Xây dựng nông thôn mới
Nội dung này cũng được nhiều đại biểu quan tâm khi đóng góp ý kiến vào dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh tại Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2010-2015 vừa qua.
Theo Đề án Xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2010-2020, xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội hướng tới mục tiêu xây dựng nông thôn có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội hiện đại; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ, đô thị theo quy hoạch... Đồng thời không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của dân cư nông thôn, hài hoà giữa các vùng...
Trong nhiều năm qua, thực hiện công cuộc đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo đời sống, bộ mặt nông thôn ở nhiều vùng trong cả nước đã có sự đổi thay mạnh mẽ. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ở các vùng nông thôn được quan tâm đầu tư, cải thiện. Các tiến bộ KHKT, dịch vụ xã hội đã mang lại nhiều thuận lợi cho người dân khu vực nông thôn. Các chính sách xoá đói, giảm nghèo đã góp phần giảm mạnh tỷ lệ hộ đói nghèo ở các vùng nông thôn, đồng thời tạo ra nhiều mô hình sản xuất hiệu quả giúp người dân cải thiện cuộc sống, vươn lên làm giàu chính đáng v.v..
Tuy nhiên, ở nhiều vùng nông thôn, đặc biệt là ở khu vực miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa hệ thống cơ sở vật chất cũng như đời sống của người nông dân vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn. Chênh lệch về thu nhập, đời sống với các khu vực đô thị thuận lợi có khoảng cách ngày càng xa. Làn sóng người lao động ở các vùng nông thôn đổ về các thành phố, khu đô thị để tìm kiếm việc làm, tăng thu nhập ngày càng gia tăng...
Xây dựng nông thôn mới, văn minh, hiện đại là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước đang được toàn xã hội, nhất là người nông dân phấn khởi đón nhận. Để thực hiện tốt, hiệu quả chủ trương này đòi hỏi phải có những khảo sát, đánh giá kỹ lưỡng ở các vùng nông thôn để có những bước đi, giải pháp phù hợp đáp ứng các tiêu chí của nông thôn mới. Các cấp, các ngành ngoài việc đầu tư nguồn lực về con người, vật chất, tiền của cho mục tiêu này cũng cần khơi dậy và phát huy sức sáng tạo, năng động và nội lực của các vùng nông thôn và người nông dân. Cùng với đó mỗi người nông dân cũng phải có ý thức vươn lên để cùng với Nhà nước xây dựng nông thôn mới...
Ý kiến ()