Cần tháo gỡ những khó khăn trong thu hồi các dự án chậm tiến độ
Thời gian qua, Tỉnh ủy Quảng Ninh đã ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết, thông báo, kết luận chỉ đạo, lãnh đạo công tác quản lý đất đai, thường xuyên rà soát, kiên quyết thu hồi các dự án chậm tiến độ, vi phạm pháp luật. HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 80/NQ-HĐND về một số biện pháp nhằm tăng cường công tác quản lý đất đai trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, tổ chức các cuộc giám sát chuyên đề liên quan đến việc quản lý sử dụng đất đai, quy hoạch kế hoạch sử dụng đất.
Đến ngày 31/12/2022, tỉnh Quảng Ninh đã chỉ đạo tổ chức rà soát toàn diện các dự án đã và đang thực hiện đầu tư, sản xuất kinh doanh trên địa bàn toàn tỉnh. Thông qua rà soát, xác định các dự án chậm tiến độ cần đôn đốc, cam kết tiến độ, xử lý thu hồi đất đối với các dự án vi phạm theo quy định; các dự án vi phạm chưa có quyết định giao đất thì thực hiện chấm dứt hoạt động đầu tư, hủy bỏ quy hoạch, hủy bỏ địa điểm nghiên cứu quy hoạch theo đúng quy định của pháp luật. Các dự án chậm tiến độ, vi phạm pháp luật đủ điều kiện thu hồi, Tỉnh uỷ, UBND tỉnh đã kiên quyết chỉ đạo và ban hành quyết định thu hồi đất. Kết quả giai đoạn 2010 đến hết năm 2022, UBND tỉnh Quảng Ninh đã thu hồi 456 dự án với tổng diện tích là 13.085,66ha; trong đó: Đất do hết hạn thời gian thuê đất, do tự nguyện trả lại đất là 331 dự án với diện tích 2.993,57ha; thu hồi đất do vi phạm pháp luật đất đai và thu hồi do vi phạm khác là 125 dự án với diện tích 10.155,46ha.
Sau khi thu hồi đã tiến hành bàn giao cho các địa phương quản lý chặt chẽ diện tích quỹ đất thu hồi. UBND tỉnh đã chỉ đạo UBND các địa phương căn cứ quy hoạch, căn cứ quy định của pháp luật, xây dựng phương án lựa chọn nhà đầu tư có năng lực để thực hiện dự án mới, phát huy hiệu quả sử dụng đất đai.
Việc rà soát thu hồi các dự án là việc làm rất khó khăn, phức tạp, đan xen lợi ích, nhưng với quyết tâm chính trị cao của cả tỉnh Quảng Ninh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chấp hành, HĐND tỉnh đã ban hành các nghị quyết, các chủ trương làm cơ sở để UBND tỉnh kiên quyết triển khai thực hiện. Điều cơ bản sau khi thu hồi các dự án chậm tiến độ, vi phạm pháp luật vẫn giữ được tính ổn định và môi trường đầu tư của tỉnh tiếp tục được nâng cao, tạo niềm tin cho cộng đồng doanh nghiệp khi đến Quảng Ninh đầu tư sản xuất kinh doanh thực sự.
Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 19 dự án chậm tiến độ đưa đất vào sử dụng (không sử dụng đất 12 tháng liên tục hoặc tiến độ đưa đất vào sử dụng chậm 24 tháng theo quy định), trong đó có 11 dự án trong danh sách các dự án không đưa đất vào sử dụng hoặc chậm đưa vào sử dụng tại Nghị quyết số 74/2022/QH15 của Quốc hội. Đồng thời, đã phân loại và xây dựng kế hoạch, lộ trình, làm rõ trách nhiệm, xử lý các sai phạm, tiêu cực, các tồn tại, hạn chế, thất thoát, lãng phí đối với các tổ chức, đơn vị, cá nhân liên quan của 19 dự án này.
Mặc dù đã có nhiều nỗ lực, kiên quyết xử lý các dự án chậm tiến độ, vi phạm pháp luật nhưng việc thu hồi các dự án còn nhiều khó khăn. Một số dự án đã chậm tiến độ đưa đất vào sử dụng nhiều năm, trong khi chủ đầu tư không đủ năng lực tài chính để triển khai tiếp, khi vận động các chủ đầu tư không chịu trả lại đất cho Nhà nước, nếu thu hồi ngay sẽ không đảm bảo quy trình, thủ tục theo quy định của pháp luật đất đai, phát sinh đơn thư khiếu kiện; nhưng nếu gia hạn tiến độ sử dụng đất thì dự án sẽ tiếp tục kéo dài, làm ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, gây lãng phí tài nguyên đất đai; thông thường thì các dự án này đã triển khai thực hiện được một số hạng mục công trình chính của dự án và đưa đất vào sử dụng, còn lại một số hạng mục công trình khác chưa đầu tư thực hiện, theo quy định tại điểm i, khoản 1, Điều 64 Luật Đất đai thì phải thu hồi toàn bộ dự án, chứ không thu hồi một phần diện tích của dự án, dẫn đến khó khăn trong công tác thu hồi đất đối với trường hợp này.
Mặt khác, theo quy định tại điểm i, khoản 1, Điều 64 Luật Đất đai năm 2013, các dự án chậm tiến độ sẽ được gia hạn 24 tháng, nếu sau thời gian được gia hạn vẫn không hoàn thành sẽ thu hồi và không được bồi thường. Tuy nhiên, trên thực tế rất khó thực hiện vì có một số dự án kinh doanh hạ tầng chủ đầu tư đã ký hợp đồng góp vốn với nhiều hộ dân; một số dự án sản xuất kinh doanh chủ đầu tư đã đầu tư xây dựng các công trình kiên cố hoặc thực hiện được một phần của dự án trên diện tích đất được giao (hiện trên đất có tài sản như: Nhà xưởng, máy móc, hạ tầng...), nếu thu hồi không bồi thường sẽ phát sinh đơn thư khiếu kiện đông người kéo dài, gây mất ổn định an ninh chính trị; có một số dự án đã đầu tư được một số hạng mục công trình chính và đưa đất vào sử dụng, nếu thu hồi toàn bộ dự án sẽ làm ảnh hưởng rất lớn đến cơ hội đầu tư, có thể dẫn đến phá sản hoặc mất công ăn việc làm của người lao động...
Hiện tỉnh Quảng Ninh đã có văn bản đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét báo cáo Quốc hội, Chính phủ xem xét sửa đổi quy định về thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai để đảm bảo hành lang pháp lý chặt chẽ, đảm bảo quyền lợi của Nhà nước, chủ đầu tư và người dân đã góp vốn vào dự án.
Ý kiến ()