An toàn trong ý thức
Một trong những điểm mới đáng chú ý của Nghị định 34 đó là chế tài xử phạt một số hành vi vi phạm điều khiển giao thông tăng hơn so với Nghị định 146/CP. Đáng chú ý, đúng vào thời điểm này, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 27 – CT/TU về nâng cao vai trò lãnh đạo, chỉ đạo công tác đảm bảo trật tự an tòan giao thông. Chỉ thị yêu cầu phải xác định việc thực hiện công tác đảm bảo an toàn giao thông là trách nhiệm, là một những nhiệm vụ chính trị trọng tâm năm 2010 và những năm tiếp theo. Vì vậy, cần nâng cao vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện quyết liệt, đồng bộ và huy động cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở tham gia nhằm thiết lập trật tự an toàn giao thông. Cũng trong tuần qua, Ban An toàn Giao thông tỉnh đã trực tiếp đến 7 địa phương có số người chết vì tai nạn giao thông tăng cao trong dịp Tết Nguyên đán Canh Dần.
Cùng với nhiệm vụ phát triển kinh tế -xã hội nhanh, mạnh, bền vững thì công tác đảm bảo an toàn giao thông luôn được đặc biệt quan tâm, chú trọng. Khi các cấp từ trung ương, tới tỉnh và từng ngành ở địa phương nỗ lực đẩy mạnh các biện pháp nhằm kiềm chế tai nạn giao thông thì xem ra vấn đề mấu chốt nhất chính là ý thức của mỗi người dân lại chưa thực sự chuyển biến. Ngay trung tâm đô thị Hạ Long, buổi tối, tình trạng không đội mũ bảo hiểm khi điều khiển xe mô tô, xe gắn máy tham gia giao thông trở nên rất phổ biến. Đây không chỉ là hiện tượng cá biệt của một nhóm người mà nó có đủ ở các lứa tuổi từ thanh niên tới trung niên. Không chỉ vậy, tình trạng các phương tiện giao thông phóng nhanh, vượt ẩu vẫn là câu chuyện thường ngày. Điều này cho thấy, khi ý thức về an toàn giao thông chưa được xác định rõ trong mỗi người thì việc tăng chế tài xử phạt như Nghị định 34/CP là một biện pháp cần thiết. Tuy nhiên, cùng với công tác đẩy mạnh tuyên truyền thì việc xử lý các vi phạm Luật Giao thông cần phải được tiến hành liên tục, thường xuyên mới giúp người dân hình thành ý thức tốt.
Ý kiến ()