
Văn hóa công vụ
Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án Văn hóa công vụ. Mục tiêu của đề án là nhằm nâng cao văn hóa công vụ, góp phần hình thành phong cách ứng xử, lề lối làm việc chuẩn mực của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; đảm bảo tính chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động, minh bạch, hiệu quả trong hoạt động thực thi nhiệm vụ, công vụ; đáp ứng nhu cầu phục vụ nhân dân, xã hội.
Theo đề án, văn hóa công vụ gồm 4 nội dung. Thứ nhất, về tinh thần, thái độ làm việc, cán bộ, công chức, viên chức phải trung thành với nhà nước; bảo vệ danh dự Tổ quốc và lợi ích quốc gia; tôn trọng và tận tụy phục vụ nhân dân. Khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ phải ý thức rõ về chức trách, bổn phận của bản thân. Phải sẵn sàng nhận và nỗ lực hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được phân công; không kén chọn vị trí công tác, chọn việc dễ, bỏ việc khó. Tâm huyết, tận tụy, gương mẫu làm tròn chức trách, nhiệm vụ được giao; không vướng vào “tư duy nhiệm kỳ”; phải có ý thức tổ chức kỷ luật; sử dụng có hiệu quả thời gian làm việc; tránh hiện tượng trung bình chủ nghĩa; nghiêm chỉnh chấp hành nội quy, quy chế cơ quan, tổ chức; không được gây khó khăn, phiền hà, vòi vĩnh, kéo dài thời gian xử lý công việc của cơ quan, tổ chức và người dân; không thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm trước những khó khăn, bức xúc của người dân.
Thứ hai, về chuẩn mực giao tiếp, ứng xử, trong giao tiếp với người dân, cán bộ, công chức, viên chức phải tôn trọng, lắng nghe, tận tình hướng dẫn về quy trình xử lý công việc và xử lý cặn kẽ những thắc mắc của người dân. Thực hiện “4 xin, 4 luôn”: Xin chào, xin lỗi, xin cảm ơn, xin phép; luôn mỉm cười, luôn nhẹ nhàng, luôn lắng nghe, luôn giúp đỡ. Đối với đồng nghiệp phải có tinh thần hợp tác, tương trợ trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ; không bè phái gây mất đoàn kết nội bộ của cơ quan, tổ chức. Đối với lãnh đạo cấp trên phải tuân thủ thứ bậc hành chính, phục tùng sự chỉ đạo, điều hành, phân công công việc của cấp trên; không trốn tránh, thoái thác nhiệm vụ, không nịnh bợ, lấy lòng vì động cơ không trong sáng.
Thứ ba, chuẩn mực về đạo đức, lối sống, phải không ngừng học tập, tu dưỡng, rèn luyện về đạo đức, lối sống. Thực hiện cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; trung thực, giản dị, thẳng thắn, chân thành; không có biểu hiện cơ hội, sống ích kỷ, ganh ghét, đố kỵ.
Thứ tư, về trang phục, khi thực hiện nhiệm vụ phải ăn mặc gọn gàng, lịch sự, đi giày hoặc đi dép có quai hậu. Trang phục phải phù hợp với tính chất công việc, đặc thù trang phục của ngành và thuần phong, mỹ tục của dân tộc. Đối với những ngành có trang phục riêng thì phải thực hiện theo quy định của ngành.
Bên cạnh đó, đề án cũng đưa ra các giải pháp, cách thức để thực hiện các quy định về văn hóa công sở, góp phần đảm bảo tăng cường kỷ luật kỷ cương hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của nền công vụ...
Có thể nói, việc Chính phủ phê duyệt Đề án Văn hóa công vụ với những nội dung, chuẩn mực hết sức cụ thể, rõ ràng sẽ góp phần vào việc nâng cao tinh thần, trách nhiệm, thái độ, lề lối làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong phục vụ tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp. Khắc phục được các biểu hiện thiếu trách nhiệm, vô cảm, bàng quan, nhũng nhiễu, thiếu văn hóa trong quá trình thực thi nhiệm vụ, vốn đã từng diễn ra ở không ít cơ quan, đơn vị, địa phương. Bên cạnh đó còn tăng cường tinh thần đoàn kết, giúp đỡ, tương trợ lẫn nhau trong giải quyết công việc. Đặc biệt là loại bỏ tư tưởng sống ích kỷ, hẹp hòi, đố kỵ, cơ hội trong cơ quan, đơn vị, tập thể.
Để những quy định, chuẩn mực này sớm đi vào thực tiễn cuộc sống, các cơ quan, đơn vị, địa phương cần cụ thể hóa Đề án thành những quy định, chương trình hành động phù hợp với tính chất, đặc thù nhiệm vụ, công việc của mình. Đồng thời cũng phải tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện văn hóa công vụ, kể cả thường xuyên và đột xuất. Có như vậy mới phát huy được tác dụng, hiệu quả của Đề án, đảm bảo cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thực thi tốt nhất nhiệm vụ, công vụ của mình, tạo nền tảng phát triển chung của xã hội...
Thanh Tùng
Ý kiến ()