Ứng cứu nông dân
Ngành Nông nghiệp đã thống kê, toàn tỉnh có 509 con trâu, bò, bê, nghé; hơn 590 ngàn con cá giống, trên 445,84 tấn cá nuôi thịt các loại; khoảng 824 ha lúa; 66,76 ha mạ bị chết rét. Theo đó, chỉ riêng lĩnh vực thủy sản giá trị thiệt hại tính bằng tiền lên đến hơn 20 tỷ đồng. Không chỉ vậy, dịch lở mồm long móng gia súc phát sinh từ cuối tháng 1-2011 ở các huyện Bình Liêu, Ba Chẽ, Đầm Hà, Vân Đồn với 404 con trâu, bò, lợn bị mắc bệnh. Gần đây nhất, ngày 23-2, tỉnh chính thức công bố dịch cúm gia cầm tại 2 xã của huyện Yên Hưng là Nam Hòa và Yên Giang. 5.188 con gia cầm bị mắc bệnh đã được tiêu hủy. Trong sản xuất nông nghiệp, đã xuất hiện một số loại sâu bệnh hại trên cây vụ đông như ngô, tương, lạc và các loại rau xanh tỷ lệ hại thấp không đáng kể. Được biết, ngay sau Tết, ngành Nông nghiệp đã thành lập 2 đoàn công tác trực tiếp kiểm tra, phối hợp các địa phương hướng dẫn nông dân thực hiện các biện pháp phòng chống rét cho cây trồng, vật nuôi.
Những con số trên không chỉ phản ánh một cách thuần túy những khó khăn của một ngành mà nó còn là nỗi niềm tâm tư của biết bao người nông dân quanh năm “chân lấm, tay bùn”. Nói vậy bởi, chính họ là đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp.
Do đó, đi đôi với việc tăng cường kiến thức để người nông dân chủ động phòng chống, đối phó với các tình huống diễn biến bất thường thì rất cần sự hỗ trợ cụ thể. Bên cạnh quy định đã có sẵn, nên chăng, ngành chức năng cần tham mưu cho tỉnh để có sự “tiếp sức” kịp thời cho người nông dân.
Chúng ta đều biết, sự ra đời của chính sách “tam nông” cùng chương trình xây dựng “Nông thôn mới” đang được tích cực triển khai trong khắp cả nước khẳng định tầm quan trọng đặc biệt của lĩnh vực nông nghiệp cũng như vai trò của người nông dân trên hành trình đổi mới, phát triển.
Ý kiến ()