Cảnh giác lừa đảo công nghệ cao
Trong thời đại công nghệ số, công nghiệp 4.0, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của ngành kinh tế số, xã hội số, công dân số thì kèm theo đó là tội phạm sử dụng công nghệ cao, lừa đảo qua mạng cũng có chiều hướng gia tăng với nhiều thủ đoạn, phương thức ngày càng tinh vi.
Điển hình như hiện tại, công nghệ AI (Artificial Intelligence) ngoài hỗ trợ con người ở rất nhiều lĩnh vực cũng như trong cuộc sống thì nó cũng là công cụ để kẻ có ý đồ xấu sử dụng vào mục đích không tốt như lừa đảo, giả mạo, bôi nhọ, thậm chí làm tin giả dạng video.
Thời gian qua rất nhiều tài khoản trên mạng xã hội facebook, zalo, instagram, twitter… đang truyền đi thông điệp cảnh giác với thủ đoạn lừa đảo mới dựa trên công nghệ AI, Deepfake với nội dung: “Những kẻ xấu đang lợi dụng công nghệ AI để tạo ra hình ảnh, sao chép giọng nói, tạo ra những cuộc gọi giả, lừa tiền người thân, gia đình, hoặc gọi điện trực tiếp cho bị hại để dựng lên những tình huống khẩn cấp cần chuyển tiền... Đã có rất nhiều vụ việc lừa đảo công nghệ AI xảy ra ở Việt Nam. Điểm chung của những thủ đoạn trên đó là tạo ra những tình huống khẩn cấp như người thân bị tai nạn cần tiền gấp để cấp cứu, người thân phạm tội bị cơ quan chính quyền bắt đang cần tiền để giải quyết, đang khó khăn trong công việc cần một khoản tiền để giải quyết nhanh rồi sẽ trả lại sau… Khi gặp những tình huống như vậy, mọi người nên xác minh lại thông tin từ những nguồn khác, từ những người đang ở gần với người yêu cầu chuyển tiền, hoặc từ chính những bệnh viện, cơ quan công an, nhà trường… tuỳ theo cuộc gọi trình bày lý do cần tiền... Thủ đoạn này hiện đang rất mới, rất tinh vi. Đề nghị mọi người nâng cao cảnh giác và chia sẻ đến người thân bạn bè để nắm và phòng ngừa”.
Từ những lan toả cảnh báo trên mạng xã hội đã góp phần nâng cao cảnh giác cho người dân khi gặp phải những tình huống bị kẻ xấu lừa đảo công nghệ cao. Tuy nhiên, với thủ đoạn sử dụng công nghệ cao, công nghệ IA, hình thức lừa đảo tinh vi, thời gian qua cũng đã có không ít người dân, đặc biệt là những người tuổi trung niên, cao niên bị “mắc bẫy” của các đối tượng lừa đảo.
Ngoài sử dụng công nghệ AI, đặc biệt là Deepfake để lừa đảo, hiện nay còn có rất nhiều hình thức lừa đảo khác như tội phạm giả danh cơ quan công an, viện kiểm sát, tòa án... gọi điện thông báo có liên quan đến các vụ án đang điều tra, mua bán ma túy, rửa tiền..., rồi yêu cầu chuyển tiền đến các tài khoản chỉ định hoặc yêu cầu cung cấp thông tin tài khoản để kiểm tra hoặc tải các đường link, phần mềm giả mạo cơ quan, nhằm đánh cắp thông tin tài khoản ngân hàng để chiếm đoạt tiền; tội phạm giả mạo là người nước ngoài thông qua mạng xã hội làm quen, rồi lấy lý do gửi quà, đồ vật giá trị, thậm chí là ngoại tệ, vàng có giá trị rất lớn nhờ nhận, quản lý, lưu giữ, sau đó giả danh là nhân viên sân bay, hải quan, thuế... yêu cầu nộp tiền cước vận chuyển, thuế, phí, tiền phạt, chi phí tiêu cực... để chiếm đoạt.
Tình hình tội phạm trên môi trường mạng, lừa đảo trực tuyến, lừa đảo công nghệ cao, công nghệ thông minh đang có chiều hướng gia tăng, diễn ra phức tạp. Cùng với sự phát triển của công nghệ thì nhiều cách thức lừa đảo mới cũng xuất hiện khiến nhiều người nhẹ dạ cả tin trở thành nạn nhân. Nhất là khi công nghệ IA, Deepfake trở nên phổ biến việc tạo cuộc gọi từ video, âm thanh, hình ảnh trở nên dễ dàng sẽ khiến nhiều người dễ bị mắc lừa hơn, nhất là những người ở độ tuổi trung niên trở lên vì mức độ am hiểu về công nghệ cao còn hạn chế. Và để không bị mắc lừa, đặc biệt là lừa đảo công nghệ cao, thì ngoài sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, mỗi người dân cần nêu cao tinh thần cảnh giác, phân tích kỹ lưỡng khi nhận được bất kỳ thông tin, lời đề nghị nào, đặc biệt từ những người xa lạ ở trên mạng hay qua điện thoại, để không bị mất tiền oan.
Ý kiến ()