Cách xử lý đúng khi trẻ bị bỏng
Bỏng (hay phỏng) để chỉ những tổn thương trên da, do các yếu tố nhiệt độ, bức xạ, dòng điện, hóa chất,… gây ra.
Cần lưu ý để phòng tránh các vết bỏng cũng như việc sơ, cấp cứu đúng cách, kịp thời, tránh di chứng nặng nề từ bỏng.
Những cách xử lý khác nhau
Bỏng không chỉ gây cảm giác nóng rát, mà còn làm chết các tế bào da. Đa phần tổn thương do bỏng cần thời gian để phục hồi dần. Tuy nhiên, tất cả các cấp độ bỏng đều làm tăng nguy cơ nhiễm trùng vì vi khuẩn có thể xâm nhập vào vùng da bị hở. Nhiễm trùng máu xảy ra trong những trường hợp nặng nhất, có thể dẫn tới sốc và tử vong.
Di chứng sau bỏng thường gặp nhất là các vết sẹo phì đại, sẹo lõm, sẹo lồi và sẹo co kéo. Ngoài ra, một số vết bỏng còn gây di chứng dính tổ chức, loét thiểu dưỡng hay ung thư hóa trên nền sẹo,... Mức độ nặng nhẹ của các di chứng bỏng phụ thuộc vào độ sâu, vị trí bỏng và phương pháp điều trị.
Nếu sẹo bỏng nằm ở những vùng liên quan tới vận động như khớp cánh tay, chân, bàn tay,... sẽ làm giới hạn chức năng các khớp. Ngoài ra, nếu vết sẹo do bỏng có diện tích khá rộng nên ảnh hưởng cũng khá lớn. Phức tạp nhất là sẹo bỏng ở bàn tay, đặc biệt là ảnh hưởng tới các ngón tay, khiến các ngón tay dính với nhau, khó phẫu thuật và phục hồi chức năng sau bỏng.
Ngoài vấn đề sức khỏe, hậu quả của bỏng còn là yếu tố thẩm mỹ và có thể gây ra các tổn thương về tâm lý cho bệnh nhân.
Theo ThS.BS Nguyễn Minh Hằng - Bệnh viện Nhi Trung ương, những cấp độ của bỏng được phân ra dựa trên những tổn thương mà bỏng gây ra.
Cấp độ 1: Người bệnh bị tổn thương nhẹ và vết bỏng chỉ ảnh hưởng đến lớp biểu bì da ngoài cùng. Dấu hiệu cho thấy bao gồm vùng da bị bỏng chỉ đỏ tấy nhẹ, sưng lên, bệnh nhân có đau rát, khi vết bỏng lành, da sẽ khô và có hiện tượng bong tróc. Những trường hợp này thường sẽ nhanh lành vết thương và khả năng để lại sẹo thấp.
Thông thường, bệnh nhân bị bỏng ở cấp độ 1 vẫn có thể tự chăm sóc ở nhà bằng những cách đơn giản. Tuy nhiên, với trường hợp bị bỏng ở vùng đầu gối, khuỷu tay, xương sống, vai hay cánh tay, hoặc những vùng cơ thể phức tạp khác thì nên đến gặp bác sĩ để được tư vấn, tránh những rủi ro không đáng có trong tương lai.
Cấp độ 2: Bệnh nhân bị tổn thương nghiêm trọng hơn, có hiện tượng da trở nên phồng rộp, đỏ rát, đau nhức, có mụn nước. Tình trạng mụn nước vỡ ra có thể gây tiết dịch và làm tăng nguy cơ nhiễm trùng. Chính vì thế, người bị bỏng cần được chăm sóc vết thương đúng cách để ngăn ngừa nguy cơ nhiễm trùng, đồng thời giúp cho vết thương nhanh lành hơn.
Cấp độ 3: Mức độ bỏng rất nặng và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người bệnh. Những tổn thương không chỉ ở lớp da ngoài cùng mà đã lan rộng, sâu xuống các lớp dưới da và ảnh hưởng nhiều đến dây thần kinh cũng như các cơ quan bên trong cơ thể. Nếu diện tích bỏng càng rộng thì mức độ nguy hiểm càng lớn.
Tình trạng bỏng trên 15% ở người lớn và 8% đối với trẻ em được coi là nghiêm trọng. Những biểu hiện của bỏng cấp độ 3 là da bị bỏng có thể chuyển sang màu trắng, hoặc có vùng bị xém nâu sẫm. Nếu không được điều trị sẽ để lại những di chứng nghiêm trọng. Một số trường hợp nghiêm trọng hơn khi tình trạng bỏng lan vào xương và gân.
Cấp độ 4: Bệnh nhân bị tổn thương qua da, lớp mỡ dưới da tới cơ và xương ở dưới. Có thể thấy rõ các mạch máu bị tắc nghẽn.
Theo BS Nguyễn Minh Hằng, ở các cấp độ của bỏng, mỗi trường hợp sẽ có những cách xử trí khác nhau. Ví dụ, ở cấp độ 1 thì trước hết cần vệ sinh vết thương, sau đó ngâm khoảng 5 phút dưới nước mát.
Lưu ý không chườm đá hoặc ngâm nước quá lạnh vì có thể khiến vết thương trở nên nghiêm trọng hơn.
Với cấp độ 2, cần vệ sinh vết thương và ngâm trong nước mát khoảng 15 phút. Mỗi ngày có thể đắp vải ướt lên vết bỏng khoảng 2 đến 3 phút. Dùng Ibuprofen hoặc Acetaminophen khi cần giảm đau. Có thể dùng thuốc mỡ để bôi trực tiếp lên vết bỏng và những nốt mụn nước. Dùng băng gạc khô để che lên vết bỏng. Thay băng mỗi ngày và lưu ý cần rửa tay sạch trước khi thực hiện rửa vết bỏng. Không nên gãi hay lột da vết bỏng để tránh nhiễm trùng.
“Trong trường hợp, vết bỏng gây ảnh hưởng nhiều đến các bộ phận khác trên cơ thể thì nên nhanh chóng đến các cơ sở y tế để được điều trị sớm, tránh biến chứng nguy hiểm. Khi người bệnh bị bỏng quá nghiêm trọng cần loại bỏ trang phục trên vết bỏng, không nhúng vết bỏng vào nước hay dùng thuốc bôi lên.
Sau đó, cần nhanh chóng đưa nạn nhân đi cấp cứu để được các bác sĩ xử lý kịp thời. Đặc biệt, với những trường hợp bị bỏng do điện hoặc hóa chất thì càng phải nhanh chóng đưa bệnh nhân đi cấp cứu”, bác sĩ Hằng lưu ý.
Điểm khác nhau trong sơ cứu trẻ
Đối với học sinh, trẻ em thường hiếu kỳ, tò mò, nghịch ngợm, hay tiếp xúc với những điều mới lạ xung quanh nhất là những thứ lấp lánh, ánh sáng bắt mắt, thường xuyên hoạt động chạy nhảy... khiến trẻ tăng nguy cơ bị bỏng.
Lửa, nước sôi và điện giật là những nguyên nhân gây bỏng thường gặp nhất ở trẻ em. Nhiều trường hợp khác do tiếp xúc với hóa chất, vết bỏng thường nặng nề, phức tạp hơn. Bên cạnh đó, trẻ tiếp xúc với ánh nắng Mặt trời trong thời gian dài cũng có thể bị bỏng.
Bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng - Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cho hay, độ tuổi của trẻ, vị trí, mức độ bỏng và diện tích bề mặt bỏng trên cơ thể là yếu tố ảnh hưởng đến diễn tiến của vết thương do bỏng gây ra.
Trẻ bị bỏng cần được điều trị tích cực tại bệnh viện chuyên khoa nếu diện tích vết bỏng chiếm trên 10% tổng diện tích bề mặt cơ thể hay bỏng vùng mặt, tay, chân, háng, cơ quan sinh dục hay toàn bộ cơ thể. Trẻ bị bỏng có các chấn thương đường hô hấp, ảnh hưởng đường thở, phổi. Trẻ bị bỏng có bệnh nền ảnh hưởng đến quá trình hồi phục các tổn thương do bỏng như tiểu đường, cao huyết áp, bệnh tim, bệnh thận…
Theo bác sĩ Hoàng, trường hợp bỏng nhẹ, cha mẹ có thể bôi gel hoặc thuốc mỡ dành cho da bị bỏng lên vết thương. Trường hợp bỏng nặng, trẻ có biểu hiện sốt, có thể cho trẻ dùng Acetaminophen hoặc Ibuprofen giúp giảm đau, hạ sốt. Nếu vết bỏng có mụn nước bị vỡ, thuốc mỡ kháng sinh có thể được chỉ định nhằm ngăn ngừa nhiễm trùng, giúp vết thương nhanh lành.
Bác sĩ Hoàng lưu ý, sơ cứu trẻ bị bỏng nên được thực hiện càng sớm càng tốt. Bước đầu tiên là cách ly trẻ với tác nhân gây bỏng. Trường hợp trẻ bị bỏng ở miệng và cổ họng, vết bỏng đặc biệt nguy hiểm, có thể gây sưng phế quản dẫn đến ngạt thở nên cần phải nới lỏng phần áo quanh cổ, gọi hỗ trợ hoặc đưa đi cấp cứu ngay lập tức. Tùy vào nguyên nhân gây bỏng, sơ cứu trẻ bị bỏng sẽ có một số điểm khác nhau.
Bỏng do nhiệt: Khi vừa bị bỏng, để vết bỏng dưới vòi nước mát (để nước chảy chậm, nhẹ nhàng) trong khoảng 15 - 20 phút sẽ giúp làm mát vết bỏng, tránh để da bị rộp. Nước mát, sạch, có tác dụng giảm nhiệt, giảm đau, giảm phù nề, viêm nhiễm và giảm độ sâu của vết bỏng.
Quần áo, đồ trang sức cần được loại bỏ nhẹ nhàng, không để dính vào vết bỏng. Nếu vết bỏng nhẹ, bôi lên vết bỏng bằng thuốc mỡ đặc trị sẽ giúp làm dịu cảm giác đau rát, thúc đẩy vết bỏng mau lành.
Lưu ý, trường hợp quần áo của trẻ bị bắt lửa, hoảng loạn sẽ khiến lửa cháy lớn hơn, tăng diện tích bỏng. Trẻ cần được trấn an tâm lý, giữ yên, đặt nằm trên sàn, để phần bị bỏng ở phía trên. Dùng một tấm mền thô hoặc một cái áo dày bằng len dạ bọc bé lại để dập lửa. Lăn trẻ trên sàn nhà cho đến khi ngọn lửa tắt hẳn rồi dội nước hoặc chất lỏng không bắt lửa (nếu có) lên người trẻ.
Bỏng do điện: Đầu tiên, phụ huynh cần cắt nguồn điện, dùng cây gỗ khô gạt bỏ dây điện, kéo trẻ ra khỏi nguồn điện. Nếu trẻ bất tỉnh, cần khai thông đường thở và chuẩn bị hô hấp nhân tạo theo độ tuổi. Để vùng da bị bỏng dưới vòi nước mát đang chảy ít nhất 10 phút để làm mát vết bỏng. Tiếp đó, dùng vải sạch đắp lên vết thương.
Trẻ bị bỏng cần được dùng nước mát xối nhẹ vào phần bị bỏng ngay lập tức để làm dịu vết thương, ngăn ngừa vết bỏng sâu thêm. Việc hạn chế độ sâu của vết bỏng là ưu tiên hàng đầu, sau đó mới xét đến các yếu tố nguy cơ, nhiễm trùng.
Bỏng do hóa học: Khi sơ cứu, cần lưu ý tránh để hóa chất dây vào người, đeo găng tay cao su, dội nước để rửa sạch hóa chất. Khi đưa trẻ đến bệnh viện, người nhà nên mang theo lọ/mẫu hóa chất gây bỏng ở trẻ để hỗ trợ xác định sớm tác nhân gây bỏng, từ đó có hướng xử trí phù hợp, nhanh chóng.
Ý kiến ()