Xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh
Các mục tiêu, nhiệm vụ của Dự án “Phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật (PNTP&PCVPPL) cho học sinh, sinh viên đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” (Quyết định số 1977/QĐ-BGDĐT ngày 7/7/2023) đã được cụ thể hóa, triển khai đồng bộ trên địa bàn tỉnh, góp phần xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh.
Ngành Giáo dục cả nước hiện có khoảng gần 25 triệu người học, cán bộ, nhà giáo, nhân viên, chiếm khoảng 1/4 dân số. Đây là lực lượng quan trọng đối với tương lai của quốc gia, dân tộc. Do đó đặt ra yêu cầu phải có các kế hoạch, giải pháp cụ thể, phù hợp trong công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng PNTP&PCVPPL, nhất là hướng tới độ tuổi học sinh, sinh viên.
Một số mục tiêu cụ thể của Dự án: 100% nhà trường xây dựng kế hoạch thực hiện nhiệm vụ PNTP&PCVPPL, gắn với nhiệm vụ, hoạt động thường xuyên của nhà trường trong từng năm học; tổ chức ký cam kết giữa nhà trường - gia đình - xã hội về nhiệm vụ PNTP&PCVPPL theo các năm học... Đặc biệt là thiết lập các kênh tiếp nhận những thông tin, phản ánh để tư vấn, hỗ trợ, kịp thời giải quyết những vấn đề có liên quan đến công tác PNTP&PCVPPL trong nhà trường...
UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch thực hiện dự án (ngày 7/12/2023) với những nhóm nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, rõ trách nhiệm, vai trò chủ trì, phối hợp thực hiện... Trong đó hàng đầu là công tác tuyên truyền PNTP&PCVPPL... để nâng cao nhận thức, kiến thức cho học sinh, sinh viên; giúp các em tiếp cận với các hoạt động tư vấn, các dịch vụ đường dây nóng có thể liên hệ để được hỗ trợ, chia sẻ, bảo vệ. Bên cạnh đó là các giải pháp về tích hợp giáo dục PNTP vào các chương trình, hoạt động giáo dục trong các nhà trường; ứng dụng CNTT trong công tác quản lý người học; củng cố công tác phối hợp giữa nhà trường - ban đại diện cha mẹ học sinh - công an địa phương - đoàn thanh niên để triển khai các nhiệm vụ cụ thể liên quan.
Các ngành, tổ chức chính trị - xã hội, địa phương trong tỉnh tiếp tục nâng cao trách nhiệm và phối hợp chặt chẽ PNTP&PCVPPL trong thanh thiếu niên; tăng cường quản lý, giáo dục đối tượng VPPL hoặc có nguy cơ VPPL tại gia đình, cộng đồng dân cư. Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ từng ngành, đơn vị, các lực lượng có sự triển khai, phối hợp đồng bộ, tạo chuyển biến tích cực. Cụ thể lực lượng công an tăng cường nắm, dự báo tình hình để chủ động mở các đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, loại bỏ dần các nguyên nhân, điều kiện dẫn đến VPPL, làm sạch địa bàn; BTV Tỉnh Đoàn xây dựng kế hoạch “Đoàn thanh niên tham gia phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật; phòng, chống ma túy trong thanh niên, học sinh, sinh viên giai đoạn 2024-2030” với nội dung, giải pháp, mô hình cụ thể giáo dục đạo đức, lối sống, pháp luật, phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội cho thanh thiếu niên...
Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong các cơ sở giáo dục nhìn chung được tăng cường cả về số lượng và chất lượng, hình thức phù hợp với mỗi cấp học, bậc học. Nổi bật như sinh hoạt ngoại khóa “Kể chuyện theo án”, lấy dẫn chứng từ các tình tiết thực tế, vụ việc có thật tại địa phương để rút ra bài học kinh nghiệm sâu sắc về pháp luật và hành vi VPPL. Một số nhà trường chủ động, sáng tạo tổ chức ngoại khóa tìm hiểu pháp luật dưới hình thức hội thi, tạo bầu không khí sôi nổi, hứng thú cho học sinh...
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 637 cơ sở giáo dục, bao gồm: 222 trường mầm non, 156 trường tiểu học, 187 trường trung học cơ sở, 58 trường trung học phổ thông, 13 trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên cấp huyện và 1 trung tâm Hướng nghiệp và Giáo dục thường xuyên cấp tỉnh.
Năm học 2024 - 2025, toàn ngành tập trung thực hiện thành công chủ đề “Đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng, đoàn kết kỷ cương”. Đồng thời tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống, kĩ năng sống, phổ biến giáo dục pháp luật, phòng chống tệ nạn xã hội, ma túy, tội phạm, công tác đảm bảo an toàn giao thông, an ninh, an toàn trường học, phòng chống tai nạn thương tích cho học sinh, học viên... Tỉnh Quảng Ninh phấn đấu chậm nhất đến năm 2030 sẽ nằm trong nhóm 15 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về trình độ, chất lượng phát triển GD&ĐT.
|
Ý kiến ()