Xã hội hoá chỉ là đóng góp?
Đây là chủ trương lớn, tháo gỡ nhiều bó buộc về quản lý nhân lực, về cơ chế tài chính, về đầu tư nhằm phát triển nhiều cơ sở dịch vụ, đáp ứng nhu cầu của nhân dân. Trong hoạt động giáo dục, công tác xã hội hoá này gặp nhiều khó khăn, có không ít nhà trường công lập tiến hành xã hội hoá hoạt động giáo dục chỉ bằng... đóng góp tiền của phụ huynh học sinh và sự hỗ trợ của các cơ quan, đơn vị.
Việc đóng góp của phụ huynh và hỗ trợ của các cơ quan, đơn vị cho trường học là cần thiết, cần tiếp tục tiến hành. Song nếu cứ luẩn quẩn như thế thì việc chuyển từ cơ chế công lập sang cơ chế ngoài công lập với sự phát triển lớn hơn đối với các nhà trường hiện nay là khó khăn. Đây là nguyên nhân dẫn đến tình trạng lạm thu trong trường học mà dư luận phản ánh. Theo TTXVN dẫn nguồn tin từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, Sở Giáo dục và Đào tạo Đà Nẵng vừa yêu cầu hai trường tiểu học Trần Văn Ơn và Huỳnh Ngọc Huệ dừng việc lạm thu và trả lại cho phụ huynh số tiền trên 87 triệu đồng. Và không chỉ TP Đà Nẵng, tình trạng lạm thu còn xảy ra ở nhiều địa phương khác. Ngoài những khoản đóng góp tự nguyện mà phụ huynh học sinh “khó nói”, có những trường còn có khoản thu gọi là “tiền khai giảng”! Trước dư luận về vấn đề này, ở Quảng Ninh cũng có nhà trường tự trả lại một số khoản thu ngoài quy định cho phụ huynh học sinh.
Trong huy động nguồn lực xã hội (nhân lực và vật lực) cho hoạt động giáo dục, rất cần sự đóng góp, ủng hộ, nhưng không chỉ có thế, quan trọng phải là đầu tư. Nhà nước khuyến khích đầu tư trong và ngoài nước bằng nhiều hình thức phù hợp với quy hoạch phát triển, yêu cầu và đặc điểm của từng lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hoá, thể dục thể thao. Bây giờ chúng ta đi lại bằng ô tô khách vô cùng thuận lợi so với thời bao cấp, hành khách thực sự là “thượng đế”. Đó là thành công của đầu tư ngoài nhà nước cho lĩnh dịch vụ này.
Huy động nguồn lực xã hội phải chú trọng sự đầu tư của các nhà đầu tư. Có thế mới tạo ra bước đột phá phát triển lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hoá, thể dục thể thao.
Ý kiến ()