các sản phẩm từ gia cầm qua biên giới.
Trong nước, từ đầu năm đến nay, Bộ Y tế xác nhận đã có 2 trường hợp tử vong tại tỉnh Đồng Tháp và Bình Phước do nhiễm vi rút cúm gia cầm H5N1...
Hiện nay cũng đang là mùa xuân, thời tiết nóng lạnh thất thường, độ ẩm cao - là môi trường thích hợp cho dịch cúm gia cầm phát sinh, lây lan ra diện rộng.
Thực tế cho thấy, những năm gần đây, mặc dù các ngành chức năng và địa phương đã có nhiều nỗ lực trong công tác phòng, chống dịch nhưng dịch cúm gia cầm vẫn tái phát ở một số địa bàn trong tỉnh, trong đó có địa phương dịch cúm lây lan ra nhiều xã, gây thiệt hại nặng cho ngành chăn nuôi và nguy cơ ảnh hưởng đến sức khoẻ, tính mạng con người...
Trước những diễn biến phức tạp và nguy cơ của dịch bệnh, ngày 7-2 vừa qua, UBND tỉnh đã có công điện chỉ đạo tăng cường công tác phòng, chống dịch gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh. Trong đó có nội dung chủ động phòng, chống hiệu quả, không để dịch bệnh xâm nhập và lây lan vào địa bàn. Các địa phương và ngành chức năng tập trung chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch cúm gia cầm theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, của UBND tỉnh. Cụ thể là nghiêm cấm việc nhập khẩu gia cầm, sản phẩm gia cầm sống chưa qua chế biến nhiệt dưới mọi hình thức; tăng cường tuyên truyền các biện pháp phòng, chống dịch; đẩy mạnh công tác tiêm phòng vắc xin và vệ sinh tiêu độc khử trùng môi trường; hướng dẫn người dân tự áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định; tập trung mọi nguồn lực để thực hiện phòng, chống dịch, tuyệt đối không giấu dịch...
Để phòng, chống dịch hiệu quả thì một trong những nhiệm vụ quan trọng hiện nay là phải nâng cao được ý thức cảnh giác, tự đề phòng của người dân. Bởi lẽ đa số người dân hiện nay còn coi nhẹ, thờ ơ với dịch bệnh, kể cả khi dịch bệnh đã xảy ra ở rất gần. Tình trạng mua bán, giết mổ, tiêu thụ gia cầm hầu như không chú ý đến các yêu cầu về xác định nguồn gốc, kiểm dịch, chất lượng của nguồn hàng. Chính điều này là kẽ hở cho dịch bệnh có cơ hội xâm nhập, lây lan vào địa bàn.
Chúng ta đã có nhiều bài học, kinh nghiệm trong công tác phòng, chống dịch từ các năm trước. Vì vậy nó cần được vận dụng, phát huy hiệu quả trong thời điểm hiện nay, để trong năm 2014 này, địa bàn của tỉnh sạch về dịch bệnh gia súc, gia cầm...
Thanh Tùng
Ý kiến ()