10 năm phong trào Vệ sinh yêu nước, nâng cao sức khỏe nhân dân
Phong trào “Vệ sinh yêu nước” được xuất phát từ bài báo của Chủ tịch Hồ Chí Minh viết trên Báo Nhân dân ngày 2/7/1958. Trong đó, kêu gọi toàn thể người dân tích cực tham gia các hoạt động vệ sinh phòng bệnh; Hưởng ứng lời kêu gọi “Vệ sinh yêu nước” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 19/6/2012, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 730/QĐ-TTg về việc lấy ngày 2 tháng 7 hàng năm là Ngày Vệ sinh yêu nước; đồng thời, ngày 1/7/2012, Chủ tịch nước đã chính thức phát động Phong trào Vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân trên phạm vi cả nước, kêu gọi toàn dân tích cực tham gia các hoạt động vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường nhằm nâng cao hiệu quả phòng chống dịch bệnh và cải thiện sức khỏe.
Tại tỉnh Quảng Ninh, ngay sau khi được phát động, phong trào đã nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể và sự hưởng ứng tích cực của nhân dân. Triển khai Phong trào Vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân là hoạt động thiết thực trong thực hiện cuộc vận động học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Trong giai đoạn 2012-2022, các cấp, các ngành, các cơ quan, đoàn thể tại địa phương có nhiều giải pháp phát huy sức mạnh tổng hợp huy động người dân tham gia thực hiện phong trào, triển khai thực hiện nhiều hoạt động hiệu quả hưởng ứng phong trào Vệ sinh yêu nước, nâng cao sức khỏe nhân dân do Thủ tướng phát động.
Qua 10 năm triển khai, phong trào đã đạt được các kết quả đáng ghi nhận, như: Đến năm 2021, tỷ lệ hộ gia đình có nhà tiêu hợp vệ sinh là 94,8% (tăng 20,67% so với năm 2012); tỷ lệ hộ gia đình sử dụng nước hợp vệ sinh là 99,89%, tỷ lệ hộ gia đình sử dụng nước sạch đạt 79,8%... Trong an toàn vệ sinh lao động, bảo vệ môi trường tại cơ sở y tế, hàng năm, cơ quan chức năng đã thực hiện nghiêm túc công tác giám sát môi trường, thực hiện lấy mẫu quan trắc môi trường lao động với số lượng mẫu tăng hàng năm. Công tác khám và quản lý sức khỏe định kỳ, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp cho người lao động tại cơ sở y tế đã được chú trọng thực hiện. Đến nay, chất thải y tế nguy hại phát sinh được thu gom, xử lý hiệu quả, giảm các chi phí về môi trường cũng như góp phần bảo vệ môi trường…
Phong trào Vệ sinh yêu nước đã nâng cao nhận thức và đề cao trách nhiệm của các cấp chính quyền, đoàn thể, tổ chức xã hội về ý nghĩa và tầm quan trọng của các hoạt động vệ sinh đối với sức khỏe, hạnh phúc của mỗi người dân, mỗi gia đình, đối với sự phát triển bền vững của đất nước. Đặc biệt, trong bối cảnh diễn biến bất thường của khí hậu, sự bùng phát của các loại dịch bệnh mới nổi diễn biến ngày càng phức tạp, như là dịch bệnh COVID-19, thì một trong những biện pháp giúp phòng, chống dịch bệnh hiệu quả, hạn chế tối đa sự bùng phát trên diện rộng là công tác vệ sinh cộng đồng và vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân.
Thực tế cho thấy, 10 năm qua, phong trào Vệ sinh yêu nước nâng cao sức khoẻ nhân dân đã được Quảng Ninh triển khai khá đồng bộ, trên diện rộng. Tuy nhiên, việc tác động để thay đổi thái độ đến hành vi đối với một bộ phận người dân, nhất là nhóm đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa có các phong tục, hủ tục, tập quán không hợp vệ sinh vẫn còn cần phải có thời gian và sự hỗ trợ của chính quyền địa phương và sự đồng thuận tham gia của người dân. Trong quá trình triển khai các nội dung của phong trào, hiện nay vẫn chưa nhân rộng được nhiều các mô hình, một số hoạt động còn mang tính hình thức, chưa đi sâu vào thay đổi nhận thức, hành vi của nhân dân.
Mặt khác, công tác quản lý nhà nước về ATTP tại một số huyện, xã, còn hạn chế, đặc biệt là khâu quản lý buôn bán, sử dụng hoá chất trong chăn nuôi, trồng trọt, chế biến thực phẩm đối với các đối tượng sản xuất nhỏ lẻ, thời vụ. Năng lực thực hiện kiểm nghiệm chất lượng nước tại các địa phương còn hạn chế, thiếu máy móc, trang thiết bị phục vụ công tác giám sát chất lượng nước định kì. Đây chính là những vấn đề Quảng Ninh quyết tâm khắc phục trong giai đoạn tới.
Ý kiến ()