Ứng phó với nguy cơ nắng nóng, hạn hán thiếu nước, xâm nhập mặn
Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, năm 2023 lượng mưa sẽ ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm, nắng nóng xuất hiện sớm và gay gắt hơn so với năm 2022. Chính vì thế sẽ có nguy cơ xảy ra hạn hán, thiếu nước và xâm nhập mặn cục bộ tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh.
Ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo Thời tiết, Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết, tháng 6/2023 nhiệt độ trung bình tháng tại Việt Nam từ 27-32 độ C và có xu hướng cao hơn khoảng 0,5 độ C so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ. Từ tháng 6 đến tháng 8/2023, Bắc Bộ và Trung Bộ là cao điểm của các đợt nắng nóng, cường độ có thể gay gắt hơn so với năm 2022.
Trong điều kiện El Nino thường gây thiếu hụt lượng mưa trong hầu hết các vùng trong cả nước, phổ biến từ 25-50% (rõ rệt nhất là Bắc Trung Bộ). Chính vì thế, nguy cơ thiếu nước sẽ có thể xảy ra. Và theo thống kê của Chi cục Thủy lợi tính đến 15/5/2023, tổng lượng nước trữ ở 35 hồ chứa nước lớn, vừa trong tỉnh là 177,53 triệu m3 đạt 56,3% tổng dung tích thiết kế, giảm 13,92 triệu m3 so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, Hồ Yên Lập, hồ nước ngọt lớn nhất tỉnh cung cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và cung cấp nước cho nhà máy nước sạch của TP Hạ Long, TP Uông Bí và TX Quảng Yên chỉ có 51,2 triệu m3 nước, bằng 40,2% dung tích thiết kế.
Để chủ động triển khai các giải pháp cấp bách phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, đảm bảo nguồn nước, nâng cao hiệu quả tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp, dân sinh của các hệ thống công trình thủy lợi và nước sinh hoạt, các cơ quan liên quan của Quảng Ninh đã thường xuyên theo dõi, cập nhật thông tin và tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn người dân chủ động thực hiện các biện pháp sử dụng hiệu quả, tiết kiệm nước, điện, triệt để chống thất thoát, lãng phí nước. Cùng với đó, thực hiện kiểm kê, đánh giá nguồn nước dự trữ để có kế hoạch vận hành từng hệ thống thủy lợi, hồ chứa thủy lợi, điều chỉnh, bổ sung phương án sử dụng nước. Trong đó, ưu tiên nguồn nước cấp nước cho sinh hoạt, chăm lo sức khỏe cho người dân, chăn nuôi gia súc và các lĩnh vực sản xuất trọng yếu.
Ngày 1/6/2023, UBND tỉnh cũng đã ban hành văn bản số 1333/UBND-NLN1 về triển khai các biện pháp ứng phó với nguy cơ nắng nóng, hạn hán thiếu nước, xâm nhập mặn. Trong đó, yêu cầu các đơn vị, địa phương kiểm kê, đánh giá thực trạng nguồn nước tại các hồ chứa, hệ thống thủy lợi trên địa bàn để bổ sung phương án phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn cụ thể, chi tiết từng vùng, khu vực để có giải pháp (trước mắt và lâu dài) ứng phó phù hợp; chỉ đạo triển khai các biện pháp cần thiết (nạo vét cửa lấy nước các trạm bơm, cống, kênh mương, lắp đặt và vận hành trạm bơm dã chiến...); chủ động tích trữ nước trong các hồ, ao, vùng trũng thấp... để sử dụng trong thời kỳ cao điểm hạn hán, xâm nhập mặn; đẩy nhanh tiến độ thi công, sớm đưa vào khai thác các công trình thủy lợi, nhất là ở các vùng có nguy cơ cao xảy ra hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn.
Đồng thời, chủ động sử dụng kinh phí từ ngân sách và huy động các nguồn kinh phí hợp pháp khác để tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước sinh hoạt và xâm nhập mặn, đảm bảo an ninh nguồn nước khi nắng hạn kéo dài. Các địa phương định kỳ vào ngày 20 hàng tháng (từ tháng 6/2023 đến hết tháng 9/2023), báo cáo tình hình nguồn nước, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn trên địa bàn. Sở NN&PTNT đề xuất kịp thời UBND tỉnh, Bộ NN&PTNT các biện pháp chống hạn cụ thể, phù hợp với tình hình thực tế tại từng thời điểm xảy ra hạn hán và kinh phí thực hiện phòng, chống hạn, xâm nhập mặn.
Đặc biệt, UBND tỉnh yêu cầu Công ty Cổ phần Nước sạch Quảng Ninh có phương án sẵn sàng lắp đặt và vận hành trạm bơm dã chiến; kéo dài đường ống dẫn nước để kết nối nguồn nước, vận chuyển nước sinh hoạt cho các khu dân cư, trường học, bệnh viện, cơ sở y tế tại các khu vực không đảm bảo nguồn nước. Kiên quyết không để xảy ra tình trạng thiếu nước sinh hoạt ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân.
Ý kiến ()