Vai trò của lễ hội
Trong đời sống văn hoá tinh thần của người Việt, lễ hội là một phần không thể thiếu, gắn bó chặt chẽ với cuộc sống của cộng đồng từ lâu đời. Bên cạnh nhu cầu sinh hoạt văn hoá, tín ngưỡng thì lễ hội còn có một vai trò quan trọng đó là bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hoá đặc sắc của một tộc người, một địa phương, khu vực.
Ngày nay, chúng ta biết được một phần đời sống sinh hoạt văn hoá tín ngưỡng của người Việt từ thời Hùng Vương chính là phần nhiều ở các lễ hội được thể hiện qua các hoa văn đúc trên trống đồng, thạp đồng, đồ nông cụ, vũ khí. Chẳng hạn như trên trống đồng Quảng Chính trưng bày tại Bảo tàng tỉnh Quảng Ninh có đúc hình cuộc thi đua thuyền, những người chèo thuyền mặc trang phục lễ hội hết sức sinh động. Dù chưa biết đó là lễ hội gì nhưng qua hàng ngàn năm, người xem hôm nay vẫn có thể cảm nhận đó là một lễ hội của một cộng đồng và nó diễn ra rất sôi nổi.
Hiện ở nước ta nói chung, Quảng Ninh nói riêng có nhiều loại lễ hội, bên cạnh lễ hội cổ truyền còn có lễ hội mới (lễ hội hiện đại, gắn với các sự kiện lịch sử hiện đại, cách mạng), lễ hội sự kiện (gắn với quảng bá du lịch, như Carnaval Hạ Long), trong đó lễ hội cổ truyền có số lượng nhiều nhất, phạm vi phân bố rộng, có lịch sử lâu đời nhất.
So với các loại lễ hội khác, lễ hội cổ truyền mang 3 đặc trưng cơ bản, một là nó gắn với đời sống tâm linh, tín ngưỡng, mang tính thiêng, do vậy nó thuộc thế giới thần linh, đối lập với đời sống trần gian, trần tục. Tiêu biểu như các lễ hội Đại Phan của người Sán Dìu ở Bình Dân (Vân Đồn), nghi lễ lảu then của người Tày ở Bình Liêu, lễ cấp sắc của người Dao ở Ba Chẽ, Hạ Long... Hai là lễ hội cổ truyền là sinh hoạt tín ngưỡng, nghi lễ, các sinh hoạt diễn xướng dân gian, các cuộc thi tài, vui chơi, giải trí, ẩm thực, mua bán... Tiêu biểu như lễ hội đình Đầm Hà, hội hát Tháng ba của người Tày ở Bình Liêu, lễ hội truyền thống Vân Đồn... Không có một sinh hoạt văn hóa truyền thống nào có thể sánh được với lễ hội cổ truyền, trong đó chứa đựng đặc tính vừa đa dạng vừa nguyên hợp này. Ba là chủ thể của lễ hội cổ truyền là cộng đồng, đó là cộng đồng làng, cộng đồng nghề nghiệp, cộng đồng tôn giáo tín ngưỡng và lớn hơn cả là cộng đồng quốc gia dân tộc. Cộng đồng chính là chủ thể sáng tạo, hoạt động và hưởng thụ các giá trị văn hóa của lễ hội. Có thể kể như các lễ hội truyền thống Vân Đồn, lễ hội Tiên Công, lễ hội đền Cửa Ông, lễ hội Yên Tử, các hội đình, hội chùa, hội làng...
Theo các nhà nghiên cứu, lễ hội cổ truyền mang các giá trị cố kết và biểu dương sức mạnh cộng đồng, giá trị hướng về cội nguồn, giá trị cân bằng đời sống tâm linh, giá trị sáng tạo, hưởng thụ văn hóa và giá trị bảo tồn và trao truyền văn hóa. Lễ hội không chỉ là tấm gương phản chiếu các giá trị văn hoá dân tộc đặc sắc, mà còn là môi trường bảo tồn, làm giàu và phát huy các di sản văn hoá quý báu ấy. Nhìn từ thực tế Quảng Ninh cho thấy, nếu như không có nghi lễ và hội hè thì các làn điệu hát then, hát soóng cọ của đồng bào dân tộc Tày, Sán Chỉ ở Bình Liêu, diễn xướng hát nhà tơ, múa cửa đình ở Đầm Hà, các trò chơi dân gian đánh đu, đánh quay, chọi gà, đấu vật, bơi chải, múa rồng, múa lân; các hình thức sân khấu chèo, hát giao duyên... có ở bao lễ hội truyền thống tại các địa phương trong tỉnh sẽ như thế nào, liệu có được bảo tồn, phát huy giá trị như nó đã ra đời và tồn tại hàng nghìn năm qua.
Thật mừng là những năm qua, bên cạnh các lễ hội truyền thống được gìn giữ thì còn có rất nhiều lễ hội truyền thống khác trên địa bàn tỉnh được phục hồi, phát huy giá trị sau nhiều năm mai một. Đó là yếu tố quan trọng để các giá trị văn hoá đặc sắc của Quảng Ninh “sống” và khoe vẻ đẹp của nó.
Ý kiến ()