
6 tác dụng phụ nghiêm trọng của vitamin C cần biết khi tiêu thụ
Thực phẩm bổ sung vitamin C thường an toàn cho hầu hết với mọi người, nhưng việc sử dụng quá mức hoặc dùng liều cao có thể dẫn đến một số tác dụng phụ. Mặc dù hiếm gặp, nhưng tác dụng phụ nghiêm trọng của vitamin C có thể xảy ra, đặc biệt là khi dùng với số lượng lớn trong thời gian dài…
1. Một số tác dụng phụ cần lưu ý của vitamin C
1.1 Sỏi thận
Liều cao vitamin C có thể làm tăng nồng độ oxalat trong nước tiểu. Oxalat là một chất có thể liên kết với canxi để tạo thành sỏi thận. Khi cơ thể chuyển hóa lượng vitamin C dư thừa, một phần vitamin C có thể được chuyển hóa thành oxalat.
Quá trình này đặc biệt đáng lo ngại đối với những người dễ bị sỏi thận hoặc những người mắc bệnh thận hiện có. Những người có tiền sử sỏi thận, bệnh thận mãn tính hoặc nồng độ oxalat cao sẽ có nguy cơ này cao hơn.
1.2 Rối loạn tiêu hóa
Một trong những tác dụng phụ phổ biến nhất của vitamin C liều cao là khó chịu đường tiêu hóa (GI). Điều này bao gồm các triệu chứng như đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy và đầy hơi. Những tác dụng phụ này thường phụ thuộc vào liều lượng, nghĩa là chúng có khả năng xảy ra cao hơn khi lượng tiêu thụ tăng lên.
Các triệu chứng đường tiêu hóa thường xảy ra ở liều lượng trên 2.000 mg mỗi ngày, mặc dù một số người có thể gặp vấn đề ở mức độ thấp hơn.

1.3 Quá tải sắt (bệnh huyết sắc tố)
Vitamin C giúp tăng cường hấp thu sắt không heme (có trong thực phẩm thực vật). Mặc dù điều này thường có lợi, nhưng nó có thể gây hại cho những người mắc bệnh thừa sắt - một rối loạn di truyền khiến cơ thể tích trữ quá nhiều sắt.
Ở những người mắc bệnh thừa sắt, lượng vitamin C cao có thể làm trầm trọng thêm tình trạng quá tải sắt, làm tăng nguy cơ tổn thương gan, bệnh tim và tiểu đường. Những người mắc chứng rối loạn chuyển hóa sắt nên tránh dùng thực phẩm bổ sung vitamin C liều cao trừ khi có khuyến cáo của bác sĩ.
1.4 Có thể làm sai kết quả xét nghiệm
Vitamin C dư thừa có thể ảnh hưởng đến một số xét nghiệm trong phòng thí nghiệm. Nó có thể gây ra kết quả sai lệch trên máy đo đường huyết, xét nghiệm nước tiểu tìm creatinine và các xét nghiệm sử dụng thuốc thử hóa học nhạy cảm với quá trình oxy hóa. Kết quả sai lệch có thể ảnh hưởng đến chẩn đoán hoặc điều trị nếu không được nhận biết.
1.5 Mòn men răng
Thực phẩm bổ sung vitamin C dạng nhai hoặc dạng kẹo dẻo thường có tính axit và có thể làm mỏng men răng theo thời gian. Sự xói mòn này có thể dẫn đến tăng độ nhạy cảm của răng, đổi màu răng và nguy cơ sâu răng cao hơn.
Hay nói cách khác, môi trường axit do các sản phẩm vitamin C tạo ra làm suy yếu lớp bảo vệ men răng, đặc biệt là khi dùng dưới dạng viên ngậm hoặc dạng nhai. Để giảm thiểu nguy cơ, hãy súc miệng bằng nước sau khi sử dụng thực phẩm bổ sung vitamin C và tránh đánh răng ngay sau đó.
1.6 Làm tăng stress oxy hóa
Mặc dù vitamin C được biết đến với đặc tính chống oxy hóa, nhưng trong một số điều kiện nhất định, nó có thể hoạt động như một chất oxy hóa hỗ trợ, đặc biệt là ở liều cao và khi có sự hiện diện của các ion kim loại tự do (như sắt hoặc đồng). Điều này có khả năng làm tăng stress oxy hóa (sự mất cân bằng giữa chất chống oxy hóa và các gốc tự do gây hại) thay vì giảm thiểu nó.
Các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm cho thấy, nồng độ vitamin C rất cao có thể tạo ra các gốc tự do (phân tử phản ứng cao) khi có mặt một số kim loại, có khả năng góp phần gây tổn thương tế bào. Ý nghĩa lâm sàng của tác dụng này ở người vẫn đang được nghiên cứu, nhưng nó làm dấy lên lo ngại về những rủi ro tiềm ẩn của việc dùng quá liều chất chống oxy hóa.
2. Bao nhiêu vitamin C là quá nhiều?
Vitamin C còn được gọi là axit ascorbic, rất cần thiết cho sự tăng trưởng, phát triển và phục hồi của tất cả các mô trong cơ thể. Do cơ thể không dự trữ vitamin C, nên điều quan trọng là phải bổ sung đủ lượng vitamin C từ các loại thực phẩm như trái cây họ cam quýt, dâu tây, ớt chuông và các loại thực phẩm bổ sung khi cần thiết...
Lượng khuyến nghị hàng ngày (RDA) cho vitamin C thay đổi tùy theo độ tuổi, giới tính và giai đoạn cuộc đời. Mức tiêu thụ đầy đủ ở người trưởng thành bao gồm:
- Nam giới: 90 mg/ngày
- Phụ nữ: 75 mg/ngày
- Người mang thai: 85 mg/ngày
- Người đang cho con bú: 120 mg/ngày.
Mức tiêu thụ tối đa (UL) cho phép đối với người lớn là 2.000 mg mỗi ngày. Vượt quá mức này, đặc biệt là trong thời gian dài, sẽ làm tăng nguy cơ tác dụng phụ. Thực phẩm bổ sung và thực phẩm tăng cường khiến bạn dễ dàng vô tình vượt quá giới hạn này.
3. Ai có nguy cơ cao nhất khi dùng quá nhiều vitamin C?
Một số cá nhân có thể dễ bị tác dụng phụ của vitamin C hơn:
- Người bị bệnh thận: Nên tránh dùng liều cao vì có nguy cơ tích tụ oxalate.
- Những người mắc chứng rối loạn quá tải sắt: Có thể gặp biến chứng do tăng hấp thu sắt.
- Những người mắc bệnh tiểu đường: Nên lưu ý đến tác động của vitamin C liều cao lên chỉ số đường huyết.
- Những người đang trải qua quá trình hóa trị hoặc xạ trị: Nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng chất chống oxy hóa, bao gồm vitamin C, vì nó có thể ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị.
4. Làm thế nào để sử dụng vitamin C an toàn?
Dưới đây là cách sử dụng vitamin C an toàn và hiệu quả:
- Tuân thủ RDA trừ khi bác sĩ có lời khuyên khác.
- Cần lưu ý rằng thực phẩm tăng cường và vitamin tổng hợp có thể góp phần vào tổng lượng vitamin C mà bạn hấp thụ hàng ngày.
- Đối với người có dạ dày nhạy cảm, hãy cân nhắc sử dụng các dạng không có tính axit, chẳng hạn như natri ascorbat, để giảm kích ứng.
- Hãy cho bác sĩ biết về bất kỳ loại thực phẩm bổ sung nào bạn đang dùng, đặc biệt là trước khi phẫu thuật hoặc xét nghiệm y tế.
- Nếu gặp các triệu chứng như đau bụng dai dẳng, tiểu ra máu hoặc các dấu hiệu của sỏi thận (ví dụ: đau lưng dữ dội, tiểu buốt) hoặc bất kỳ ai có bệnh lý nền nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi bắt đầu dùng vitamin C liều cao.
Ý kiến ()