Vụ máy bay rơi: Viettel nói về việc nâng công suất phát sóng lên 4 lần để ‘cứu’ phi công
Do sự cố, máy bay Yak-130 (số hiệu 210D) thuộc Trung đoàn Không quân 940 không thể thả càng; đồng thời thực hiện biện pháp xử lý tình huống khẩn cấp song không thành công, 2 phi công đã nhanh chóng nhảy dù. Họ đã sống, trở về trong vòng tay yêu thương, đầy cảm xúc của quân, dân địa phương và anh em đồng chí, đồng đội.
Sáng 7/11, trên Facebook tràn ngập thông tin, nhiều người dân đã bày tỏ sự xúc động khi nghe tin đã tìm được 2 phi công là Thượng tá Nguyễn Hồng Quân và Đại tá Nguyễn Văn Sơn, đặc biệt diễn biến, quá trình tìm được họ, có sự đóng góp không nhỏ nhờ sóng của nhà mạng Viettel.
“Cánh sóng giúp rút ngắn gian truân, tránh được hy sinh cho người lính”, một nick FB viết status trên mạng xã hội sáng 7/11 và nhận được nhiều lượt share, bình luận tương tác.
Bà Nguyễn Vũ Trà My - Giám đốc trung tâm kỹ thuật KV2-TCT Viettel Network cho biết, sau khi nhận được thông tin từ Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, đơn vị đã tiến hành kiểm tra lịch sử thuê bao của hai phi công, phát hiện khu vực họ có thể đã nhảy dù.
"Tuy nhiên, địa hình vùng đồi núi gây khó khăn cho việc xác định vị trí trạm phát sóng phục vụ", bà Trà My kể. Sau khi các phi công nhảy dù, đơn vị đã không liên lạc được với hai người này. Ngay lập tức, Viettel đã tăng công suất phát sóng lên 4 lần ở khu vực được dự đoán phi công nhảy dù, vùng phủ mở rộng lên 5 - 7 lần so với trước; đồng thời phủ 4G lên những khu vực đồi núi cao xung quanh. Từ đó định vị và cung cấp cho lực lượng tìm kiếm.
“Từ khu vực nghi ngờ phi công nhảy dù qua đó, Viettel đã tiến hành khoanh vùng những trạm phát sóng mà phi công có thể đáp xuống. Các cán bộ của Viettel đã thực hiện các giải pháp kỹ thuật như: Xoay chỉnh hướng và góc ngẩng anten, tăng công suất phát tối đa của các trạm phục vụ; đồng thời tận dụng các giải pháp phát sóng băng tần thấp để ưu tiên tập trung tăng cường hướng phủ sóng vào khu vực vùng đồi núi và vị trí nghi ngờ phi công đáp trước đó”, bà Trà My cho biết.
Theo Viettel, đến hơn 16 giờ 30 phút ngày 6/11, lực lựng tìm kiếm nhận được cuộc gọi đầu tiên từ phi công số 1, tiến hành xác định tọa độ và thực hiện tổ chức tìm kiếm và tới 19 giờ 56 trong ngày, họ cùng đội kiếm tìm đã tìm được phi công số 1 là Thượng tá Nguyễn Hồng Quân.
“Sau khi thực hiện các giải pháp tiếp theo, lúc hơn 18 giờ có tiếng gọi đổ chuông và Đoàn tìm kiếm đã liên hệ hướng dẫn đồng chí phi công số 2 gửi tọa độ về cho Ban điều hành Chỉ huy và sau đó đã tìm thấy Đại tá Nguyễn Văn Sơn.
Cụ thể khoảng 18h45 ngày 6/11, Lực lượng tìm kiếm cứu nạn nhận được điện thoại từ Đại tá Nguyễn Văn Sơn - người thứ hai trong máy bay gặp nạn. Từ thông tin này, các đơn vị có thể xác định vị trí và tiếp cận cứu hộ. Đến khoảng 22h20, lực lượng cứu hộ đã tìm thấy Đại tá Sơn.
Trước đó sáng 6/11, Trung đoàn 940 tổ chức Ban bay huấn luyện ban ngày tại sân bay Phù Cát với máy bay Yak-130, bay bài 208, bay đường dài - không vực - xuyên mây trong điều kiện khí tượng phức tạp.
Ban bay do Thượng tá Nguyễn Tất Thắng, Phó Trung đoàn trưởng Quân huấn, Chỉ huy bay chính; Thiếu tá Phạm Văn Năm, Phi đội trưởng Phi đội 1, Chỉ huy cất, hạ cánh; Đại tá Nguyễn Văn Sơn, Trung đoàn trưởng, bay buồng lái trước và Thượng tá Nguyễn Hồng Quân, Chủ nhiệm bay, bay buồng lái sau. Đây là chuyến bay đợt 3, là chuyến thứ hai của phi công buồng trước trong Ban bay trong ngày.
Do sự cố, máy bay Yak-130 (số hiệu 210D), không thể thả càng, đồng thời thực hiện biện pháp xử lý tình huống khẩn cấp, song không thành công. Tiếp đó, Chỉ huy bay đã lệnh cho phi công lấy độ cao, thực hiện cơ động tạo quá tải, nhưng càng vẫn không mở. Chỉ huy bay tiếp tục ra lệnh cho phi công bay thông qua để kiểm tra càng và phát hiện càng không mở ra.
Sau đó, Chỉ huy bay lệnh cho phi công lấy độ cao, hướng bay về khu vực nhảy dù thuộc khu vực Trung tâm Huấn luyện quân sự Quốc gia 2 và hai phi công đã nhảy dù lúc 10 giờ 51 phút 5 giây ngày 6/11. Khu vực nhảy dù thuộc thôn Bình Lộc, xã Bình Hòa, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định.
Ý kiến ()