Bài học đắt giá
Năm học 2005-2006 vì tỷ lệ đỗ tốt nghiệp quá thấp, ban lãnh đạo Sở GD-ĐT tỉnh Bạc Liêu đã có chủ trương chấm phúc khảo để nâng tỷ lệ tốt nghiệp từ 55% lên 79,04%. Đã có 1.700 học sinh được nâng điểm, trong số đó có 800 trường hợp liên quan đến tiêu cực tiền bạc với số tiền hơn 600 triệu đồng; 900 trường hợp còn lại được nâng điểm do quen biết (trong đó có một số là con em lãnh đạo ban, ngành của tỉnh). Liên quan đến vụ việc này đã có 6 người bị khởi tố, bắt giam, trong đó có một Phó Giám đốc Sở và 38 cán bộ giáo dục khác.
Phát biểu tại hội nghị ông Tấn nói: “Tôi xác định rõ các sai phạm. Chúng tôi vi phạm Luật Chống tham nhũng. Đây là bài học đắt giá của chúng tôi, các địa phương khác nên nhìn vào đây để rút kinh nghiệm”. Lãnh đạo Sở GD-ĐT của một tỉnh khác nói: Bạc Liêu bị “nạn” nhưng chưa chắc chỉ mỗi tỉnh này nâng điểm. Nhiều tỉnh khác chưa bị lộ đó thôi. Chính sự áp đặt tỷ lệ tốt nghiệp mới ra nông nỗi này...
Có thể nói tình trạng nâng điểm, ép học sinh phải lên lớp, chạy theo thành tích không ở nơi nào là không có. Khác chăng là ở mức độ nhiều hay ít, nặng hay nhẹ và đã được phát hiện hay chưa mà thôi. Quả thật vụ việc ở Bạc Liêu là bài học đắt giá, là lời cảnh tỉnh cho cả ngành Giáo dục bởi nó không phải là cá biệt.
Đến nay cuộc vận động “hai không” trong ngành Giáo dục đã đi được một chặng đường ngắn (một học kỳ) nhưng đã cho thấy đạt được một số kết quả đáng khích lệ. Nhiều chủ trương, chính sách có liên quan đã được thay đổi, sửa chữa; kỷ cương học đường ở nhiều trường đã được chấn chỉnh; nhận thức về vấn nạn này trong các cấp, các ngành và xã hội đã rõ ràng với thái độ ủng hộ tích cực cuộc vận động. Hy vọng đây sẽ là cơ sở, tiền đề để cuộc vận động đạt được kết quả cao hơn trong thời gian tới.
Ý kiến ()