Xin lỗi dân
Trong tháng 6 vừa qua, ở huyện Hải Hà có một “sự kiện nóng”, đó là việc nhiều tiểu thương đang kinh doanh tại chợ Trung tâm Hải Hà (cũ) đã tỏ thái độ bất hợp tác với cơ quan chức năng, không chịu chuyển sang chợ Trung tâm mới theo chủ trương chung của tỉnh và huyện. Sự việc càng trở nên “nóng” hơn khi có một số người đã lợi dụng sự bức xúc của các tiểu thương để cố tình “làm to chuyện”, gây ra những thông tin sai lệch, khiến cho sự việc càng trở nên phức tạp! Đây cũng là lý do diễn ra cuộc làm việc của đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ Phạm Minh Chính và hai đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng đại diện các sở, ban, ngành liên quan, với lãnh đạo huyện Hải Hà ngày 25-6 vừa qua.
Không trực tiếp có mặt tại buổi làm việc, nhưng qua theo dõi thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng, có một điều khiến chúng tôi thấy đáng quan tâm, suy nghĩ; đó là trong lời phát biểu kết luận cuộc họp (diễn ra từ 21 giờ ngày 25-6 đến 2 giờ sáng ngày hôm sau mới kết thúc), trước khi đề cập đến nguyên nhân, biện pháp giải quyết v.v.. đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ đã thẳng thắn và nghiêm túc xin lỗi người dân “vì những gì lãnh đạo tỉnh, các sở, ban, ngành, huyện Hải Hà chưa làm được trong việc thực hiện kế hoạch chuyển chợ...”.
Chuyện một cán bộ lãnh đạo chủ chốt, trên cương vị của mình, xin lỗi người dân về một sự việc đáng tiếc nào đó xảy ra, không phải là mới. Ở các nước, ngay cả Tổng thống, Thủ tướng v.v.. cũng nhiều khi phải xin lỗi người dân công khai do một sai phạm, thiếu sót gây hậu quả nghiêm trọng nào đó của cấp dưới mình. Nhưng đó là “chuyện thế giới”, chuyện ở “tầm vĩ mô”; còn ở ta, nhất là ở các địa phương, cơ sở, xem ra không phải vị lãnh đạo nào cũng làm được điều này! Nhất lại là trong những trường hợp mà người ta cho rằng có vấn đề “nhạy cảm”...
Nói vậy để thấy trong quá trình giải quyết những vấn đề liên quan đến mâu thuẫn giữa cơ quan chức năng với người dân, cần phải có cái nhìn đa chiều, toàn diện; đôi khi có những hành vi sai phạm của người dân là do bức xúc bởi sự quan liêu hoặc thiếu trách nhiệm v.v.. của một hay nhiều cơ quan chức năng nào đó, trong một hoàn cảnh nào đó. Và vì thế nếu chỉ xử lý “phần ngọn” là không triệt để, không “thấu tình đạt lý”, từ đó khó “thu phục nhân tâm”... Việc đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ xin lỗi dân, đồng thời tỏ thái độ kiên quyết yêu cầu những cơ quan chức năng phải giải quyết thấu đáo, triệt để, đảm bảo đúng pháp luật, nhưng cũng phải trên cơ sở quyền lợi, ý nguyện chính đáng của người dân, chính là vì điều này.
Hay cũng có thể nói, khi để xảy ra những sự việc đáng tiếc, cho dù không phải là trách nhiệm trực tiếp thì với cương vị một cán bộ phụ trách, xin lỗi dân vẫn là việc làm cần thiết, đáng làm! Tất nhiên là nói tới việc xin lỗi một cách thẳng thắn, nghiêm túc và cầu thị! Còn nếu chỉ xin lỗi cho qua, xin lỗi để mị dân... thì lại là một chuyện hoàn toàn khác!
Trung Luận
Ý kiến ()