
Bác tặng "Cờ thưởng thi đua luân lưu khá nhất" cho cả ngành Than
Tỉnh Quảng Ninh và công nhân ngành Than được Bác dành tình cảm quan tâm rất nhiều. 9 lần về thăm tỉnh Quảng Ninh thì hầu như cả 9 lần Bác đều rất quan tâm đến tình hình sản xuất của ngành Than, của công nhân mỏ.
Ngày 4/10/1957 khi thăm Vùng mỏ Hồng Gai, Bác đã ân cần nhắc nhở công nhân: “Anh em công nhân phải bảo vệ Vùng mỏ, nhà máy kho tàng và nâng cao sản xuất. Muốn cải thiện đời sống thì phải khôi phục và phát triển kinh tế. Muốn khôi phục và phát triển kinh tế nhanh thì phải thi đua sản xuất và thực hiện tiết kiệm. Muốn thi đua có kết quả tốt thì tiết kiệm và sản xuất phải đi đôi với nhau”.
Ngày 30/3/1959 thăm mỏ than Đèo Nai, nói chuyện với công nhân, cán bộ, Người căn dặn: “Than Vùng mỏ vào loại tốt của thế giới. Cảnh ở Vùng mỏ cùng vào loại kỳ quan của loài người. Các chú phải làm than cho tốt. Cán bộ có cố gắng, nhưng chưa đầy đủ và còn một số cán bộ quan liêu, mệnh lệnh, cần phải gần gũi giúp đỡ công nhân sản xuất. Công nhân và cán bộ đoàn kết thành một khối thì việc gì cũng làm được. Công nhân là giai cấp lãnh đạo, là chủ khu mỏ thì phải làm sao cho xứng đáng với vai trò làm chủ. Muốn làm những người chủ xứng đáng thì phải thi đua sản xuất, thực hành tiết kiệm. Bây giờ chúng ta làm cho mình, cho nhân dân và cho con cháu chúng ta nữa”.
Đầu năm 1965 khi nhận được báo cáo thành tích hoàn thành tốt kế hoạch quý I/1965 của mỏ than Đèo Nai, Bác đã gửi tặng ngành Than Quảng Ninh “Cờ thưởng luân lưu thi đua khá nhất” và căn dặn công nhân Vùng mỏ tiếp tục phát huy thắng lợi trong sản xuất, công tác và sẵn sàng chiến đấu. Để động viên khích lệ tinh thần Bác nói: “Năm nay Bác tặng cờ thưởng thi đua luân lưu khá nhất cho cả ngành Than, đơn vị nào muốn được lá cờ thì phải thi đua gương mẫu trong mọi việc. Những cán bộ và công nhân nào xuất sắc nhất Bác sẽ tặng giải thưởng riêng”.
Không chỉ nắm bắt tình hình sản xuất của công nhân Vùng mỏ qua những lần trực tiếp về thăm mà Bác còn theo dõi tình hình sản xuất, đời sống công nhân mỏ nói riêng, nhân dân tỉnh Quảng Ninh nói chung qua thông tin báo chí. Rất nhiều bài báo Bác xem và đánh dấu trọng tâm để kịp thời có động viên, khích lệ hay nhắc nhở.
Điển hình như giai đoạn cuối năm 1968, đầu năm 1969 khai thác than bị giảm sút trầm trọng, sản lượng đạt thấp, Bác đã đề nghị Thủ tướng Phạm Văn Đồng xuống tận Quảng Ninh xem xét và tìm cách tháo gỡ. Với sự chỉ đạo sát sao, động viên khích lệ kịp thời của Bác, công nhân, cán bộ ngành Than, toàn khu mỏ Quảng Ninh đã quyết tâm phấn đấu thi đua sản xuất, đề ra các phương pháp sản xuất hiệu quả như đưa máy móc, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đổi mới cách quản lý… nhờ đó ngành Than đã hoàn thành thắng lợi kế hoạch sản xuất những năm sau đó, sản lượng than khai thác đạt cao, đáp ứng yêu cầu phục vụ cho xuất khẩu của đất nước.
Tình cảm, sự quan tâm của Bác dành cho ngành Than, cho công nhân mỏ, cho nhân dân Quảng Ninh đã cổ vũ, động viên, khích lệ Vùng mỏ hăng hái thi đua, lao động sản xuất liên tục dành thắng lợi trong những năm qua. Vinh dự, tự hào khi là địa phương được 9 lần đón Bác về thăm, được Bác đồng ý cho dựng tượng của Người khi Người còn sống, tỉnh Quảng Ninh đã không ngừng sáng tạo, đổi mới, xây dựng một địa bàn động lực của cả nước, một tỉnh giàu đẹp như Người từng căn dặn. Quảng Ninh hôm nay trở thành một trong những động lực tăng trưởng, một trong những trụ cột trong năng lực cạnh tranh của quốc gia, những đổi mới, sáng tạo, đột phá trong xây dựng Đảng, hệ thống chính trị, phát triển kinh tế - xã hội mà cả tỉnh đang nỗ lực thực hiện đã phần nào đáp lại được tình cảm, sự tin yêu của Bác dành cho Vùng mỏ. Ngành Than đã và đang phát triển với nhịp độ cao, vững bước trên con đường công nghiệp hóa - hiện đại hóa, là ngành kinh tế gương mẫu, đóng góp rất lớn cho sự phát triển của tỉnh Quảng Ninh, của đất nước.
“Cờ thưởng thi đua luân lưu khá nhất” Bác tặng ngành Than mãi mãi là động lực thi đua của công nhân mỏ, của nhân dân vùng than!
Ngọc Lan
Ý kiến ()