Về nguồn - Hành trình kết nối quá khứ và hiện tại
Bác Hồ đã từng dạy: “Dân ta phải biết sử ta” - với tôi, đây không chỉ là lời nhắc nhở mà còn là kim chỉ nam trong mọi hành động. Tôi luôn tin rằng, khi thế hệ trẻ hiểu biết sâu sắc và trân trọng lịch sử, họ sẽ thêm yêu quê hương đất nước, biết tôn vinh và giữ gìn công lao của ông cha bằng những hành động cụ thể.
Nắm bắt được ý nghĩa sâu xa đó, bên cạnh nhiệm vụ kinh doanh, ban lãnh đạo Chi ủy và lãnh đạo Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam – Chi nhánh Đông Quảng Ninh luôn đặc biệt chú trọng đến việc bồi dưỡng tư tưởng chính trị và đạo đức cho các đảng viên trẻ, đoàn viên công đoàn và đoàn viên thanh niên trong Chi nhánh.
Một trong những hoạt động có ý nghĩa đặc biệt trong công tác bồi dưỡng tư tưởng chính trị và đạo đức là hành trình “Về nguồn” được tổ chức hàng năm. Đây là cơ hội quý báu để tất cả thành viên trong Chi nhánh không chỉ được gặp gỡ, giao lưu mà còn học hỏi lẫn nhau, từ đó tạo nên sự đoàn kết và nhất trí về tư tưởng. Trong mỗi chuyến đi, chúng tôi cùng nhau ôn lại những giá trị cốt lõi, học hỏi tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và trao đổi kinh nghiệm để tiếp tục nỗ lực hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Mỗi chuyến đi "Về nguồn" đều mang lại cho tôi và đồng nghiệp những trải nghiệm quý giá. Là một đảng viên trẻ, đồng thời là đoàn viên của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, tôi cảm nhận được sự tự hào khi được học hỏi từ những bài học lịch sử, từ những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Những chuyến đi này không chỉ giúp tôi hoàn thiện bản thân mà còn truyền cho tôi nguồn cảm hứng để cống hiến nhiều hơn nữa cho quê hương, đất nước.
Hành trình của chúng tôi bắt đầu từ năm 2022 đã đi qua các mảnh đất Hà Giang, Cao Bằng, Điện Biên và thành phố mang tên Bác. Nhưng để lại ấn tượng sâu đậm nhất với tôi là chuyến đi của năm 2024, giữa những ngày tháng 5 lịch sử đầy tự hào, khi tôi có cơ hội đặt chân đến mảnh đất Điện Biên Phủ – nơi đã đi vào lịch sử với một chiến thắng hào hùng, là “thiên sử vàng” của dân tộc Việt Nam. Từ Quảng Ninh, miền đất ven biển của vùng Đông Bắc Bộ, chúng tôi chọn con đường mà các đoàn dân công hỏa tuyến xưa kia đã từng dấn bước trong những năm tháng kháng chiến chống Pháp: Quốc lộ 6, qua Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu để đến với Điện Biên thân thương. Suốt dọc hành trình, tôi cảm nhận như từng dòng máu trong cơ thể đang chảy về trái tim, hòa chung nhịp đập với các anh bộ đội Cụ Hồ ngày nào.
Đặt chân đến thành phố Sơn La, chúng tôi dừng lại ở khu di tích lịch sử nhà tù Sơn La. Trong không gian trầm mặc ấy, chúng tôi cùng nhau thắp những nén hương tỏ lòng thành kính tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ đã hi sinh cho Tổ quốc. Từ năm 1930 đến 1945, thực dân Pháp đã biến nơi đây thành chốn giam cầm 14 đoàn tù chính trị, với hơn 1.000 tù nhân. Biết bao đồng chí đã hi sinh tại nơi này, giữa những điều kiện khắc nghiệt của thiên nhiên và sự tàn bạo của kẻ thù. Nhưng trong hoàn cảnh khắc nghiệt ấy, tinh thần của người cộng sản vẫn sáng ngời, họ đã luôn đùm bọc, giúp đỡ nhau, giữ vững lý tưởng cao đẹp của mình. Nhà tù Sơn La không chỉ là nơi giam giữ, mà đã chiếc lò nung thổi lên ngọn lửa cách mạng, hun đúc nên những chiến sĩ kiên trung, góp phần vào thắng lợi của cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945. Những cái tên như Tô Hiệu, Lê Duẩn, Trường Chinh, Nguyễn Lương Bằng, Văn Tiến Dũng, Lê Đức Thọ, Nguyễn Văn Trân, Lê Thanh Nghị, Trần Quốc Hoàn... vẫn mãi là biểu tượng của sự kiên cường và lòng yêu nước.
Nhà tù Sơn La là một chứng tích quan trọng, minh chứng rõ ràng về tội ác tàn bạo của chế độ thực dân cũ đối với nhân dân Việt Nam, đồng thời cũng là biểu tượng cho tinh thần yêu nước, ý chí kiên cường và bất khuất của dân tộc Việt Nam. Rời Sơn La, chúng tôi tiếp tục hành trình về với Điện Biên, trong không khí háo hức hướng tới kỷ niệm 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Vượt qua đèo Pha Đin, xe băng qua những con dốc quanh co, len lỏi qua những khúc cua khúc khuỷu, nhìn lên là đỉnh núi cao vời vợi, nhìn xuống là vực sâu hun hút. Cảm giác như được sống lại những ngày tháng gian khó, đầy thử thách, khi những người lính năm xưa phải vượt qua muôn vàn gian khổ, nhưng trong lòng họ luôn tràn đầy niềm tin chiến thắng, tất cả vì Độc lập - Tự do của Tổ quốc.
Sau hành trình dài gần 600km, chúng tôi cuối cùng đã đặt chân đến thành phố Điện Biên Phủ. Đó là một cảm giác choáng ngợp và xúc động trước một bầu trời rợp bóng cờ hoa, với những biểu ngữ chào mừng nổi bật khắp nơi. Các con đường, phố phường đều được trang hoàng sạch đẹp, tươi mới, tạo nên bầu không khí hân hoan, tràn đầy niềm tự hào. Chúng tôi bắt đầu chuyến tham quan tại bảo tàng, nơi lưu giữ những hiện vật, những câu chuyện anh hùng về cuộc chiến đấu oanh liệt, qua đó thấy rõ tinh thần bất khuất của các thế hệ đi trước.
Sau khi rời bảo tàng, chúng tôi tiếp tục hành trình lên đồi A1 – một địa danh lịch sử, biểu tượng của chiến thắng vẻ vang năm ấy. Đứng trên đồi A1, cảm giác như thời gian quay ngược lại, đưa chúng tôi về với những ngày tháng đầy gian khó. Trên đỉnh đồi, từng câu chuyện về những trận đánh khốc liệt, những nỗ lực không ngừng nghỉ, từng sự hy sinh anh dũng của các chiến sĩ năm xưa như được tái hiện sống động. Mỗi tấc đất, mỗi dấu vết nơi đây đều khắc ghi tinh thần kiên cường và ý chí sắt đá của các chiến sĩ, những người đã chiến đấu không chỉ vì tự do của bản thân mà còn vì độc lập, chủ quyền của Tổ quốc. Chúng tôi cảm nhận được lòng mình dâng lên một niềm tự hào khôn tả. Điện Biên Phủ không chỉ là một trận địa, mà còn là nơi minh chứng cho sức mạnh phi thường của lòng yêu nước, của sự đoàn kết và tinh thần dân tộc. Những chiến công hiển hách ấy vẫn sống mãi trong tâm trí của mỗi người con đất Việt, là lời nhắc nhở để các thế hệ sau luôn trân trọng quá khứ và tiếp nối truyền thống hào hùng của dân tộc. Mỗi bước chân trên đồi A1 không chỉ là những bước đi về lịch sử, mà còn là hành trình sâu lắng về tinh thần bất khuất của cha ông – những người đã biến Điện Biên Phủ thành biểu tượng vĩ đại của chiến thắng, của lòng kiên định và lòng yêu nước mãnh liệt.
Lịch sử mãi mãi ghi nhớ rằng, với bản lĩnh kiên cường, trí tuệ sắc bén và tinh thần cách mạng anh hùng, dân tộc Việt Nam đã làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ – một dấu ấn không chỉ của riêng đất nước ta mà còn được thế giới ghi nhận. Với tôi, đó là niềm tự hào không thể diễn tả thành lời, một minh chứng cho sức mạnh bất khuất của ông cha, những người đã hy sinh tất cả để bảo vệ Tổ quốc. Ngày hôm nay, tôi cảm nhận được ngọn lửa ấy vẫn cháy sáng trong lòng mỗi người Việt Nam. Với niềm tin và khát vọng không ngừng vươn lên, chúng ta đang cùng nhau xây dựng một đất nước hạnh phúc, một dân tộc phồn vinh, chinh phục những đỉnh cao mới trong khoa học, công nghệ, kinh tế, tất cả đều gắn liền với sự vững vàng về quốc phòng, an ninh và khả năng đối ngoại khéo léo, để bảo vệ và phát triển đất nước trong hòa bình.
Trong lòng tôi, khát vọng đưa Việt Nam sánh vai cùng các cường quốc năm châu như lời dặn dò của Bác Hồ không chỉ là một mục tiêu lớn lao mà còn là ước mơ cháy bỏng. Đây không phải là nhiệm vụ của riêng một thế hệ, mà là sứ mệnh chung của cả dân tộc, là hành trình tiếp nối những chiến công của quá khứ để hướng tới một tương lai rạng rỡ hơn. Tôi mong rằng, Việt Nam sẽ tự tin bước ra thế giới, với tư thế của một đất nước giàu mạnh, đĩnh đạc, tự hào và kiêu hãnh, mang theo sức mạnh của những giá trị truyền thống và niềm tin vào sự phát triển không ngừng của dân tộc.
Ý kiến ()