Vận động bầu cử
Với những ứng cử viên chưa có nhiều kinh nghiệm, tuổi đời còn trẻ, người dân tộc thiểu số, khả năng thuyết trình còn hạn chế thì đây là công việc không mấy dễ dàng. Vì vậy để tạo sự tự tin cho các ứng cử viên trong vận động bầu cử, một số tổ chức đoàn thể đã tổ chức tập huấn cho các ứng cử viên là hội viên, đoàn viên của mình. Ngoài việc tiếp thu, học hỏi các kỹ năng, kinh nghiệm trình bày trước đông người, đòi hỏi các ứng cử viên còn phải có những am hiểu, kiến thức về ngành mình, địa phương mình để nội dung thuyết trình có chất lượng, đáp ứng được sự mong mỏi cũng như tâm tư nguyện vọng của cử tri. Để được cử tri “ghi điểm”, báo cáo chương trình hành động của các ứng cử viên vừa phải có tầm khái quát, vừa phải được dẫn chứng bằng những việc làm cụ thể của địa phương, đơn vị mình, đặc biệt phải đề ra được các hướng giải quyết những vấn đề còn khó khăn, tồn tại và mục tiêu phát triển mà cử tri đang quan tâm…
Các ứng cử viên tiếp xúc, báo cáo dự kiến chương trình hành động trước cử tri làm cơ sở để cử tri quyết định lựa chọn những người xứng đáng bầu vào Quốc hội và HĐND các cấp là thể hiện sự dân chủ của cuộc bầu cử và coi trọng chất lượng của các đại biểu bên cạnh các yêu cầu về cơ cấu, thành phần, giới tính v.v..
Thời gian từ nay đến ngày bầu cử không còn dài, vì vậy ngoài các cuộc tiếp xúc cử tri theo kế hoạch của Uỷ ban MTTQ các cấp, các ứng cử viên có thể thực hiện các hình thức vận động bầu cử khác theo quy định của pháp luật và tiếp xúc với càng nhiều cử tri càng tốt. Về phía các cử tri cũng cần nâng cao tinh thần trách nhiệm, ý thức xây dựng chính quyền bằng việc tham gia đầy đủ các buổi tiếp xúc với các ứng cử viên để thực hiện tốt quyền và nghĩa vụ công dân của mình...
Ý kiến ()