Vẫn chuyện, “phòng” hơn “chống”
Đáng chú ý là, báo cáo từ các địa phương đều thông tin, số trâu, bò bị chết trong đợt rét này có nguyên nhân chính từ sự phó mặc của chính chủ nhân chúng. Dù đã nắm được diễn biến của thời tiết, nhưng những người dân ở khu vực vùng núi -nơi có số trâu, bò, nghé chết nhiều vẫn không có cách bảo vệ “tài sản” của chính mình. Với thói quen chăn thả trên rừng, đa phần họ không làm chuồng trại kiên cố. Và, ngay khi có rét đậm, rét hại kéo dài liên tục nhiều ngày, họ vẫn để mặc gia súc tự chống chọi. Kết quả, chính họ bị thiệt hại lớn. Bởi, các cụ đã có câu “Con trâu là đầu cơ nghiệp”. Hơn nữa, với bà con các vùng núi, vùng khó khăn, tài sản lớn chính là đàn gia súc.
Từ chuyện này cho thấy, yếu tố sâu xa vẫn là chuyện trang bị cho bà con kiến thức cơ bản về sản xuất nông nghiệp mà cụ thể ở trường hợp này đó là lĩnh vực chăn nuôi. Anh Chíu Chăn Nỉ, Trưởng thôn Khe Xóm, xã Phong Dụ (Tiên Yên) cho biết: Ở đây bà con quen với việc chăn thả tự nhiên trên rừng, chỉ lùa trâu, nghé về nhà khi cần bán hoặc giết thịt, chuồng trại không có chỉ đóng mấy cọc ở gần nhà rồi buộc trâu vào đấy - đây là một chi tiết trong bài viết “Sản xuất nông nghiệp: Cần có biện pháp phòng chống rét hiệu quả hơn” được đăng ở số báo hôm nay.
Cùng với việc được trang bị kiến thức, chính quyền địa phương và các tổ chức, đoàn thể trên địa bàn cần vào cuộc mạnh mẽ hơn để người dân thấy rõ được hiệu quả của việc vận dụng những kiến thức đó phục vụ phát triển kinh tế gia đình. Có như vậy, những tập quán, thói quen như chăn thả trâu bò tự nhiên, để mặc chúng trên rừng sẽ không còn nữa. Và, theo đó, mỗi khi có những diễn biến bất thường thì chính người dân, cho đến chính quyền địa phương và cả cơ quan chức năng không phải đôn đáo lo “chống”. Bởi, tất cả đã được làm tốt từ khâu phòng.
Ý kiến ()