Cẩn trọng với bệnh giao mùa hè thu
Thời điểm hiện tại đang là giai đoạn giao mùa hè - thu, nhiệt độ thay đổi thất thường, chênh lệch giữa ngày và đêm lớn, thường xuyên thay đổi đột ngột cùng độ ẩm không khí giảm thấp và khô hanh ở miền Bắc là điều kiện thuận lợi cho các virus, vi khuẩn phát triển, đây cũng là lý do xuất hiện các loại bệnh giao mùa hè thu.
Nhiệt độ, độ ẩm thay đổi thất thường vào những ngày giao mùa là điều kiện thuận lợi cho các loại vi khuẩn gây bệnh sinh sôi, gây các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như: Bệnh về đường hô hấp (viêm phế quản, viêm phổi, cúm mùa...), đau mắt đỏ, tay-chân-miệng, sởi, cúm, tiêu chảy do virus Rota, sốt xuất huyết...
Nhất là vào thời điểm này, khi mà học sinh đã tựu trường, học tập trung, bán trú, nội trú thì nguy cơ dịch bùng phát, lây lan dịch bệnh mùa hè thu trong trường học là rất lớn nếu không triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống.
Theo ghi nhận, hiện dịch đau mắt đỏ đã bùng phát mạnh ở một số địa phương như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Bình Phước, Gia Lai, Cần Thơ, Bà Rịa - Vũng Tàu... Hiện các tỉnh, thành phố này đã có từ hàng ngàn đến hàng chục ngàn trường hợp mắc bệnh đau mắt đỏ, trong đó đa phần là học sinh, trẻ nhỏ.
Không chỉ đau mắt đỏ mà bệnh tay - chân - miệng - một trong những bệnh truyền nhiễm dễ lây lan đối với đối tượng trẻ nhỏ, nhất là trẻ mầm non cũng đang có chiều hướng gia tăng. Các cơ sở y tế hiện cũng đang ghi nhận những ca mắc adeno virus, viêm màng não, cúm, viêm đường hô hấp như viêm phổi, viêm phế quản...
Theo các bác sĩ, việc trẻ trở lại trường học sau kỳ nghỉ hè sẽ là yếu tố thuận lợi cho việc lây lan và mắc phải dịch bệnh. Do đó, việc chủ động phòng bệnh có ý nghĩa quan trọng để bảo vệ sức khỏe cho trẻ.
Trước sự gia tăng của các bệnh giao mùa hè thu, đặc biệt là bệnh đau mắt đỏ có nguy cơ lan ra cả nước, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo người dân thực hiện tốt các biện pháp như thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng nước sạch; không đưa tay lên dụi mắt, mũi, miệng; không dùng chung vật dụng cá nhân; vệ sinh mắt, mũi, họng hàng ngày bằng nước muối sinh lý, các thuốc nhỏ mắt, nhỏ mũi thông thường; sử dụng xà phòng hoặc các chất sát khuẩn thông thường sát trùng các đồ dùng, vật dụng của người bệnh; hạn chế tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi bị bệnh đau mắt đỏ.
Người bệnh hoặc người nghi bị đau mắt đỏ cần hạn chế tiếp xúc với người khác và đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn, điều trị kịp thời. Không tự ý điều trị khi chưa có hướng dẫn của cán bộ y tế.
Các bác sĩ khuyến cáo, virus gây bệnh đau mắt đỏ có khả năng lây mạnh nhất khi xuất hiện các triệu chứng toàn phát ở thời điểm mắc, từ ngày thứ 5 đến ngày thứ 7, nhưng 3 ngày đầu mới mắc (trong giai đoạn ủ bệnh) và 3 ngày sau khỏi vẫn có khả năng lây, do đó tổng thời gian nguy cơ làm lây lan sang người khác khoảng 2 tuần. Trẻ em mắc bệnh nên nghỉ học, vì đến lớp rất dễ lây nhiễm cho các bạn.
Thời gian miễn dịch với virus đau mắt đỏ sau mắc bệnh kéo dài trong 2 tháng nên đã mắc bệnh cũng có thể tái mắc trong một vụ dịch. Đau mắt đỏ ở trẻ em thường xảy ra vào thời điểm chuyển giao mùa, lúc cơ thể của bé khá nhạy cảm nên dễ chịu sự tác động và tấn công bởi vi khuẩn bên ngoài. Việc chẩn đoán sớm và áp dụng các biện pháp phòng ngừa nhất định có thể giúp hạn chế bệnh phát tán.
Giao mùa hè thu là thời điểm dễ phát sinh dịch bệnh, nhạy cảm hơn cả vẫn là trẻ nhỏ, người già và những người đang điều trị các bệnh mãn tính khác. Chính vì vậy, các bác sĩ cũng khuyến cáo, khi trẻ bị ốm, gia đình cần đưa trẻ tới các cơ sở y tế để thăm khám điều trị đúng cách, tuyệt đối không nên tự ý điều trị, nhất là lạm dụng kháng sinh, kháng viêm, sẽ để lại những ảnh hưởng xấu về lâu dài.
Ý kiến ()