Vân Đồn chuyển đổi số trong trường học
Ứng dụng CNTT, chuyển đổi số trong giáo dục được huyện xác định là nhiệm vụ trọng tâm nhằm đổi mới phương pháp giảng dạy, học tập, quản lý, nâng cao chất lượng giáo dục trên địa bàn.
Một trong những đơn vị tiêu biểu về ứng dụng CNTT trong giảng dạy ở huyện là Trường THCS thị trấn Cái Rồng. Trường hiện là đơn vị duy nhất của huyện được trang bị phòng học thông minh (13 phòng) với các trang thiết bị hiện đại, như hệ thống màn hình tương tác thông minh, bảng trượt, camera, webcam trực tuyến, các phần mềm dạy học hiện đại.
100% phòng học của nhà trường có thiết bị trình chiếu, trong đó có 72% số phòng học là phòng học thông minh với đầy đủ các thiết bị phụ trợ và đều được kết nối internet, tạo điều kiện thuận lợi cho việc sử dụng công nghệ trong quá trình dạy và học. Đây là điều kiện để nâng cao chất lượng dạy và học cũng như giúp giáo viên và học sinh được tiếp cận với phương pháp dạy và học mới, sát với thực tế hơn. Trường còn được đầu tư 1 phòng hội nghị trực tuyến để đảm bảo công tác họp chuyên môn, tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ giáo viên nhà trường.
Nhà trường chỉ đạo giáo viên xây dựng được trên 40 học liệu trực tuyến dưới dạng hệ thống câu hỏi, bài luyện tập và kiểm tra, tài liệu tham khảo, bổ trợ. Việc xây dựng học liệu trực tuyến đã mang lại một nguồn tài nguyên học tập, giúp học sinh tiếp cận kiến thức một cách linh hoạt và hiệu quả.
Bên cạnh đó, nhà trường khai thác tốt các chức năng của phần mềm quản trị nhà trường và ban hành các văn bản hướng dẫn sử dụng các phân hệ chức năng quản trị. Phần mềm quản trị nhà trường có các phân hệ quản lý đội ngũ CBGVNV, quản lý học sinh, quản lý thông tin y tế trường học, quản lý thông tin sức khỏe học sinh, sổ điểm điện tử.
Hiệu trưởng nhà trường Phạm Văn Nhân cho biết: Nhờ ứng dụng CNTT trong giảng dạy mà chất lượng dạy và học của Trường ngày một nâng cao. Các học liệu được xây dựng trực tuyến đều được học sinh tiếp cận, được coi là tài liệu ôn tập hiệu quả. Đội ngũ giáo viên đều hào hứng tham gia thiết kế các bài giảng sinh động với nhiều hình ảnh, tư liệu gắn liền với thực tế cuộc sống, nên học sinh được tương tác với thầy, cô nhiều hơn.
Trên địa bàn huyện hiện có 32/32 trường mầm non và phổ thông công lập được công nhận đạt chuẩn quốc gia; trong đó có 5 trường được công nhân mức độ 2. Các cấp học do Phòng GD&ĐT huyện quản lý, hiện có 1 trường có phòng học thông minh; 3 trường có thư viện thông minh, thiết bị máy chiếu hoặc tivi để phục vụ việc dạy học.
Toàn bộ thông tin của cán bộ giáo viên, học sinh được cập nhật lên phần mềm http://qlth.quangninh.edu.vn/. Các trường đều sử dụng sổ điểm, học bạ điện tử thay thế hoàn toàn văn bản giấy; liên thông văn bản điện tử đến các cơ quan trong huyện, đảm bảo văn bản đi, đến được số hóa và xử lý trên phần mềm trực tuyến.
100% cán bộ có tài khoản để truy cập và xử lý công việc trên phần mềm chính quyền điện tử. Việc dạy và học của giáo viên, học sinh được thực hiện với sự hỗ trợ của các thiết bị giảng dạy hiện đại thông qua mạng LAN, internet, phần mềm trên các phòng học tương tác, phòng học thông minh; các trường đã tích hợp việc dạy học theo chuyển đổi số. Các trường đã thí điểm tuyển học sinh đầu cấp trực tuyến từ năm học 2023-2024.
Năm học 2024-2025, Phòng GD&ĐT huyện ban hành kế hoạch về việc triển khai thí điểm học bạ số cấp tiểu học, nhằm xây dựng, hoàn thiện mô hình, quy trình quản lý, sử dụng học bạ số làm cơ sở triển khai thống nhất trên toàn huyện. Nội dung thí điểm bao gồm: Tạo lập, cập nhật học bạ số; quản lý và lưu trữ học bạ số; sử dụng học bạ số (tra cứu thông tin học bạ số, chuyển trường…); kết nối, trao đổi dữ liệu học bạ số với cơ sở dữ liệu ngành Giáo dục, cơ sở dữ liệu quốc gia.
Ý kiến ()