Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc
Quảng Ninh là tỉnh có nhiều dân tộc thiểu số anh em cùng cư trú từ lâu đời. Văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số được coi là một bộ phận quan trọng của nền văn hóa Việt Nam thống nhất, đa dạng. Với quan điểm đó, trong những năm qua, tỉnh Quảng Ninh đã dành nhiều nguồn lực, đầu tư hệ thống thiết chế văn hóa đồng bộ vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Bên cạnh hơn 600 di sản văn hoá vật thể là những đình, đền, chùa, miếu, nhà thờ họ, Quảng Ninh còn được biết đến là tỉnh lưu giữ hàng ngàn hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể là những phong tục, tập quán, trò chơi dân gian, lễ hội của hơn 20 dân tộc. Nhận thức rõ tầm quan trọng của văn hóa đồng bào các dân tộc thiểu số, những năm qua, tỉnh Quảng Ninh đã quan tâm chỉ đạo các địa phương tích cực triển khai các dự án, đề án về nghiên cứu, phục dựng, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số, mới đây nhất là xây dựng Đề án Bảo tồn và phát huy giá trị một số làng dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch cộng đồng giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030...
Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ XV tiếp tục nhấn mạnh phát triển văn hóa, con người, xây dựng nền văn hóa giàu bản sắc Quảng Ninh, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa... là một trong các nhiệm vụ trọng tâm và một trong ba khâu đột phá trong nhiệm kỳ 2020-2025. Trên cơ sở đó, thời gian qua, Sở Văn hoá - Thể thao, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh, Hội Văn nghệ dân gian và các địa phương đã tích cực thực hiện khảo cứu, sưu tầm, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa vùng dân tộc thiểu số từ văn học, văn nghệ, trò chơi dân gian đến phong tục tập quán, lễ hội, nghề thủ công truyền thống...
Những năm qua, để gìn giữ, phát huy các môn thể thao dân tộc, nhiều môn như đẩy gậy, đua thuyền chải, bắn cung, bắn nỏ, kéo co... đã được đưa vào thi đấu chính thức tại các giải thể thao thường niên của tỉnh. Sở Văn hóa và Thể thao đã xây dựng đề án “Bảo tồn, khôi phục và phát huy các môn thể thao dân tộc giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030”, tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức, xây dựng cơ chế, chính sách về bảo tồn, khôi phục và phát huy những môn thể thao dân tộc.
Một trong những kết quả nổi bật trong bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh những năm qua đó là nhiều lễ hội văn hoá của đồng bào đã được phục dựng lại, tổ chức đi vào nền nếp như lễ hội đình Lục Nà (Bình Liêu), lễ hội Đại Phan của người Sán Dìu ở xã Bình Dân (Vân Đồn), Ngày hội văn hoá - thể thao dân tộc Sán Chỉ xã Đại Dực, Ngày hội văn hoá - thể thao dân tộc Tày, xã Phong Dụ (Tiên Yên)... Nhiều nhà văn hoá xã được đầu tư xây dựng quy mô từ ngân sách tỉnh hay ủng hộ từ các doanh nghiệp như: Khu bảo tồn văn hoá người Dao ở xã Bằng Cả (TP Hạ Long), Nhà văn hoá xã Đại Dực, khu bảo tồn văn hoá dân tộc Tày ở thôn Đồng Đình, xã Phong Dụ (Tiên Yên), Nhà văn hoá xã Lục Hồn (Bình Liêu)... Đây là những điều kiện quan trọng để các lễ hội văn hoá, các câu lạc bộ văn hoá, văn nghệ, những tín ngưỡng, diễn xướng dân gian của đồng bào các dân tộc được tổ chức, hoạt động trình diễn, truyền dạy.
Từ sự quan tâm của tỉnh và thông qua các lễ hội, các hoạt động văn hoá, thể thao, đồng bào các dân tộc trong tỉnh đã nhận thức rõ hơn giá trị văn hoá của dân tộc mình để từ đó có trách nhiệm gìn giữ, truyền dạy cho con cháu văn hoá truyền thống từ trang phục, ẩm thực, tín ngưỡng, diễn xướng, tri thức dân gian... Đặc biệt là đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh đã nhận thức được vai trò quan trọng của các giá trị văn hoá truyền thống trong phát triển kinh tế nhất là du lịch, góp phần nâng cao đời sống nhân dân, xoá nghèo bền vững cũng như góp phần vào bảo vệ, giữ vững chủ quyền lãnh thổ của Tổ quốc.
Ý kiến ()